Vẫn nhớ và nhớ mãi ngày giã từ doanh trại Liên đội Cơ động 12 đóng ở Nông trường thơm Lê Minh Xuân.
Hôm ấy, khi trời vừa hừng sáng, Ban Chỉ huy Liên đội đã cho tập hợp đột xuất các Đại đội và bộ phận Văn phòng tại sân Liên đội để triển khai khẩn cấp chiến dịch phục vụ biên giới. Đường đi lầy lội bởi cơn mưa đêm tối! Sau khi đồng chí Liên đội trưởng Lê Đình Lộc phổ biến toàn Liên đội sẽ tham gia phục vụ biên giới thì lần lượt các Đại đội trở về sân của Đại đội mình để sinh hoạt thêm. Bộ phận Văn phòng bắt đầu vận chuyển đồ đạc xuống xuồng đem dần ra ngoài đường nhựa lớn.
Không khí khẩn trương tất bật hơn bao giờ hết. Ánh nắng bắt đầu hé lộ dần! Đoàn người lần lượt vượt qua chiếc cầu làm bằng cây lồ ô được bắc ngang dòng kênh xanh trông thật oai hùng như các chiến sỹ trên đường hành quân ra mặt trận. Ra khỏi doanh trại, từng Đại đội tập hợp hai bên vệ đường trong tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới tạo nên một quang cảnh nhộn nhịp sinh động hơn bao giờ hết. Bỗng một hồi còi từ xa vang lên inh ỏi, những chiếc xe buýt nối đuôi nhau làm cho mọi người nhốn nháo lên. Xe buýt từ từ thắng lại, đậu dọc dài ven bờ kênh! Sau thời gian kiểm tra quân số và đồ đạc, lệnh lên đường được ban hành, các chàng trai, cô gái TNXP tay xách bồng, vai mang balo lần lượt lên xe.
Nắng ngày càng làm nhiệt độ nóng nhiều hơn! Các đồng chí làm công tác phong trào bắt lên những bài hát quen thuộc – đó là thói quen của tập thể TNXP, những tiếng hát cao vút, vang xa hòa theo tiếng vỗ tay đều nhịp. Hết bài này, nối tiếp bài khác, tiếng hát của những trái tim đầy bầu nhiệt huyết – tiếng hát của tuổi trẻ thanh niên đang căng tràn nhựa sống.
Các đồng chí làm công tác phong trào bắt lên những bài hát quen thuộc
– đó là thói quen của tập thể TNXP
Máy xe bắt đầu nổ! Tiếng còi ré lên liên tục, từng chiếc, rồi từng chiếc từ từ lăn bánh. Những cánh tay luồn ra hông cửa xe vẫy chào nhau để lại phía sau những mái nhà tranh, những liếp thơm vàng, xanh chạy dài thẳng tắp và cả bóng dáng những chiếc cầu tre cũng dần xa khuất.
Thế là tạm biệt doanh trại Liên đội Cơ động 12 Nông trường thơm Lê Minh Xuân – vùng đất đã gắn bó với tôi được mười lăm tháng. Tạm biệt những hình ảnh quen thuộc của Nông trường thơm đang mùa ra trái, chúng tôi lên đường đi làm nhiệm vụ mới, nơi tuyến đầu biên giới.
Tạm biệt doanh trại Liên đội Cơ động 12 Nông trường thơm Lê Minh Xuân
– vùng đất đã gắn bó với tôi được mười lăm tháng
Xe chạy tuyến đường Sài Gòn – Tây Ninh!
Lúc đầu mọi người còn rôm rả cười, nói đủ thứ chuyện, về sau đường xa thấm mệt nên chẳng còn ai xốc nổi nữa. Qua nhiều tỉnh lộ, xe quẹo vào con đường đất đỏ có nhiều tầng cây um tùm. Có những quãng đường quá lầy lội, đoàn xe phải dừng lại lót nhiều lớp cây mới đi được.
Quá trưa, đoàn xe dừng lại và tập kết tại một bãi đất trống, xa xa thấp thoáng vài mái lều tranh, có cái đã xiêu vẹo, đằng xa nữa là khu rừng thưa, một vài anh bộ đội đi qua đi lại sau dãy nhà trông thật vắng lặng. Khi mọi người đều thấm mệt, hậu cần từng Đại đội bắt đầu chuẩn bị cho bữa cơm trưa, bỗng một loạt đạn từ đâu nổ vang làm cho mọi người ngẩn ngơ, lo lắng. Sau bữa ăn trưa vội vã, các Đại đội kiểm tra lại quân số và đồ đạc để chuẩn bị cho cuộc hành quân bộ, tiến sâu vào trong rừng.
Trời lại bắt đầu chuyển mưa! Mây đen vần vũ ồ ạt từ đâu kéo tơi nhanh chóng làm tối sẫm cả bầu trời, gió ngày càng thổi mạnh hơn làm cản trở bưới chân đi. Mưa lác đác rơi và rồi đổ ập xối xả trắng xóa bao trùm cánh rừng Nhum. Tiếng sấm chớp ì ầm liên tục, tiếng gió rít làm oằn cả cây cối, thế mà chúng tôi vẫn phải băng mình dưới cơn mưa tầm tã. Nào mệt, nào lạnh, chúng tôi phải cố bước nhanh hơn vì màn đêm nhanh chóng bao trùm cả cánh rừng.
Đêm xuống, súng đạn thi đua nhau nổ rền trời, xé tan bóng đêm dày đặc. Lán trại chưa có, cơn mưa ban trưa làm ướt và lầy lội cả khu đóng quân. Nhất là muỗi, chúng như ong vỡ tổ làm cho chúng tôi khổ sở vô cùng. Bộ phận Văn phòng chưa ổn định xong, bọn nữ phải xuống C4 ngủ nhờ. Gió lạnh, muỗi đốt, đạn pháo nổ từ nơi xa vọng tới, nào mệt, nào lo lắng càng làm cho tôi không sao yên giấc được.
Qua ngày hôm sau, Liên đội tiếp tục dọn dẹp để ổn định chỗ ở và các đại đội bắt đầu nhận nhiệm vụ. Công việc bây giờ không còn như lúc chúng tôi ở nông trường với dụng cụ là leng, cuốc, xẻng mà đổi thành dao, rựa để chặt, đốn cây trong rừng. Nếu cây nào nhỏ thì ghép thành từng bó đem chuyển ra lót những quãng đường ngập lún, lầy lội để cho xe của bộ đội ta chạy qua đem vũ khí, lượng thực,… ra tuyến trước. Rồi nào tải đạn, cáng thương,… Được gần một tháng, đơn vị bắt đầu có sự thay đổi, một số đồng chí nam được điều ra tuyến trước qua đất K, thế là lại chia tay.
Sáng hôm ấy, một Tiểu đội nam của C1 với balo gọn nhẹ lên đường. Đây là tốp đầu tiên được Liên đội điều qua đất K, người đi kẻ ở lại – một nỗi buồn man mác chen ngang tâm trí chúng tôi. Những bàn tay quyến luyến vẫy chào nhau. Chiếc xe GMC của bộ đội chở các đồng chí nam mờ dần sau làn khói tỏa.
Ngày lại qua ngày, chúng tôi không biết ngày tháng là gì, đúng với câu của bên cánh bộ đội thường nói: “Ngày không giờ, tuần không thứ”, công việc cứ liên tục được điều đến. Lại có lệnh chuyển đi, Liên đội chuyển hết quân số còn lại qua đất K. Nơi đây là một vùng nông thôn vắng vẻ, có một số nhà cửa đã hư hỏng, cây cối um tùm, ao vũng cỏ dại mọc dày đặc, không một bóng người dân. Văn phòng Liên đội là một căn nhà sàn, xung quanh là những bụi cây và cỏ dại mọc đầy. Ở đây khi làm xong công việc, cả bọn cùng nhau đi hái rau muống để cải thiện bữa ăn. Ao, vũng nào rau cũng mọc non xanh nhưng có thật nhiều đỉa. Món canh chua được nấu bằng rau muống với lá chân vịt và thêm một ít ngò ôm hái ở ruộng cạn là món ăn thường xuyên của tập thể Liên đội. Có những buổi trưa hè nắng gay gắt, vài đồng chí nam cùng với bọn nữ rủ nhau đi vào những phum sóc, trong những ngôi nhà bỏ hoang có nhiều ổi, xoài, mãng cầu,… để hái, hái xong nhà này lại kéo qua nhà khác, có lúc đạp phải xương trâu, bò làm cho tôi một phen khiếp vía. Hết trái cây, cả bọn đi tìm củ chuối, củ mì tinh để đào. Các đồng chí nam hì hục đào, đào thật sâu mới có củ bột. Bọn nữ nhặt lên gỡ sình, đất bám, chặt rễ rồi xuống ao rửa sạch đem về luộc chín để dành buổi tối uống trà.
Sau những ngày tháng miệt mài với công việc, Liên đội giải quyết đợt phép đầu tiên cho các Đại đội. Các đồng chí ở chốt xa được ưu tiên đi trước, hôm nay, từ chiến trường xa xôi về Văn phòng Liên đội lấy giấy đi phép. Nhìn các đồng chí phấn khởi mà tôi cảm thấy vui lây. Cứ mỗi lần các đồng chí từ chốt xa về Liên đội thì có biết bao câu chuyện kể về chiến trường gian khổ, hiểm nguy. Vẫn mong luôn như thế, tiếng nói, tiếng cười ồn ào của các đồng chí làm cho Liên đội nhộn nhịp hẳn lên. Các đồng chí nam về thăm gia đình với balo nặng trĩu đồ trên vai, có đồng chí còn mang theo chú chim sáo nhốt ở trong chiếc lồng tre xinh xắn. Cầm tờ giấy phép trong tay, gương mặt ai nấy cũng vui vẻ phấn khởi. Trên con đường đê nhỏ dẫn lối vào Liên đội, người người đi qua, đi lại nhiều làm cho những bụi cỏ hoang cũng phải chịu nằm bẹp xuống. Những bàn tay vẫy chào nhau cho đến khi bóng dáng của các đồng chí khuất dần sau hàng cây xanh ngát.
Ngày lại qua ngày, tình hình chiến sự vẫn vô cùng căng thẳng.
Vào một đêm tối mịt trời, tôi cùng với Kim Phước và Thanh Thúy giăng võng nằm ngủ ở nhà bếp hậu cần. Súng nồi ì ầm liên tục từ đầu hôm kéo dài về khuya, làm cả ba thao thức. Tôi không sao chợp mắt được, rồi cùng kể và nhắc lại những ngày còn đóng quân gần với các đồng chí nam C3 ở rừng Nhum. Trong thời gian chờ Ban Chỉ huy Liên đội đón qua đất K, chúng tôi cùng bảo với nhau rằng súng nổ nhiều là của bộ đội ta mở chiến dịch đánh bọn Pôn Pốt. Cho mãi tới lúc gần sáng, đồng chí Nghĩa giao liên của C3 chạy về Liên đội báo tin cả Tiểu đội nam và Tiểu đội nữ của B3C3 bị bọn Pôn Pốt sát hại dã man. Cả Liên đội bàng hoàng đau đớn! Tôi đứng lặng người, nhìn chiếc xe của bộ đội chở hình hài các đồng chí chạy lướt qua. Một buổi chiều ảm đạm, tang tóc đau thương! Tôi không thể nào ngờ lại có ngày đau đớn chia ly này. Rồi mai đây, ngày chiến thắng, ngày về mong ước như hôm nào sẽ không còn thấy bóng dáng của các bạn, các đồng chí nữa!
Qua sự việc mất mát lớn lao và đau buồn đó, bộ đội cùng với Lực lượng TNXP đã cho tập hợp quân số để sinh hoạt đả thông tư tưởng, củng cố lại Liên đội 303. Và rồi, công việc lại được triển khai dồn dập, cứ thế cuốn anh chị em TNXP Liên đội 303 với nhiệm vụ, góp phần làm vơi đi phần nào nỗi buồn đau và căng thẳng.
Chúng tôi trở lại với công việc. Hàng đêm, các đồng chí nam băng mình qua bao cánh đồng lầy lội để cáng thương, tải đạn. Mặc cho mưa đêm gió lạnh, mặc cho muỗi đói vây quanh, các anh vẫn bước đi vội vàng dưới làn đạn, pháo nổ bốn bề mà không chùn bước, không ngại hiểm nguy luôn vây quanh mình. Các anh dò mìn những vùng đất mà bộ đội ta đã giải phóng. Còn các đồng chí nữ, công việc cũng không kém phần nặng nhọc, cũng cáng thương, tải đạn mặc cho đường lầy trơn trượt. Các chị em đi vội vàng trong bóng đêm vắng vẻ, luôn cố gắng vượt đường xa xôi đầy nguy hiểm để đưa thương binh về phẫu an toàn. Đội khác bốc vác lương thực, làm đường chống lầy cho xe bộ đội chạy đem hàng ra tuyến trước,... Mọi công việc đều hoàn thành, các anh chị không ngại gian khổ, hiểm nguy, ai cũng cố gắng hết lòng trong công tác để chờ mong ngày bộ đội ta đánh tan bọn Pôn Pốt hung tàn. Niềm hy vọng mãnh liệt đó luôn thôi thúc mọi người hăng say chiến đấu chờ mong ngày chiến thắng yên vui. Tuy ở tuyến đầu biên giới, lúc súng đạn nổ ầm vang, bọn nữ tôi cũng vô cùng lo lắng, nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, cho chúng tôi quên đi những nỗi nhọc nhằn, những hiểm nguy luôn rình rập, thậm chí cũng không nhớ nhà nữa.
Thấm thoát mới ngày hôm nao đặt chân trên cánh rừng Nhum (Bến Cầu – Tây Ninh) còn nhiều ngỡ ngàng xa lạ, mà nay tôi lại chuyển công tác về cơ quan Tổng đội 3 (rừng Đồng Pan). Rời xa đơn vị cũ - nơi đó dù có nhiều gian lao, nguy hiểm, nhưng tôi vẫn thấy ấm áp của tình đồng chí, đồng đội thân thương. Thời gian lặng lẽ dần trôi, hình ảnh của các đồng chí bị sát hại, ngã xuống hôm nào cũng dần lùi vào quá khứ, nhưng sao trong lòng tôi vẫn se thắt một nỗi buồn man mác mỗi khi có dịp đi ngang qua một nghĩa trang liệt sĩ nào đó, mặc dù không có phần mộ của các bạn, các đồng chí.
Vẫn luôn nhớ về Liên đội Cơ động 12, tiền thân của Liên đội 303 biên giới thân yêu.
Liên đội Cơ động 12 – Liên đội 303 biên giới vẫn mãi mãi ở trong lòng tôi…
Đỗ Thị Tới
(Rừng Đồng Pan, tháng 12/1978)