Con viết cho mẹ những dòng này khi màn đêm đã buông xuống, các chị em trong phòng cũng đã chìm vào giấc ngủ say. Con đã trải qua một ngày với nhiều niềm vui và ý nghĩa, con nhận thấy mình thay đổi từng ngày khi ở đây.
Như vậy là con đã đến với Cơ sở xã hội Nhị Xuân tròn một tháng. Đây là khoảng thời gian con thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Con rất nhớ mẹ, nhớ ông bà ngoại, con muốn được ăn cơm mẹ nấu, muốn được ngủ vùi trong lòng mẹ như những ngày thơ ấu.
Mẹ thương yêu! Hôm nay, cô giáo dục viên giao cho chúng con viết cảm nhận về người phụ nữ mình yêu thương nhân kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Chị em trong phòng ai cũng háo hức, dành những lời yêu thương cho người phụ nữ của mình. Người thì viết về mẹ, người thì nói về chị hoặc bà ngoại. Riêng con, người đầu tiên mà con nghĩ đến chính là mẹ, người phụ nữ vĩ đại nhất trong cuộc đời con.
Ngày con chào đời cũng là ngày ba mất vì tai nạn giao thông. Sự ra đi đột ngột của ba đã khiến mẹ bao lần muốn chết đi sống lại, nhưng sự hiện diện của con đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ. Con tròn 3 tháng tuổi, mẹ đã phải bươn chải với đủ mọi nghề từ làm thuê cho các sạp vải đến quét dọn vệ sinh ở khu chợ để có tiền mua gạo và sữa, tã cho con. Ông bà ngoại thương mẹ con mình nhưng vì điều kiện khó khăn nên chẳng thể giúp được gì nhiều.
Năm 6 tuổi con vào lớp 1, ở đó các bạn luôn có ba mẹ đưa đón đến trường mỗi ngày, riêng con thì không. Ông bà ngoại nhận việc đưa đón con và cho con ăn trong khi chờ mẹ về. Hôm nào mẹ về nhà trời cũng đã nhá nhem tối. Mẹ cũng không có nhiều thời gian để gần gũi, chia sẻ với con. Có lần, con tủi thân với đám bạn trong lớp đã hỏi mẹ: “Sao lúc nào mẹ cũng bận, với mẹ tiền quan trọng lắm sao?” Mẹ im lặng không nói, đôi mắt mẹ ngấn lệ, nghẹn ngào. Lúc đó, con chưa đủ lớn để hiểu đôi vai mẹ đang phải gồng gánh biết bao nhiêu nỗi lo toan.
Suốt tuổi thơ con, ngoài cảm giác thiếu tình yêu của ba và mẹ thì con chẳng thiếu thứ gì. Con luôn có được những thứ mình muốn, vì nếu không được con sẽ cho rằng mẹ không thương con. Con bắt đầu biết ăn chơi, đua đòi theo chúng bạn. Ban đầu chỉ là son phấn, điện thoại, xe máy… dần dần con trốn học, uống rượu, hút thuốc và cả ma túy. Con đến vũ trường nhiều hơn đến lớp học. Con thay đổi, nói dối nhiều hơn, tìm đủ mọi lý do để xin tiền. Mẹ mãi bận rộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền mà chẳng nhận ra điều đó. Cho đến ngày, mẹ được công an mời lên phường để làm việc vì con bị bắt trong một quán bar do có sử dụng chất gây nghiện. Nghe tin, mẹ như chết lặng, bỏ hết công việc chạy lên, lo rằng con sẽ sợ hãi. Vừa gặp con, mẹ đã ôm chặt lấy như sợ người ta sẽ đưa con đi, mẹ nói: “Đừng sợ, đã có mẹ đây”. Giây phút ấy, con chợt nhận ra mình đã phạm phải một sai lầm lớn và cũng là lúc con nhận ra lòng vị tha, bao dung của mẹ lớn đến chừng nào.
Được sự giới thiệu, hướng dẫn của các anh công an khu vực, mẹ cùng con đến Cơ sở xã hội Nhị Xuân để cai nghiện. Ở đây, con được gặp gỡ, sinh hoạt, học tập cùng các chị em đồng cảnh ngộ và được thầy cô yêu thương, quan tâm, chia sẻ, giáo dục thay đổi nhận thức và hành vi của mình. Qua các buổi học chuyên đề, mạn đàm giá trị sống, con hiểu hơn nhiều giá trị đạo đức mà con đã bỏ quên trong đó có tình mẹ. Con hiểu hơn về tình yêu thương bao la mà mẹ đã dành cho con, những hy sinh mà không phải ai cũng có thể làm được.
Cảm ơn mẹ đã sinh ra con, luôn nâng đỡ con mỗi khi con vấp ngã trong cuộc sống, luôn bảo vệ con, và cùng con sửa chữa những sai lầm. Con đang từng ngày cố gắng để hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua. Kính chúc mẹ cùng những người mẹ trên mảnh đất hình chữ S có một ngày lễ 20/10 vui vẻ, mạnh khỏe và hạnh phúc. Con yêu mẹ !
Đặng Thương
(ghi theo lời kể của học viên)