Đàn ông, con trai luôn được xem là phái mạnh, phải là chỗ dựa tinh thần tốt nhất cho phái yếu, và suy nghĩ “đàn ông thì không được khóc” dường như là điều hiển nhiên. Thế nhưng, mấy ai hiểu rằng đàn ông cũng có lúc phải khóc…
Giọt nước mắt hối hận
Vào một ngày tổ chức thăm nuôi tại đơn vị, một cô gái trẻ với vẻ mặt nhiều lo lắng đến gặp tôi và nói:
- Cô ơi! Cho gia đình em xin được giải quyết cho Hiếu gọi điện về nói chuyện với ba em lần cuối. Giờ này ba em đã yếu lắm rồi, ông đang thở ô xy tại bệnh viện tim, nhưng ông không an lòng ra đi vì chưa được gặp Hiếu.
- Ba ơi, con Hiếu đây ba, cho con xin lỗi ba, con xin ba tha lỗi cho con. Con hứa sẽ làm lại từ đầu, con sẽ cố gắng để trở thành người chồng, người cha tốt để lo cho gia đình, cho vợ con của con. Con biết con là đứa con bất hiếu, đã phụ lòng ba mẹ trong bao nhiêu năm qua. Giờ ba sắp đi xa mà con không ở bên để phụng dưỡng, trả hiếu cho ba được. Ba ơi, ngàn lần con xin lỗi ba… Ba hãy thanh thản ra đi gặp mẹ con nơi thiên đàng ba nhé. Con xin lỗi...
Tiếng nấc nghẹn ngào, giọng nói đứt quãng khi điện thoại về cho ba của cậu học viên đang ngồi trước mặt tôi trong ngày thăm nuôi hôm đó khiến nhiều thân nhân chú ý. Có lẽ giờ này trong lòng của em có biết bao nỗi ân hận muộn màng. Khi những phút giây cuối đời của người cha đang từng phút chờ sang thế giới bên kia vẫn đau đáu trong lòng về đứa con trai của mình.
Sinh ra tại thành phố, Hiếu được ba mẹ lo lắng, chăm sóc từng chút trong cuộc sống hàng ngày. Khi cơn lốc sử dụng ma túy ào đến với giới trẻ như một phong trào, và dù bận rộn việc kinh doanh, nhưng gia đình vẫn luôn quan tâm đến Hiếu. Thế nhưng sức cám dỗ của chất ma túy như một vòng xoáy đã cuốn Hiếu vào tâm điểm cuộc chơi. Những ngày trốn học, đi bụi đã biến Hiếu thành con người khác. Biết bao lần ba mẹ đi tìm Hiếu về, khuyên răn có, năn nỉ và dỗ dành cũng có, chỉ mong sao Hiếu tỉnh táo để dừng lại cuộc chơi. Tuổi trẻ háo thắng, nên lời khuyên của ba mẹ như “nước đổ lá khoai” với Hiếu. Cuộc sống của Hiếu cứ thế trượt dài trong những lần đi “bay, lắc” cùng đám bạn.
Rồi Hiếu đi cai lần thứ nhất, hai năm cai nghiện, cũng có chút thay đổi, được giảm thời gian hai tháng. Cả nhà hạnh phúc và càng vui hơn khi Hiếu lập gia đình. Nhưng niềm vui ấy quá ngắn ngủi, khi mẹ mất, gia đình phát hiện Hiếu quay trở lại với con đường “ảo ảnh” và bị bắt lần thứ hai. Điều đó đã khiến ba Hiếu bị đột quỵ phải đưa vô bệnh viện. Ngày Hiếu đi cai lần thứ 2 là ngày ba lên bàn mổ với chứng bệnh hở van tim. Nỗi đau mất người thân và đứa con hư đã làm ông khó lòng gượng nổi. Trên bàn mổ, bác sỹ phát hiện ngoài hở van tim ông còn có khối u, ca phẫu thuật không thành công. Khi tỉnh lại một chút ông chỉ đòi gặp Hiếu, cả gia đình quyết định lên trường, xin cho Hiếu gọi điện về nói chuyện với ba lần cuối để rồi rút ống thở.
Nước mắt của Hiếu, nước mắt của người thân, và nước mắt của người cha đang trong giây phút lâm chung ấy, có làm thức tỉnh Hiếu hay không? Hy vọng giọt nước mắt chia ly này sẽ giúp em biết gắng lên để làm tròn lời hứa với đấng sinh thành Hiếu nhé!

Học viên gọi điện thoại về nhà cho người thân (Ảnh minh họa)
Giọt nước mắt đau xót
Người đàn ông trong bộ quân phục với mái tóc pha sương, đang cương quyết trả lời cậu con trai ngồi trước mặt mình trong giờ thăm nuôi:
- Khi nào ba mẹ thấy con đủ ổn định, lúc đó ba mẹ sẽ thanh lý hợp đồng và đón con về, cho dù năm nay con phải bỏ lỡ một năm học. Ba mẹ làm như vậy cũng là mong cứu lấy cuộc đời con trước khi quá muộn con trai ạ.
