
Truyền thống tôn sư trọng đạo vốn là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa tới nay. Có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ ca ngợi về công lao to lớn của thầy, cô. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là câu nói mà tôi không bao giờ quên, cũng như bài học mà thầy đã dạy để tôi yêu quê hương mình hơn, qua mấy câu thơ:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong gió nhẹ cánh mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Tôi không nhớ tác giả của mấy câu thơ đó, nhưng hình ảnh về làng mình tôi không thể nào quên. Đó là ngôi làng được thiên nhiên ưu đãi, ban cho nhiều phong cảnh thật đẹp. Nếu không có Thầy thì mãi trong tâm tư tôi, quê hương đơn giản chỉ là nơi của sự đói nghèo, nơi mà con nít mới 15, 16 tuổi đã biết theo người lớn kiếm ăn. Tôi cũng là một trong số đó. Tương lai của tôi cũng sẽ như những người khác trong làng, khi lớn lên tôi vẫn phải gắn liền cuộc đời lam lũ và không biết chữ, nếu không nhờ Thầy.
Khi được 10 tuổi, tôi đã nghe lũ trẻ trong xóm nói về một ngôi trường mới xây. Từ đó, mỗi khi ở bãi cá về tôi lại lấp ló đứng nhìn vào ngôi trường lác đác có vài đứa học trò. Một lần, Thầy đã ra chỗ tôi đứng, xoa đầu tôi và hỏi: “Em có muốn đi học không?”. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được cái cảm giác bỡ ngỡ và hồi hộp của buổi đi học đầu đời. Tôi ngồi ở bàn trên nên nhìn Thầy rất rõ. Thầy tóc đã bạc, nét mặt ưu tư, quần áo tuy đã cũ nhưng rất tươm tất. Lớp được phân chia theo từng nhóm do không vào học cùng một lúc, Thầy cũng chạy đi chạy lại để dạy cho học sinh.
Gia đình Thầy cũng không khá giả, Thầy có thể đi dạy chỗ khác để có cuộc sống khá hơn, nhưng Thầy không làm thế. Gia đình của lũ trẻ chúng tôi không có tiền để đóng học phí, chỉ thỉnh thoảng gởi Thầy những rổ cá nhỏ xíu hoặc vài con tép, con tôm... Đã vậy Thầy còn giúp đỡ cho đám trẻ không có điều kiện như bút, vở để chúng có thể tiếp tục học. Tôi cảm nhận được trái tim thương yêu thuần khiết của Thầy dành cho chúng tôi. Tôi ước mong mình có thể như Thầy để có thể thay Thầy giúp đỡ mọi người. Tiếc thay, chính vì sự đam mê thấp hèn, tôi đã đánh mất đi tất cả - tương lai sự nghiệp, tình yêu, tuổi trẻ. Giờ đây khi suy nghĩ lại, tôi rất hối hận. Nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ trở về quê hương, nơi tôi được sinh ra để có thể tiếp tục nghề đánh cá. Mặc dù cực nhọc nhưng đó là nghề chân chính như Thầy đã dạy tôi: “Không có nghề hèn, mà chỉ có người hèn”. Tôi đã đi ngược giáo huấn của Thầy.
Tháng 11, tháng cuối thu của những cơn gió se lạnh, một số cây cối đã trút bỏ xiêm y cũ để khoác lên mình bộ áo mới. Tháng tri ân thầy cô giáo, tôi càng bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian trước đây, tôi tự hứa với mình sẽ thay đổi để có tương lai tốt hơn như lời thầy đã từng dạy bảo.
Lê Thị Thúy Hà
(Ghi theo lời kể của học viên Nguyễn Văn Hoan)