Trời thu, sương bắt đầu giăng mờ trên những cánh đồng. Những hạt sương đọng trên những tấm mạng nhện long lanh như những hạt pha lê. Lâu lắm rồi tôi mới trở về thăm quê nên tranh thủ ngắm khung cảnh yên bình. Tôi lặng lẽ bước trên con đường làng ở xóm nhỏ quê tôi. Bước chân đưa tôi qua từng khung cảnh quen thuộc: là con kênh nhỏ đầy nước, là bờ đê mọc đầy cỏ may hay những gò đất ruộng dẫn về ngôi nhà nhỏ thân thương.
Hàng cau trước ngõ khẳng khiu, tàu lá đung đưa như chào đón tôi. Những cây cau ấy có từ lúc tôi còn bé. Nhìn thân cau, tôi có thể cảm nhận được những vết hằn của thời gian. Nhớ những buổi chiều tan học, tụi nhỏ chúng tôi tìm những mo cau mới rụng, tranh nhau đứa ngồi đứa kéo lê đi khắp cái triền đê lộng gió, rồi cùng ngã nhào xuống con kênh đầy nước trong veo. Giờ đây, khi đi qua con ngõ thân thương có hàng cau ấy, tôi cứ ngỡ mình đang chơi đùa cùng lũ bạn ngày nào. Trong vô thức của miền ký ức, tôi chợt gọi tên một người bạn mà đã từ lâu lắm rồi tôi không còn nhắc tới, bởi bạn đã rời xa cõi hồng trần.
Đồng lúa quê tôi đang mùa gặt, những chiếc máy cắt phải hoạt động hết công suất. Mùi rơm rạ tươi tỏa hương thơm nhè nhẹ. Cái mùi thân thương này gợi nhớ bao điều về những ngày xa xưa thiếu thốn. Hồi đó chưa có máy móc tự động, phải cầm bó lúa đưa vào máy, các răng của trống quay sẽ luồn vào bó lúa, tách các hạt lúa ra khỏi bông và đẩy về phía trước. Tôi ghì chặt lấy phần gốc cây lúa, xoay trở liên tục nhưng vì còn nhỏ, cầm bó lúa chưa chặt nên cứ bị máy tuốt nuốt cả bụi lúa trong tay, rồi bay tung toé ra ngoài. Sau này biết cách tôi đã làm rành rỏi hơn.

"Nhớ những buổi chiều tan học, tụi nhỏ chúng tôi tìm những mo cau mới rụng, tranh nhau đứa ngồi đứa kéo lê đi khắp cái triền đê lộng gió, rồi cùng ngã nhào xuống con kênh đầy nước trong veo" (ảnh minh họa)
Giờ máy móc hiện đại đã thay thế con người, không còn cảnh ôm từng bó lúa cho vô máy tốt, không còn cảnh chờ trăng lên rồi đi cắt lúa trong đêm để kịp sáng kéo cái máy ra tuốt lúa, nhưng sao tôi vẫn nhớ những ngày xưa ấy, ngày mà chúng tôi theo chân ba má ra đồng cắt lúa. Tôi nhớ những đêm trăng lên cao, tiếng ếch nhái gọi vang cả cánh đồng mênh mông thơm mùi lúa chín, muỗi vo ve cắn ngứa khắp cả người. Vài chú đom đóm chập chờn bay như khiêu vũ cùng những ngôi sao trên bầu trời đêm. Tuổi thơ tôi lớn lên trên những cánh đồng vàng ươm mùa lúa chín ấy, và giờ đây khi đi xa để trở về, nhìn những gốc rạ lấm bùn mà thương hoài cái tuổi thơ đã từng đi qua.
Tôi thương cái cối đá của Má giờ nằm trong góc bếp đầy bụi và mạng nhện. Cái cối đá bị bào mòn theo năm tháng, những vết xước thời gian cứ trượt dài trên cối đá làm sóng mũi Má tôi cay cay mỗi lần nhắc đến, bởi lẽ, cái cối đá ấy đã gắn bó cả thời con gái của Má, và nó đã từng là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Nhờ nó mà Má mới có thể nuôi lớn mấy chị em tôi, cho học hành đàng hoàng. Tôi vẫn nhớ, cứ mỗi lần xong vụ mùa, Má thường hay mua lúa mới về trữ để làm bánh tráng, bánh chén (bánh bèo) và bánh gói để bán. Những lần Má xay bột để làm bánh, chị em chúng tôi háo hức đi hái lá chuối ngoài vườn chuẩn bị cho Má để làm bánh gói (bánh gói giống bánh giò ở miền Nam nhưng bánh dẹp và có hình chữ nhật). Những chiếc bánh được gói trong những lớp lá chuối xanh, rồi được hấp lên làm thơm cả gian bếp nhuốm màu thời gian. Rồi Má làm bánh chén, những chiếc bánh trắng nhỏ xinh được đổ vào từng cái chén đất nung nho nhỏ, đem đi hấp chín. Bánh chén được ăn với loại nhân đặc biệt làm từ những con tép đồng, thịt heo, nấm mèo. Các nguyên liệu được thái hạt lựu hoặc băm nhỏ rồi xào cho chín cùng với một ít bột hấp bánh, tí màu điều hoặc nước nghệ, bột năng nên nhân bánh chén Má tôi làm sền sệch chứ không đặc hoặc khô. Má còn cho thêm vào đó hành lá xắt nhỏ cho đẹp mắt. Và thường Ba tôi sẽ là người đảm nhiệm việc đi chặt tre về, vuốt thanh tre cho thật dẹt, đầu thanh tre được vuốt thành hình vòng cung giống cái muỗng để cắt bánh chén. Ăn bánh chén phải ăn bằng muỗng làm bằng thanh tre mới đúng chuẩn vị quê, Má tôi nói vậy, và ở quê bao đời nay người dân quê tôi đều dùng muỗng tre để ăn bánh chén.
Mỗi lần trở về thăm quê, tôi đều nũng nịu nói Má làm bánh chén hay bánh gói để ăn. Mặc dù ở chợ vẫn bán nhưng tôi muốn thấy niềm vui nơi Má khi được làm món bánh gắn bó với Má từ lúc lấy chồng đến khi đã lớn tuổi, và thấy tuổi thơ của mình qua từng chiếc bánh khói bốc thơm ngần. Tôi cứ thương hoài bàn tay chai sạn với gương mặt rám đi bởi hơi nóng từ chiếc lò hấp bánh của Má. Chiếc lò hấp đơn giản được Ba lấy đất bùn ngoài ruộng về rồi đắp thành cái bếp cho Má. Cái bếp ấy Ba học làm hồi ở bên chiến trường Campuchia. Má hay đi mua trấu (vỏ lúa) ở các lò xay gạo để về làm chất đốt. Má nói phải đốt bằng trấu thì lửa cháy đều, bánh hấp được chín đều và ngon. Và có lẽ cũng bởi vì trấu được tách ra từ lúa nên hương thơm quyện vào nhau làm tôi có cảm giác bánh thơm dẻo và ngon hơn.
Những ngày trời chuyển sang thu, trời bắt đầu se se lạnh, tôi thèm được ăn một chén đậu hủ nóng của Má. Cũng từ chiếc cối đá đó, Má đã xay đậu, nấu nồi đậu hủ nóng, thơm lừng, rồi gánh đi bán. Gánh đậu hũ của Má là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của tôi và đám bạn. Giờ người ta xay bột bằng máy vừa nhanh vừa tiện, cái cối đá nằm im lìm trong góc bếp chỉ còn là hoài niệm với Má và với chúng tôi.
Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở quê, được tưới mát tâm hồn mình bằng những món bình dị và dân dã. Đó là những quả trứng cá chín đỏ mộng, quả bình bát vàng ươm, những bông hoa dâm bụt đầy mật ngọt hay những quả thị thơm lừng, cả những bụi sim tím… Không quà bánh, không có các thứ kẹo ngọt đầy màu sắc quyến rũ, chúng tôi lớn lên cùng những món quà của thiên nhiên, vì vậy mà khi đã trưởng thành, mỗi người đều có một góc kí ức không thể xóa mờ bởi thời gian. Trong vùng ký ức ấy có những món ăn dân dã, nhưng trò chơi của tuổi thơ.
Đi để trở về với những gì từng là kí ức đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Nó sẽ là một hồi ức dài và đẹp, theo mãi bên tôi.
Đình Pho