Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37328219
Ngày tết anh lính mới

      Tiết trời vẫn se se lạnh nhưng bầu trời đã thoáng đãng và xanh hơn, cây mai vàng trước sân cũng đã bắt đầu nảy lộc, chớm nụ. Vậy là một mùa xuân nữa lại về. Xuân về lòng tôi lại bồi hồi… Đây là lần thứ mười lăm, tôi đón tết tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Năm nay, tôi không còn buồn và chạnh lòng như những năm trước do đã quen với không khí đón Tết xa nhà.

     Nhớ lại hồi mới vào làm, là lính mới nên tôi chủ động xin trực Tết để học hỏi và nắm bắt thêm công việc, thấy vậy, sếp động viên: “Những ngày Tết, đơn vị đông lắm, vui lắm, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tha hồ cho chú vui chơi”. Mặc dù là lựa chọn của mình, nhưng ban đầu tôi cũng cảm thấy buồn vì nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Thấy một vài đồng nghiệp chuẩn bị về quê đón Tết, tự nhiên mắt tôi ươn ướt, bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm đón Tết bên gia đình thi nhau ùa về. Anh đồng nghiệp thấy tôi đứng trầm ngâm đã bảo: “Nỗi niềm này anh đã trải qua rồi, ngày ấy anh còn khóc nhiều hơn chú”. Nghe vậy, nước mắt tôi tuôn ra. Tôi quay mặt đi và nói không sao. Và rồi sau lần trực Tết năm đầu tiên ấy, mọi điều đúng như sếp nói. Tôi đã được trải nghiệm một cái Tết thật rộn ràng, đầm ấm và đầy ý nghĩa.

     Tết đến, mỗi bộ phận, mỗi cá nhân đều tất bật với nhiệm vụ được phân công nhằm đảm bảo tổ chức cho gần 2.000 người nghiện ma túy đón một cái Tết thật đầm ấm, ý nghĩa. Bộ phận y tế phải chuẩn bị cơ số thuốc đầy đủ, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe; bộ phận hậu cần đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa; điện, nước được kiểm tra, sửa chữa cẩn thận. Bảo vệ xây dựng, triển khai các phương án, kiểm tra thiệt bị, phương tiện đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Các Khu, Đội quản lý học viên thi treo cờ, băng rôn, thực hiện các mô hình trang trí mang không khí Tết thật đẹp và nhiều ý nghĩa. Công tác chuẩn bị đón Tết tại đơn vị cứ rộn ràng, khẩn trương và tất nhiên cũng có thật nhiều tiếng cười.

     Nhìn nét buồn trên khuôn mặt của học viên, tôi hiểu được cảm giác của các bạn và tôi cũng động viên học viên bằng câu nói mà sếp đã từng bảo với tôi 15 năm trước, rồi tôi cùng đồng nghiệp sơn lại phòng làm việc, phòng ở, trang trí cây mai, cây đào, bàn thờ Tổ quốc, trang trí gian hàng ẩm thực và tổ chức nhiều hoạt động văn thể mỹ… Có lẽ vui nhất, ý nghĩa nhất là việc chuẩn bị từng chiếc lá dong đến việc ngâm nếp, đậu, gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Điều này giống như một đốm lửa có sức lan tỏa mạnh mẽ, đủ để sưởi ấm trái tim của mỗi học viên và cho cả chính tôi khi Tết đến xuân về. Chúng tôi đang ngồi gói bánh tét thì có học viên đứng gần đó vừa khóc vừa nói: “Em nhớ mẹ quá thầy ơi! Tết năm nào mẹ cũng gói bánh, bảo em phụ nhưng em càu nhàu “nhà mình có vài người, có ai ăn đâu mà năm nào mẹ cũng gói bánh cho mệt, ra chợ mua cho khỏe”, nói rồi, em bỏ đi chơi để mẹ một mình gói bánh”. Tôi chỉ biết vỗ vai an ủi em.

     Vào những ngày tết, không riêng gì học viên, viên chức, người lao động xa quê như tôi luôn luôn có nhiều cảm xúc, nhất là khi đồng nghiệp bắt đầu gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình đến hết cả pin. Có người gọi xong đôi mắt đỏ hoe. Nhìn đồng nghiệp, tôi thấy hình ảnh của mình ngày ấy. Còn nhớ năm đó, có người mua sẵn mấy card điện thoại, vì sợ ngày Tết không có ai bán lại lỡ mất câu hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, anh chị em, sợ lỡ mất lời chúc bình an đến mọi người trong dịp năm mới. Là lính mới nên tôi chưa có kinh nghiệm, mới điện thoại nói vài câu đã hết tiền. Thấy mặt tôi buồn hiu, đồng nghiệp cho mượn một cái card. Tôi bấm máy gọi tiếp, nói được một chút lại hết tiền, định mượn card nữa nhưng đồng nghiệp không cho, thế là tôi hậm hực giận nó nguyên cái Tết. Năm nay, với sự phát triển của công nghệ, hầu hết điện thoại đã có ứng dụng Zalo, Messenger nên gọi điện đỡ tốn tiền, lại vừa thấy được hình ảnh người thân, nhờ vậy khoảng cách xa đã gần lại biết bao.

     Mỗi mùa xuân đi qua đều đong đầy trong tôi bao kỷ niệm buồn vui, nhưng tôi nhớ nhất là cái Tết năm 2009. Hôm ấy là Mùng 3 Tết, chúng tôi xin phép sếp đi chúc Tết nhà những đồng nghiệp gần nơi đơn vị trú đóng. Bốn người chúng tôi quần áo tươm tất khởi hành đi chúc Tết, vừa đi vừa rôm rả khỏe bộ đồ “vía”, còn bảo “kỳ này không say không về”. Chúng tôi mới đi được nhà của hai đồng nghiệp thì sếp gọi điện thoại, bảo về gấp để phụ chữa cháy rừng (lô 36) của đơn vị. Vừa nghe sếp nói, chúng tôi chạy thẳng ra rừng tràm nơi đang cháy, rồi cùng với đồng nghiệp trong đơn vị tham gia chữa cháy. Đám cháy khá lớn, may mắn có sự hỗ trợ kịp thời của Đội Phòng cháy chữa cháy Quận 12 nên đã được dập tắt và không có thiệt hại lớn. Chữa cháy xong, mặt mũi, quần áo chúng tôi nhuộm màu bùn, còn bị chọc là đội hình có đồng phục chữa cháy đẹp nhất năm. Nhìn bộ đồ, nước mắt của tôi chảy ngược vào trong vì tiết bộ đồ “vía” mới sắm để ăn Tết!

     Tuy mỗi lần tết đến xuân về, những người xa quê nhưng tôi đều có chút buồn, có chút chạnh lòng, thế nhưng không hiểu sao, chúng tôi lúc nào cũng tâm huyết, tận tâm và gắn bám với đơn vị. Có nhiều viên chức, người lao động công tác hơn 10 năm, 15 năm, 20 năm chưa một lần về quê đón Tết cùng gia đình. Họ tương thân, tương trợ lẫn nhau, xem đơn vị là nhà, đồng nghiệp là người thân và cùng nhau quản lý, giáo dục, giúp đỡ, chăm lo tốt cho người cai nghiện ma túy.  

     Tết này, tôi lại đón tết xa nhà, nhưng tôi biết tôi không cô đơn.

Nguyễn Hữu

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn