Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37354289
Ba tôi

        Ba ơi! Ba còn nhớ cách đây 20 năm, khi con lên lớp một, Ba đã chở con đi bằng cái gì không? Đó là cả thế giới của Ba, đó là chiếc xe đạp đòn dông cũ kĩ Ba vẫn hằng ngày đi lại. Ngày đó, ngồi trước ghi đông xe đau điếng cả mông, nhưng sao con vẫn cứ muốn ngồi hoài. Giờ đây, khi đã trưởng thành, ngồi trên yên xe êm ái, con lại nhớ hoài cái cảm giác ngồi vắt chân một bên, để được Ba chở đi trên con đường làng quen thuộc.

       Ngày đó, chiếc xe này là tài sản duy nhất mà Ba có sau khi xuất ngũ từ chiến trường Campuchia về. Lúc đó xã đã ưu tiên cho bộ đội đã đi chiến trường K, sẽ được mua với giá vài chỉ vàng, mà vàng lúc đó thì rẻ lắm. Con nghe Ba kể thế, vì khi con lớn lên nhà mình vẫn chỉ có mỗi chiếc xe đạp này. Chiếc xe mà chiều chiều sau khi đi làm về, Ba hay chở con ra đồng để thăm ruộng, rồi hái cho con những quả dại như nhãn lồng, thù lù, bình bát… để ăn, hay bắt cho con con cá lia thia đang núp trong đám rau bợ dưới mương. Tuổi thơ con lớn lên bởi sự yêu thương của Ba. Những ngày thơ ấu ấy, tâm hồn con được nuôi dưỡng bởi những lời răn dạy của Ba. Để sau này, khi đã lớn con mới thấy được giá trị nhân văn sâu sắc từ những lời Ba dạy cho con. Khi còn bé, con thích được làm họa sĩ. Ba đã vẽ cho con những bức họa thật đẹp, để con có thể học theo, để vẽ tiếp những ước mơ sau này.

       Ngày xưa nhà nghèo, chỉ có những món đồ chơi dân dã, Ba đã làm cho con những thứ đồ chơi mà đến giờ con chẳng thể nào quên. Cho dù những món đồ chơi ấy giờ chẳng còn ai chơi nữa, nó được thay thế bởi những món đồ công nghệ và điện thoại thông minh. Con cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được lớn lên cùng bàn tay tạo hình đồ chơi khéo léo của Ba.

Ba còn nhớ không?! Cách đây 13 năm, khi con đi thi vào lớp 10, Ba đã đứng ở cổng trường, chờ đợi suốt 4 tiếng đồng hồ, dưới cái nắng đổ lửa của mùa hè, chỉ để chờ con ra. Lúc đó con chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết làm bài thi cho thật tốt, mà không biết Ba đang nóng lòng chờ con ngoài cổng. Sau này, khi con đã là một chàng thanh niên, khi đi tình nguyện làm tiếp sức mùa thi, con mới thấy lòng Ba bất an hơn cả con khi đứng chờ như vậy.

       Nhưng khi lên cấp 3, bắt đầu cái tuổi mới lớn, con lại không cần sự quan tâm của Ba nữa. Con luôn cố thể hiện bản thân mình đã lớn và tự lập hơn. Nhưng khi lần đầu tiên con vấp ngã trong chuyện tình cảm, chuyện tình mới lớn của tuổi học sinh, thì Ba là người động viên con nhiều nhất, là người giúp con vượt qua khó khăn và giúp con lấy lại niềm vui trong cuộc sống và học tập.

     Ảnh minh họa

       Ba còn nhớ không?! Cách đây 9 năm, lần đầu tiên Ba dẫn con vào Sài Gòn để thi Đại học. Lúc đó Ba con mình đúng thật là “nhà quê lên phố”. Vì mãi nhìn xe cộ cũng như mấy toà nhà cao tầng mà Ba và con quên để ý đường, rồi xém bị người ta tông. Giờ nhớ lại, con vẫn thấy như mới ngày nào! Ngày đó, Sài Gòn vào mùa mưa. Mưa cứ bất chợt đến, nhanh không kịp chạy. Trời đang nắng ráo, Ba và con đi tìm nhà trọ gần trường để ở, chờ ngày thi, thế là mưa. Ba và con, nào ba lô, nào túi xách, chạy dưới mưa tìm chỗ trú. Khi tìm được một mái hiên nhà thì trời cũng ngừng mưa. Mưa Sài Gòn chợt đến, chợt qua mà sau này con mới biết, đó là đặc sản của Sài Gòn. Con thích mưa Sài Gòn, vì nó chợt đến và cũng qua thật mau, mưa mang lại cho con người ta cảm giác thoải mái và xoá đi cái nắng nóng của Sài Gòn. Và mưa Sài Gòn đặc biệt để lại cho con và Ba những kỉ niệm mà có lẽ bây giờ con chẳng thể nào quên, nó như một dấu ấn in hằng vào tâm trí của con và sẽ ùa về khi Sài Gòn bất chợt những cơn mưa.

       Rồi năm tháng qua đi, con cũng đã trưởng thành và bắt đầu cuộc sống xa nhà. Cuộc sống xa nhà thật sự khó khăn với con. Ở mảnh  đất Sài Gòn này, con phải tự bươn chải để tự nuôi sống bản thân mình. Giờ con mới thấy, kiếm tiền thực sự khó khăn thế nào? Vậy mà, Ba với cái nghề thợ hồ ngày ngày phải cầm bay, cầm thước, chẳng quản nhọc khó khăn để kiếm tiền nuôi con ăn học thành người. Ba không một lời than vãn. Với Ba, để con cái được học hành đầy đủ và có một cái nghề tươi sáng hơn nghề của Ba thì có khó khăn, vất vả mấy Ba cũng chịu được. 

       27 năm qua, con đã sống dưới sự yêu thương và đùm bọc của Ba. Ba đã cho con cuộc đời này. Giờ đây, sau những năm tháng xa nhà, xa quê hương, con thèm cảm giác được ngồi sau yên xe của Ba, để được hít thở cái mùi mồ hôi, cái mùi gây thương nhớ nhất đời người.

     Ảnh minh họa

       “Ngày của Ba” con chỉ biết gọi về cho Ba hỏi thăm sức khoẻ, để rồi bất chợt nhận ra Ba nay đã già. Những nếp nhăn đã bắt đầu hiện rõ trên khuôn mặt của người Ba cả một đời vất vả. Tự dưng con thấy lòng mình trĩu nặng. Giờ con chỉ gặp Ba được một lần trong năm, đó là lúc con được về phép. Nhìn tấm thân ngày càng già của Ba, lòng con lại nhớ những ngày thơ ấu, khi đó được ngồi sau lưng Ba, được ôm ba như ôm cả bầu trời rộng lớn vào lòng. Con thấy mình thật nhỏ bé trước bầu trời rộng lớn kia, giờ khi nhìn lại, Ba như bé đi giữa thế giới rộng lớn này. 

      Ba ơi! Con chỉ biết nói với Ba lời cảm ơn vô tận vì đã cho con cuộc sống, cuộc đời tươi đẹp với thế giới bao la này. Cảm ơn Ba vì tất cả, con yêu Ba!

Đình Pho

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45  46  47  48  49  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn