Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37587988
Vẫn là mùa xuân

- Bố ơi, con đã mua được miếng đất rồi, nhỏ thôi, nhưng chắc đủ cho bố con mình. Bố sắp xếp công việc ngoài ấy nhá, con cố gắng dành dụm, cất căn nhà nhỏ, con rước bố vào ở cùng. Bố con mình xa nhau quá, để bố ở nhà một mình con chẳng yên tâm chút nào.

- Anh hay nhỉ! Mấy năm nay anh đi học rồi đi làm, bố chẳng ở nhà một mình là gì?

- Nhưng mà hồi ấy bố còn trẻ, còn khỏe, giờ bố lớn tuổi rồi, lỡ khi trái gió trở trời, ốm đau ai lo?

- Này, anh trù bố bệnh đấy hả?

- Không, là con lo xa thôi. Bố nhớ sắp xếp công việc ngoài ấy nhá, xong là con rước bố vào trong này ở với con luôn đấy.

- Ơ… mà con này, thiếu gì thì nói bố, bố phụ cho, con còn dành dụm mà cưới vợ nữa chứ. Việc vào Nam ở với con chắc từ từ, chờ bố nghỉ hưu đã.

- Thì bố xin nghỉ hưu sớm. Tiền bố cứ giữ đấy mà dùng, con không gửi bố thêm thì thôi, sao lại nhận của bố. Mà, khi nào bố vào trong này ở với con, con mới cưới vợ đấy.

- Được rồi, để bố sắp xếp. Vậy nhá!

            Tắt điện thoại, ông thẩn thờ nhìn ra sân. Hết xuân rồi, những chồi non đang vươn mình lớn dậy. Rồi ông nghĩ tới hoàn cảnh của mình. Mấy lần con ông xa gần bảo rước ông vào ở chung, nhưng ông cứ chần chừ, nay, nó quyết liệt quá, chắc ông phải chiều nó. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Với lại, ở quê giờ họ hàng còn mấy người đâu, nó là đứa con duy nhất, nên ông vào ở với nó cũng là lẽ thường. Còn bố mẹ và vợ ông – di ảnh thì hành trang vào Nam có là bao. Đã lâu, lâu lắm rồi, 20 năm có lẻ, ông không vào Nam, không ghé thành phố Hồ Chí Minh một lần nào, dù phương tiện đi lại bây giờ đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi. Không phải vì gia đình không có điều kiện, nỗi đau xưa giờ cũng đã nguôi ngoai, nhưng vẫn còn chút gì đó làm nghẽn lại ý định của ông. Có lẽ, nhịp cầu duyên chưa bắt xong đã gãy làm chùn chân ông…

            Ngày ấy, ông vào tận miền Nam học đại học, và đã gặp bà. Bà là con gái thành thị, sinh ra và lớn lên ở thành phố. Bà hay nói chuyện với ông, bắt ông đọc thơ cho nghe, vì “mình thích nghe giọng Bắc lắm, nghe nói cứ như nghe hát”. Đi chiến dịch Mùa hè xanh, bà không phân công ông tham gia đội hình dạy chữ, vì ông chưa sửa được giọng miền Bắc, nhất là chưa phân biệt được chữ “l” và “n”, mặc dù ông viết thì không bao giờ sai. Vì có khả năng viết tốt nên ông được phân công đi gặp gỡ, phỏng vấn, viết bài về những hoạt động của bạn bè để gởi cho bản tin chiến dịch. Hầu như tuần nào bài viết của ông cũng xuất hiện trên Bản tin, nhờ vậy mà ông không cảm thấy mình là người thừa.

            Rồi cũng đến lúc phải chia tay tuổi sinh viên, ông và bà, “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Ông cứ thấy mặc cảm vì mình là con người nhà quê, không biết bà có chịu theo ông, xa cuộc sống nơi đô thành để về làm dâu xứ Bắc không… Nhà ông neo người, học xong ông phải về quê với mẹ, không thể lập nghiệp ở trong Nam. Nếu chưa về cùng ông, xa mặt có làm cách lòng không? Ông thương bà lắm, không muốn bà phải suy nghĩ, chọn lựa, nên bao nhiêu lần ông định ngỏ lời, rồi lại thôi. Bà dường như cũng hiểu nỗi lòng của ông. Không giục giã, chẳng rời xa, họ cứ thế song hành đếm từng ngày trôi.

            Nhận bằng tốt nghiệp xong, bà mời nhóm bạn thân đến nhà ăn cơm, coi như tiệc chia tay. Bà nói với ông, thật ra là muốn mời riêng, nhưng sợ ông ngại, nên lấy cớ để mọi người cùng đi chung. Ông thầm cảm ơn sự chu đáo của bà. Đến nhà rồi, ông thấy cảm mến bà nhiều hơn. Không phải vì sự giàu sang của gia đình bà, mà vì sự giản dị, hòa đồng của bà với mọi người. Bạn bè trong lớp chỉ biết bà là dân thành phố, chứ không ai biết gia đình bà khá giả như thế nào. Ai cũng trầm trồ trước sự sang trọng, ấm áp của  ngôi nhà, và bất ngờ hơn khi biết mọi thứ đều do gia chủ sắp xếp, dọn dẹp, không thuê người làm. Trong lúc mọi người vui đùa, ông ra sân ngắm cây kiểng và hoa được sắp xếp theo một bố cục rất hợp lý. Ba bà bước đến hỏi:

            - Cậu thích khung cảnh này à?

            - Dạ vâng ạ. Nhìn vườn hoa, cháu có cảm giác thân thiện như ở quê ạ.

            - Nhà cậu có đông anh em không?

            - Dạ có mỗi mình cháu ạ.

            - Vậy tốt nghiệp xong cậu có định học tiếp không, hay là về quê?

            - Dạ, chắc là cháu về quê. Ở quê còn có mỗi mẹ cháu, cháu không thể lập nghiệp nơi xa.

            - Ừ, có gia đình nào muốn con mình đi xa đâu. Nhà tôi có một đứa con gái, tốt nghiệp đại học xong tôi sẽ cho nó học tiếp, mai này bắt rể về ở chung nhà. Con một, gả đi xa không đành. Thôi, cậu vào chơi với mấy bạn cho vui.

            Ông ấy nói nhẹ nhàng, vậy mà ông nghe như có muối xát trong lòng. Ông hiểu, mình khó có thể vượt qua rào cản ấy. Lời thương bà từ nay ông chỉ dành cho riêng mình biết. Lấy cớ đau đầu, ông xin phép về trước. Thấy mắt bà buồn buồn lúc tiễn ra cửa, ông chỉ muốn quên hết mọi thứ, bước đến nắm lấy đôi tay bé nhỏ, vuốt mái tóc mềm, nhưng ông không đủ can đảm. Ông cứ đạp xe trong vô định. Quán quen, phố cũ, nơi nào cũng hiện ra bóng dáng bà, và những lời nói của ba bà. Mấy ngày liền, ông tránh mặt bà. Nhìn dáng bà buồn bã quay về, lòng ông quặn thắt, nhưng đành phải nén lòng, không gặp bà. Người quen ở quê gọi điện thoại vào, báo mẹ ông bệnh. Vậy là ông khăn gói về quê, không kịp nói lời giã từ bà. Ông tự nhủ lòng, có khi vậy mà lại hay. Không tỏ tình, nên sẽ chẳng có lời chia tay. Thời gian rồi sẽ làm bà quên ông.

            Mẹ ông đã được xuất viện về nhà, và cô bạn chung xóm là người đã chăm sóc bà trong khi ông đi học xa. Ông bù lại những tháng năm xa mẹ bằng việc chăm sóc bà thật chu đáo, rồi xin dạy ở trường gần nhà, dù với tấm bằng hạng ưu, ông có thể xin về dạy ở trường chuyên của huyện. Công việc, cuộc sống cũ mà mới giúp ông nguôi dần nỗi đau, nhưng cái nhớ thì vẫn hàng đêm theo ông vào giấc ngủ. Ông biết là mình phải quên, nhưng thật khó. Rồi, như một công thức chung của mối quan hệ nghĩa – tình, ông và cô bạn ngày nào nên vợ thành chồng, như niềm mong mỏi của mẹ ông. Suy cho cùng, người bạn ấy nào có lỗi gì để ông từ chối tấm chân tình. Sau 3 năm chờ đợi, mẹ ông cũng kịp nhìn mặt cháu nội trước khi về với ông bà. Ông đặt tên con mình là Nam, âm thầm gởi vào đó tất cả nỗi nhớ niềm thương, và quyết định chấm dứt mọi thứ để làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha.

Cuộc sống với bộn bề lo toan, rồi những biến cố xảy ra, ông không còn thời gian và tâm trí để nhớ về chuyện cũ. Con trai ông có ánh mắt và nụ cười giống ông, nhưng nét mặt thì là của mẹ. Nó lại giống ông ngày xưa, vào tận phương Nam học, và nó hơn ông, vì chọn nơi ấy là quê hương mới. Chút bâng khuâng trong ông khi nghe con nhắc về miền Nam.

***

Dịch bệnh làm học sinh không thể đến trường, giáo viên phải dạy trực tuyến. Mặc dù không còn trẻ, nhưng cũng chưa phải là già, nên hàng ngày lên lớp thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin không phải là điều quá khó đối với bà. Điều bà thấy không thoải mái nhất là không được thấy biểu cảm trên gương mặt của học sinh. Hơn 20 năm đi dạy, bà đo hiệu quả bài giảng không chỉ bằng điểm số học sinh đạt được, mà còn đo thông qua nét mặt, ánh mắt của những đứa học trò tuổi nhỏ hơn cả con bà. Bà chấp nhận mọi thái độ của chúng, vì suy cho cùng, đó cũng là một thực tế của cuộc sống. Có mấy ai có được trọn vẹn mọi thứ đâu. Ông Bụt, bà Tiên được nhiều người yêu mến, nhưng những người không nhận được quà từ sự từ tâm, từ phép màu của họ tất nhiên là không ưng rồi. Nàng Tấm xinh đẹp, hiền lành, chiếm trọn tình cảm của rất nhiều người, nhưng đâu đó vẫn có lời thương dành cho Cám, bởi lẽ, Tấm nhờ có đôi hài ông Bụt tặng, xỏ vừa chân là được Vua yêu chiều, còn Cám, đôi chân rướm máu vì những cố gắng để mình vừa vặn với hình mẫu, vậy mà cũng chẳng được ngó ngàng. Bà dù là giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm, nhưng đôi lúc bài giảng của bà như là một cuộc “tra tấn” đối với vài học sinh. Bà không giận chúng, chỉ biết cố gắng để bài giảng hôm sau bớt tẻ nhạt hơn.

Gấp lại trang giáo án đã được kiểm tra kỹ càng, bà bước ra sân hóng gió đêm.

- Sao má không mặc áo ấm vào, lỡ lạnh rồi sao?

Con gái trao bà cái áo len mỏng mà thằng em kết nghĩa của nó mua tặng.

- Thằng nhóc coi vậy mà chu đáo hén má, mua cái áo vừa đủ dày để ấm, vừa đủ mỏng để không bị nóng, màu sắc lại hợp với má nữa.

- Chứ ai như con gái tui đâu à… Mà con đừng ỷ làm chị rồi bắt nạt em nghen. Tội nghiệp thằng nhỏ, xa nhà, xa quê.

- Con biết rồi mà.

Hai má con cùng cười, ngắm những nụ hồng đong đưa trước gió. Chắc nó giống bà, đang nghĩ về thằng nhỏ.

Nam là đồng nghiệp của con gái bà, nhỏ hơn 2 tuổi, quản lý người cai nghiện ma túy. Hai chị em, đứa người miền Nam, đứa rặt đất Bắc, vậy mà hợp tính, gặp nhau là nhanh chóng kết thân. Đồng nghiệp chúng hay ghẹo “nhất gái lớn hai, nhì trai hơn một”, nhưng tụi nó không quan tâm. Bà hỏi con bé, nó chỉ cười: “Con thương Nam, nhưng không phải là yêu. Con thấy nó thân tình, ấm áp như một đứa em vậy đó”. Hôm con bé dẫn Nam về nhà chơi, nhìn cách chị em nó nói chuyện, vui đùa, bà tin lời con gái. Nam lanh lợi, thuộc dạng “mồm 5 miệng 10” chứ chẳng vừa. Hôm đó, ăn cơm xong nó bảo:

- Cô ơi, con lỡ thương chị như chị cả rồi, cô cho phép con gọi cô là má như chị nha?

- Nè con, tiếng ba, tiếng má là rất thiêng liêng, không gọi tùy tiện được đâu. Cô thì cho phép, nhưng con có hỏi ý kiến bố mẹ chưa?

- Dạ, mẹ con mất lâu rồi. Bố mà biết con có thêm người thương thì còn mừng nữa, không có buồn đâu. Có dịp bố con vào, con sẽ chở bố tới gặp má ạ.

Bà cười, “ừ thì con thích gọi sao cũng được”. Ánh mắt và nụ cười của nó có vẻ gì đó rất quen thuộc, rất gần gũi. Và cái giọng miền Bắc ngọt ngào… Bất giác bà nhớ ông. Hơn 20 năm rồi, không biết ông giờ ra sao. Bà mong gặp ông, để hỏi tại sao ông rời xa bà mà không một lời từ giã. Hôm ấy, bà thấy ba bà và ông đứng nói chuyện, lát sau ông ra về. Bà hỏi ba mình đã nói gì, ông ấy cười: “Ba chỉ hỏi thăm chuyện nhà của nó thôi, con không tin có thể đi hỏi nó”. Bà đã tìm ông, rất nhiều lần, rất nhiều ngày nhưng đều không gặp. Rồi bà hay tin ông đã về quê. Hồi ấy phương tiện liên lạc đâu như bây giờ, không có địa chỉ cụ thể xem như mất nhau. Buồn, đau, nhớ, mọi cảm giác bà đều trải qua. Nhưng không thể ngủ vùi trong u uẩn, bà tự vực mình dậy, bước ra ngoài. Bà không học lên cao, cũng không đi dạy mà đi làm ở một công ty tư nhân. Bà tìm lại bóng dáng ông qua một vài người bạn trai xứ Bắc, nhưng… họ không phải là ông. Và ba bà nữa. Ông không đồng ý có rể là người Bắc. Mãi sau này bà mới biết, ba bà đã từng bị một người bạn chơi xấu, đến nỗi gần như tán gia bại sản, may mắn là nhà nội, nhà ngoại đều thương yêu, đùm bọc nên cùng sớt chia gánh nặng, cả nhà dìu nhau vượt qua sóng gió. Từ đó, ông hận tất cả những người có cùng giọng nói với người bạn ấy. Bà muốn nói rằng ông là người tốt, không giống như người bạn kia, nhưng bà hiểu tính ba mình, hiểu những đắng cay tủi nhục mà gia đình đã từng trải qua nên đành chấp nhận, chỉ mong thời gian trôi qua sẽ làm ba bà nguôi ngoai. Mà, ông cũng có nói gì đâu để bà đợi, bà chờ. Bà an bài đời mình trong cuộc hôn nhân với con người quen của ba. Sau 15 năm bên nhau, ông ấy ra đi sau một tai nạn giao thông, để lại bà với đứa con gái. Bà không quan trọng con quen ai, hay chơi với bạn là người vùng miền nào, chỉ quan tâm nhân cách người đó như thế nào. Một phần vì bà không muốn con gái phải chịu đựng nỗi buồn như ngày nào.

***

Mới đó mà Nam đã gắn bó với đơn vị vài năm. Chẳng biết duyên nợ gì, khi được thông tin tuyển viên chức của Lực lượng TNXP Thành phố, Nam nộp hồ sơ ngay mà không lăn tăn nghĩ ngợi. Đến khi gọi điện thoại về cho bố báo tin đã trúng tuyển, nghe bố hỏi: “Thế con định lập nghiệp ở nơi xa bố hàng ngàn cây số à?”, Nam mới chợt giật mình. Nhà neo người, giờ chỉ còn mình bố ra vào với vườn rau, bầy gà. May mà bố Nam chưa đến tuổi hưu, vẫn còn đi dạy nên Nam bớt lo và áy náy. Như bao người trẻ khác, việc hòa nhập vào một môi trường mới không có gì là khó khăn. Những người đồng nghiệp – đồng đội mới, những học trò không giống như hồi đi thực tập như dòng sông, cứ cuốn Nam đi, không để chàng trai trẻ có thời gian cho sự đắn đo, toan tính. Nam chơi thân với Thủy Bắc, xem như chị. Hồi mới nghe tên, Nam cứ tò mò, nghĩ chắc cô giáo dạy Toán này giống con trai lắm, vậy mà gặp rồi thì chị em lại không rời nhau. Đứa tên Nam thì nói giọng Bắc, còn đứa tên Bắc thì nói giọng Nam. Đứa thần tượng má, đứa thì bố là nhất trên đời. Từ lúc gặp má Thủy Bắc, được nói chuyện với bà, Nam cảm thấy rất ấm áp, thân thuộc như gia đình. Đôi lúc, Nam thấy có lỗi với bố vì có khi nói chuyện với má nhiều hơn với bố.

Sau một thời gian làm việc, Nam quyết định sẽ không về quê nữa, đón bố vào sống cùng. Nếu bố sợ không làm việc sẽ cuồng chân thì Nam xin cho bố vào làm ở đội sản xuất, ngày ngày trồng rau, nuôi cá. Bố Nam là thầy giáo nhưng làm nông cũng rất giỏi. Làm chung, có khi bố hỗ trợ Nam “nói chuyện” với học viên, nhờ vào kinh nghiệm được tích lũy cả đời.

Nhưng, không chỉ có vậy, Nam và Thủy Bắc còn có “âm mưu” quan trọng hơn. Hai chị em có cùng suy nghĩ, rằng bố và má đã dành cả tuổi xuân để lo cho chúng ăn học, giờ chúng lớn rồi, bố và má phải được nghỉ ngơi; rằng bố và má một mình đã lâu, giờ phải có người tâm sự, chia sẻ. “Con chăm cha sao bằng bà chăm ông”, chúng nó còn có công việc, rồi mai này có gia đình riêng, sao có thể chăm sóc chu đáo cho bố, má. Người lớn chỉ biết làm con vui, đâu biết được “âm mưu” của chị em nó. Hôm bố nói đồng ý vào, Nam gọi báo tin cho Thủy Bắc, hai chị em nó cứ rúc rích cười.

Xuân của đất trời đã qua, nhưng với chị em nó, xuân vẫn còn quanh đây…

Thủy Triều

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn