Cuối năm, tôi bận rộn với mớ sổ sách, để tranh thủ giải quyết cho xong trước khi nghỉ Tết. Xung quanh Đội, các thầy và trò đang hối hả cho việc trang trí, bày biện đón Tết. Tôi cúi mặt trong đống hồ sơ, chợt giật mình khi nghe tiếng gọi.
- Cô ơi, em có chuyện này, cô chia sẻ giúp em được không?
Tôi ngước nhìn cậu học viên đang đứng bần thần trước mặt, đôi mắt cậu đỏ hoe, ngấn nước.
- Em ngồi đi, có chuyện gì nói cô nghe!
Cậu vừa đưa tay quệt nước mắt, vừa kể cho tôi những suy nghĩ dồn nén trong lòng.
- Em muốn gọi điện thoại cho mẹ. Tết đến rồi! Đây là cái Tết đầu tiên em không ở nhà. Em muốn hỏi thăm mẹ, nhưng em không dám đối diện với mẹ. Mẹ em bị bệnh tim, không chịu được những cú sốc, chỉ cần xúc động mạnh là mẹ xỉu, em nên gọi không cô?
- Em kể cô nghe từ ngày em đi đến nay, em đã liên lạc với mẹ như thế nào rồi?
- Lúc em vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân, mẹ đã bốn lần đến thăm mà em không dám ra gặp, mỗi lần gọi đến tên là em ngồi lỳ trong phòng và khóc. Giờ lên đây, em chưa một lần dám gọi điện cho mẹ, chỉ dám hỏi thăm và nhắn nhủ qua người nọ người kia, sai lầm của em là quá lớn, em không thể đối diện với mẹ dù chỉ một lần.
Tôi hỏi em sao không viết thư cho mẹ, có thể em không nghe được giọng nói của mẹ, nhưng ít nhất em cũng nói lên được nỗi lòng của mình. Em nhìn xa xăm rồi trả lời tôi:
- Cô biết không, em đã viết thư, tổng cộng là 7 lần rồi, em viết, rồi xé, rồi viết, rồi lại xé. Em thấy câu từ lủng củng, chỉ quẩn quanh mấy lời xin lỗi mà em không thể diễn đạt thành câu được. Lần thứ 7 em lấy hết can đảm mang lá thư lên cổng Đội gửi thầy trực ban, nhưng khi quay về phòng em suy nghĩ rồi ra cổng xin lại lá thư và xé bỏ, em không vượt qua chính mình được.

Ảnh minh họa
Ở Đội, em có nhiều bạn nhưng không thân, các thầy đều là nam giới mà em lại là giới tính thứ ba, rụt rè, nhút nhát, lại còn bị các bạn trêu nên em càng ngại không biết chia sẻ cùng ai. Tôi định cầm bàn tay em, bàn tay với các ngón tay nhỏ nhắn như con gái để an ủi, nhưng lại thôi, vì dù sao em cũng là một cậu con trai và nghề nghiệp không cho phép tôi làm điều đó.
Sau một hồi trò chuyện, tôi động viên em chiều nay xin thầy gọi điện về cho mẹ, nếu không nói được lời nào, em chỉ cần nghe mẹ nói thôi cũng được. Em chào tôi lặng lẽ về phòng.
Mấy ngày xuân trôi qua nhanh chóng, tôi trở lại công việc thường ngày. Việc đầu tiên tôi làm là xuống gặp em để hỏi về chuyện cũ. Em bẽn lẽn như con gái, hai bàn tay ngượng nghịu nắm chặt nhau.
- Cô ơi, hôm Tết em gọi cho mẹ rồi, em đã xin lỗi mẹ và kể cho mẹ nghe những chuyện đã diễn ra, kể cả chuyện cô động viên em hôm trước, mẹ gửi lời cám ơn cô. Em cũng cám ơn cô nhiều lắm. Mẹ nói chuyến sau mẹ lên thăm em đó cô! Em làm được rồi nè cô!
Nỗi vui mừng hiện hữu trên gương mặt cậu bé sau khi lấy hết can đảm để nói ra những lời khó nói mà bấy lâu cậu cất giữ trong lòng. Tôi biết cậu chỉ cần một điều là có ai đó lắng nghe cậu nói, chỉ cần ai đó động viên cậu một câu là “em sẽ làm được” thì cậu sẽ có đủ bản lĩnh để thực hiện được điều mình muốn. Và cậu đã làm được, mùa xuân có lẽ dài thêm trong đôi mắt cậu. Còn trong tôi mùa xuân như mới bắt đầu.
Lê Thị Bích Hà