Cậu bé đang học lớp 11, được gia đình đưa vào cai nghiện tự nguyện đang năn nỉ ba mẹ đón về với đôi mắt đỏ hoe, lem nhem nước mắt.
Khi tâm sự với tôi, anh Q cho biết, gia đình anh ở Đồng Nai, anh là quân nhân trong quân đội, vợ anh ở nhà nội trợ, buôn bán nhỏ và chăm lo các con. Ngày bé, Minh Anh rất ham học và học rất giỏi. Trên gương mặt người cha, nét vui hiện lên khi nhớ lại những lần đọc truyện cho con nghe. Với Minh Anh chỉ cần đọc một lần là cậu nhớ, gần như thuộc lòng câu chuyện ba đã kể. Tự hào hơn, khi mỗi lần đi họp phụ huynh, con được các thầy cô giáo khen học sáng dạ, luôn đứng trong tốp 5 của lớp.
Năm học lớp 9, anh nhận thấy việc học của Minh Anh có đà sa sút. Anh hỏi han, động viên con cố gắng học hành, chia sẻ với con những tâm tư của cậu con trai mới lớn. Tuy nhiên, sau khi bố đi khỏi nhà, thì cậu bé cũng lẻn đi chơi game cùng đám bạn. Mặc dù sức học sút hơn, nhưng năm đó Minh Anh cũng thi đỗ vào trường cấp 3 với số điểm khá cao khiến bố mẹ cũng bớt đi lo lắng phần nào.
Để có thể kiểm soát được cậu con trai ham chơi, anh chị bàn nhau cho con lên thành phố Hồ Chí Minh học, gần nơi ba công tác, để dễ bề quản lý. Suốt năm lớp 10, cậu bé như có tiến bộ hơn trong học tập. Một ngày kia, cậu xin anh về học trường gần nhà, vì theo lời cậu thì trong trường có nhiều vấn nạn xã hội. Nghe con nói vậy, cộng với việc phải đi công tác thường xuyên, anh chị lại xin chuyển cho con về trường học gần nhà.
Thời gian trước, chị thấy con thường thức khuya chơi game đến hai hay ba giờ sáng mới đi ngủ, học hành chểnh mảng hơn, tinh thần và thể chất không nhanh nhẹn, chị gọi điện nói cho anh biết tình hình của con. Đến cuối năm vừa qua, thấy con hai ba đêm liền không ngủ, anh chị nghi con sử dụng ma túy đá. Anh kêu con ra tra hỏi, nhưng cậu bé nhất định nói không có, mà chỉ là do ham mê chơi game mà thôi. Để rồi sau đó, anh đã sốc khi phát hiện con sử dụng ma túy đá trong phòng của con. Cả bầu trời như đảo lộn, trong tâm trí anh xuất hiện bao nhiêu là câu hỏi. Tương lai của con sẽ ra sao? Tiền đâu con mua ma túy mà sử dụng? Liệu con có dính dáng gì đến việc mua bán hay vận chuyển ma túy hay không?... Biết bao đêm nước mắt anh âm thầm rơi, khi tính toán cho cuộc sống gia đình và tương lai của con. Anh bàn với vợ dự tính xin nghỉ việc để về nhà kèm con. Nhưng liệu có ổn không, khi mà anh không thể theo chân con suốt 24 tiếng đồng hồ trong ngày?!. Rồi cả dự tính cho con về quê ngoài Bắc với ông bà, để né tránh sự kỳ thị của mọi người xung quanh, cũng là “nước cờ” được anh chị tính đến.
Sau những đêm không ngủ, anh quyết định “bằng mọi giá phải cứu lấy cuộc đời của con mình trước khi quá muộn”. Tương lai của con còn dài ở phía trước, anh chị quyết định đưa con đi cai nghiện tự nguyện. Ngày chị đưa con đi, anh đứng nhìn từ xa mà nước mắt lặng lẽ rơi. Hy vọng rằng, những ngày tháng cai nghiện sẽ giúp con bước ra khỏi vũng lầy của ma túy, để làm lại cuộc đời.

"Khi nào con đủ ổn định, ba mẹ sẽ đón con về, ba mẹ làm vậy là mong cứu lấy cuộc đời con, con trài à" (Ảnh minh họa)
Hiện nay, toàn dân cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy, nhưng vẫn còn đó biết bao mảnh đời đang vướng vấp vào cái “chết trắng” với những tên gọi “mỹ miều”. Biết bao giọt nước mắt ân hận muộn màng của các bạn đã rơi. Cả những giọt nước mắt của người cha vì các con mà khóc. Và còn bao giọt nước mắt khác nữa… Hy vọng rằng, những giọt nước mắt này sẽ thức tỉnh các bạn, giúp các bạn quyết tâm để làm lại cuộc đời.
Ngọc Mai