
"Không phụ lòng tin tưởng của các thầy, Nam đã rất siêng năng và chăm chỉ trong thực hiện nhiệm vụ"
Khi đến với Đội Quản lý học viên số 5 – Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (Cơ sở 3), ai cũng cảm nhận được sự khang trang, sạch sẽ của khuôn viên Đội. Ngay tại cổng vào, các cây kiểng được cắt tỉa gọn gàng. Từ cổng vào tới Ban chỉ huy Đội, các loại lá, rác đều được dọn dẹp sạch sẽ. Có được sự sạch sẽ như vậy, công rất lớn là của học viên Dương Văn Nam.
Nam là một học viên bị khuyết tật. Từ ngày được đưa đi cai nghiện tại Cơ sở 3, do gặp khó khăn trong việc lao động trị liệu, nên Nam đã chủ động gặp các thầy xin được làm nhiệm vụ quét dọn khuôn viên Đội. Nói là bị khuyết tật, nhưng Nam không phải là bị bẩm sinh. Nam từng có một tiền án về hành vi cướp giật tài sản và cũng chính trong lần cướp giật đó, Nam đã bị liệt một cánh tay. Bởi trong quá trình trốn chạy sau khi cướp giật, Nam ngã xe và bị đứt gân tay, từ đó tay phải của Nam không thể cử động linh hoạt được nữa. Nam từng chia sẻ: “Em là trẻ mồ côi. Từ nhỏ, em đã phải sống lang thang, không có công ăn việc làm, không người thân và không có nơi ở, không có cái ăn, cái mặc, nên em đã liều mình đi cướp. Bản thân em không muốn mình trở thành người như thế”. Sau khi đi tù về, tay thì bị tật, tiếp tục không có công ăn việc làm, chán nản Nam đã tìm tới ma túy. Rồi một ngày khi bị bắt đưa đi cai nghiện, Nam vừa mừng và cũng vừa sợ. Mừng vì khi ở tại cơ sở cai nghiện Nam được nhà nước lo cho cơm ăn, chỗ ở; còn lo lắng vì không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu.
Dù bị tật ở tay, hơi khó khăn trong việc lao động, nhưng Nam lại rất chịu khó. Không đan được ghế, Nam xin đảm nhận việc trực sinh của tổ và dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ, làm những việc công ích. Không phụ lòng tin tưởng của các thầy, Nam đã rất siêng năng và chăm chỉ trong thực hiện nhiệm vụ. Buổi sáng, sau khi tập thể dục, việc đầu tiên của Nam là cầm chổi quét dọn trước Đội của mình. Sau đó, Nam quét từ cổng Đội vào Ban chỉ huy Đội, quét vừa xong thì đến lúc ăn sáng. Ăn sáng xong, Nam lại tiếp tục quét dọn sân banh, các khu vực xung quanh Đội, nơi nào bẩn là Nam đều quét dọn. Giữa buổi sáng, sau khi quét dọn xong hết, Nam lại đi ra phía hố rác và phân loại rác. Từ chai nhựa, giấy, bìa catton, lá rác, Nam phân riêng ra từng loại. Loại nào có thể để bán ve chai, Nam cho vào bao tải và cất gọn, còn lại Nam chạy vào Ban chỉ huy Đội mượn chiếc bật lửa để đốt rác. Tro sau khi đốt, Nam lại xúc vào bao tải và để cạnh đó, chờ khi nào tiện sẽ mang đổ đi. Sau đó, Nam quay vào dọn dẹp phòng ở của mình, để khi những học viên khác về phòng thì tất cả đều sạch sẽ và gọn gàng. Tất cả cán bộ quản lý ở Đội Quản lý học viên số 5 – Cơ sở 3 đều đánh giá Nam là trực sinh có trách nhiệm và sạch sẽ nhất. Bởi lẽ, với vai trò là trực sinh của tổ mình, của khuôn viên Đội và phân loại, xử lý rác thải của Đội, Nam dọn sạch đến mức mà nhiều lúc tôi vẫn nói vui với Nam rằng, chiếc lá chưa kịp rơi xuống đất là Nam đã đứng chờ sẵn để nhặt. Trong ngày, có học viên quên đem quần áo hay khăn mặt ra phơi là Nam đưa ra phơi giúp. Bạn nào gấp nội vụ chưa được đẹp lắm thì Nam lại ngồi tỉ mỉ vuốt cho phẳng, vuông thành sắc cạnh. Nội vụ của Nam cũng không ai chê được. Cả phòng rất tin tưởng và tín nhiệm Nam. Những lúc rảnh rỗi, Nam lại phụ giúp anh em trong việc kéo dây để đan ghế. Làm nhiều như vậy, nhưng Nam gần như không thấy mệt, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười vui vẻ.
Nhưng điều mà tất cả các cán bộ quản lý cảm thấy an tâm khi giao việc cho Nam là Nam luôn chủ động trong công việc của mình. Các khu vực có cỏ mọc, Nam lại một mình cầm theo dụng cụ đi làm cỏ, nơi nào có rác Nam lại quét. Ngày qua ngày, công việc của Nam cứ thế, nhưng tôi chưa bao giờ thấy Nam than phiền hay bỏ bê công việc. Có những lúc thấy Nam làm nhiều, tôi nói Nam hãy nghỉ ngơi một lúc cho đỡ mệt, nhưng Nam đều nói: “Làm xong rồi em nghỉ, chứ bây giờ không làm cỏ mọc tốt, rác nhiều sau làm mệt hơn thầy ạ”. Có lúc khi cho các học viên gọi điện thoại, tôi gọi Nam tới, bảo nghỉ một chút và cho gọi điện thoại về với gia đình, nhưng Nam không gọi mà nói: “Em không có người thân, thi thoảng chỉ gọi cho người bà con thôi, nhưng gọi nhiều em thấy ngại lắm”, rồi cười và lại xin phép đi làm tiếp.
Hàng ngày, con người ấy cứ lầm lũi làm việc và không bao giờ bỏ quên trách nhiệm. Bạn bè rất thương và yêu quý Nam, do vậy mà khi Nam không lao động được, cũng không có người thân gửi chi phí sinh hoạt, bạn bè luôn sẵn sàng sẻ chia đồ ăn như mì gói, nước mắm, tương ớt cho Nam. Sợ Nam ngại nên các bạn thường nói trả công cho Nam vì giúp phụ kéo dây. Có lần nói chuyện, Nam hỏi tôi: “Thầy ơi, khi hết quyết định cai nghiện, em muốn xin ở lại đây luôn có được không?” Câu hỏi ấy khiến tôi không biết trả lời như thế nào, chỉ biết cười và nói: “Người ta thì muốn về làm lại cuộc đời, sao em lại muốn ở lại?”. Câu hỏi của Nam đã làm tôi luôn đau đáu trong lòng, rằng không biết khi trở về tái hòa nhập với xã hội, Nam sẽ ra sao. Nhưng tôi tin với sự chăm chỉ và chịu khó, Nam sẽ tìm được công việc phù hợp với bản thân. Hiện tại, tôi đã định hướng giúp Nam có được một công việc phù hợp tại Cụm công nghiệp Nhị Xuân sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Hi vọng rằng với sự quyết tâm, cố gắng vượt lên số phận của mình, Dương Văn Nam sẽ từ bỏ được con đường cũ, từ bỏ được ma túy để làm lại cuộc đời mình. Trên bước đường đời sau này, tôi luôn hi vọng Nam sẽ thành công. Một ngày nào đó nếu gặp lại, sẽ thấy Nam ở một cương vị khác, vai trò khác và thấy Nam có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc với một người vợ và những đứa con của mình theo như những gì mà Nam mơ ước.
Mai Văn Thành