
Sáng ngày 5/11, trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới tổ chức họp mặt nhân ngày truyền thống của đơn vị. Hơn 40 năm rồi mới được gặp nhau, nên có người “Tối qua hổng ngủ được, mong mau sáng để gặp nhau!”. Sảnh nhà hàng hôm ấy rộn rã tiếng nói cười của mấy ông bà già.
- Ông là ai? Tui thấy quen lắm!
- Tui cũng thấy bà quen mà hổng nhớ là ai.
Rồi những ánh mắt ngỡ ngàng, những cái ôm vui mừng như xưa còn bé thấy mẹ mua cho cây kẹo, cái bánh.
- Phải Phú hôn?
- Hiệp, phải hôn? Vậy mà tui tưởng ông chết rùi! Trời thần ơi!
Từng nhóm, từng nhóm hỏi han nhau đủ chuyện, nào là xưa ở đội nào, rồi về đâu, Duyên Hải hay Phước Long.
Thắc mắc cũ cũng được nhắc lại. Số là, hồi năm 1976, ở ấp Thạnh Sơn 4, xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có một đơn vị TNXP có tên Liên đội Xuyên Mộc đóng quân. Từ ngoài chợ Bà Tô đi vô, doanh trại đơn vị đóng bên trái, bên phải là dãy nhà dân. Cách đó không xa có một cái quán. Bác chủ quán có hai cô con gái tên Hoa và Lan. Bác làm ba cái giàn để trồng hoa giấy, hoa thiên lý và dưa tây. Chúng tôi hồi đó hay gọi là “Quán Hoa bò” (hay là “hoa bò”, tôi cũng không biết nữa). Có hai “truyền thuyết” về các tên quán. Một, “Quán hoa bò” nghĩa là quán đó có hoa Thiên lý, hoa Giấy, hoa Dưa tây, nó “bò” trên giàn. Hai, hồi chuẩn bị chuyển thành Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới, đơn vị có đặt trạm bảo vệ chốt chặn. Các đồng chí mình muốn “luồn lách” đi uống cà phê thì phải núp, lăn lê, bò toài sát rạt qua khỏi trạm rùi mới tung tăng đến quán của bác Hoa. Vậy là có tên “Quán Hoa bò”. Tôi cũng không biết đáp án nào là đúng.
Cách nay mấy năm tui có đi lấy tin hoạt động ở Lê MinhXuân, gởi xe vô bãi xong, tui hỏi một anh đang đi ra: “Anh ơi! Ở quận mình có ai ở Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới không vậy?”. Ảnh chỉ vô ngực, trả lời gọn hơ: “Có, thằng em tui nè! Nó tên Nguyễn Văn Hải”. Tôi tới gặp, anh Hải nhận ra tui, còn tôi bù trớt hà! Hôm họp mặt, tôi được phân công ra đón mọi người, lúc hai vợ chồng anh Hải tới, vừa vô tới sảnh, ảnh lao tới ôm chặc anh Trần Chí Hiệp rồi lắp bắp: “Anh Hiệp! Em Hải nè. Tiểu đội của anh nè, lính anh nè!”. Sau một giây ngớ người thì anh Hải nhận ra lính mình hồi đó. Hai người đàn ông tóc hoa râm cứ ôm nhau mà cười như mếu! Tôi cũng rưng rưng luôn. Hơn 40 năm họ mới gặp nhau, quãng thời gian đủ để một người trưởng thành. Cũng còn kịp chán!
“Ai tới kìa?”. Ai đó la lớn: “Cô giáo Lan Hương với với...”. “Dạ! Ông xã em!”. Xưa, đại diện Ban Giám hiệu Trường là anh Tư Huy phải đi sang Đại học Sư phạm xin người về để lập Trường dạy học cho cán bộ và học viên cho bài bản, và cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương là một trong rất nhiều thầy cô xung phong về với Trường đem con chữ tới với ngôi trường đặc biệt. Cô đi cùng chồng là anh Nguyễn Hoàng Năng, xưa là Bí thư Thành Đoàn.
Anh Tư Trung (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường) được mời lên sân khấu phát biểu. Ảnh cảm động lắm! Không cảm động sau được, khi hơn 40 năm trước, một ngôi trường đặc biệt do người Đội viên danh dự là chú Võ Văn Kiệt lập nên, đã chắp cánh cho những con người từ không biết sống như thế nào đến sự trưởng thành và sự dấn thân vì lý tưởng. Và rồi ngạc nhiên chưa, anh Năm Liêm (Sầm Thanh Liêm), anh Hai Sang (Tiết Hồng Quân) cùng lên sân khấu hát bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Bài hát đẹp, người tham gia đẹp! Chúng tôi tràn lên sân khấu, hòa với tiếng kèn saxophone của anh Chu Minh Ký, hát muốn rung phổi!
Và sẽ không ai (nhất là Liên đội Xuyên Mộc) quên tác giả bài hát “Hành khúc Xuyên Mộc”, mà “cha đẻ” là anh Đặng Khánh Tiết. Anh vượt qua cửa tử hai năm trước, nay tới dự, toe toét cười: “Gặp mọi người cho vui, hết bệnh!”. Bài hát của anh được anh Trần Việt Sơn lo thủ tục và được Cục Âm Nhạc cấp bản quyền. Từ nay ảnh có đứa con tinh thần sau mấy chục năm “lạc trôi”. Cám ơn anh Trần Việt Sơn!
Đầu chương trình, anh Lê Hữu Phước mời mọi người một phút mặc niệm tưởng nhớ đến những chiến sĩ áo trắng, những nạn nhân, những đồng đội đã ra đi vì dịch bệnh. Không ai muốn cái thời khắc này trôi qua, bởi thời gian nó nhanh như con ngựa chạy, cho nên còn gặp nhau ta hãy trân quý.
Thoắt cái đã tới giờ trả sảnh cho Nhà hàng.
Thức ăn còn rất nhiều, được để vô hộp đem về. Hình như ai cũng muốn gặp để trò chuyện với nhau, không quan tâm chuyện ăn uống. Có người chép miệng: “Hồi xưa ăn được mà hong có, giờ có tràn họng mà ăn hỏng vô”. Thương quá là thương hà! Mà tôi cũng có ăn gì đâu, cái bao tử nó “réo”: “Bà Hồng ơi, bà lo chạy lăng xăng hong chịu bỏ bụng cái gì hết ráo, tui đói, tui đói!”.
Chuyện trong ngày truyền thống Trường tôi là vậy đó. Hẹn sớm gặp lại đồng đội. Chúc tất cả sức khỏe an lành!
Xuyên Mộc