Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38046592
truyền thống TNXP
"Thanh niên xung phong là một trường Đại học..."[1]

        Ngày 28/3/1976, hơn một vạn thanh niên xung phong trong đội hình của 2 Tổng đội đã cùng đồng loạt ra quân đến cùng nông thôn ngoại thành Thành phố, đến những nơi núi rừng đầy gian khổ và vô cùng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới, để làm giàu cho quê hương đất nước. Thời khắc thiêng liêng và vinh quang ấy là một dấu ấn đẹp đẽ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người trẻ của Thành phố khi khoác lên mình chiếc áo thanh niên xung phong, tham gia thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, là chất xúc tác, là chất men gắn bó bao thế hệ thanh niên xung phong trong suốt chặng đường 40 năm qua.  Thông qua các hoạt động thực tiễn luôn mới mẻ và phong phú trong mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển, Thanh niên xung phong đã trở thành “trường học lớn” cho thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

Lễ xuất quân của Thanh niên xung phong Thành phố tại sân vận động Thống Nhất, ngày 28/3/1976

       “Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên những con người có trái tim nồng cháy, biết yêu tha thiết đất nước quê hương, biết biến đau thương thành hành động. Tin quân Khmer đỏ tấn công vào biên giới Tây Nam, sát hại đồng bào ta một cách dã man làm nhói lòng người dân Việt, trong đó có TNXP. Nhiều thanh niên xung phong đã viết đơn tình nguyện, có những lá đơn viết bằng máu, để xin được ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Các liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí là những đơn vị đầu tiên của Thanh niên xung phong được ra chiến trường phục vụ chiến đấu. Từ tháng 11/1977, trên mặt trận biên giới Tây Nam, Thanh niên xung phong thành phố có mặt nhiều hơn, nhiệm vụ cũng đa dạng và khó khăn hơn. Bàn tay chai cầm leng, cầm cuốc trên nông trường ngày nào giờ thêm những vết chai mới khi cùng bộ đội làm đường, chống lầy, làm ngầm, làm cầu cho xe cơ giới ra chiến trường. Những vết chai mới được hình thành khi thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ tiếp lương, chuyển đạn dược, vũ khí ra chiến trường, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau và xây dựng công sự phòng thủ, có khi cùng bộ đội cầm súng trực tiếp đánh địch. Trên chiến trường biên giới Tây Nam, cũng như thanh niên xung phong của thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, thanh niên xung phong là lực lượng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thương binh, trợ giúp đắc lực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả nhất và còn là đội dự bị quân số cho các đơn vị bộ đội chủ lực khi có yêu cầu. Thanh niên xung phong đã chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bằng cả trái tim và tình yêu quê hương đất nước.

       “Trường học lớn” ấy đã giáo dục, rèn uyện và đào tạo một lớp thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão và giàu mơ ước, góp phần hình thành nên một đội ngũ lao động mới, có văn hóa, có năng lực tổ chức quản lý, kiến thức chuyên môn trên mọi lĩnh vực.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và khai hoang phục hóa, Thanh niên  xung phong đã biến “vành đai trắng” ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh thành “vành đai xanh” trồng hoa màu, lương thực. Thanh niên xung phong đã đào những con kênh tháo phèn, chống úng, tưới tiêu, đắp đê… Hệ thống kênh ở Củ Chi được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng sau những  ngày làm việc quên mình, những đêm đào kênh dưới ánh đuốc của Thanh niên xung phong. Thanh niên xung phong cũng đã đến các vùng quê xa hơn để làm sống lại màu xanh trên những mảnh đất hoang.

Thi công công trình kênh tưới Ba Gia

       Tại các nơi thuộc tỉnh Lâm Đồng, Nam Tây nguyên, Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, thanh niên xung phong bao giờ cũng là những người trước tiên đến vùng đất mới để khai hoang, san đất, đắp đất làm nền và xây nên những ngôi nhà mới, vận động và giúp đỡ các hộ gia đình, tiếp đón các hộ di dân; là lực lượng gần gũi với các hộ dân nghèo đi lập nghiệp, làm chỗ dựa về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đi kinh tế mới; giúp đỡ sửa chữa nhà, hướng dẫn trồng trọt, lập vườn rau, sử dụng nước kênh mương để tưới, cách phòng bệnh và chữa bệnh… Thanh niên xung phong còn giúp dân hiểu rõ chính sách kinh tế mới của Nhà nước để không nghe theo những luận điệu phao tin đồn nhảm gây bất an cho cuộc sống nơi quê hương mới.

        “Trường học lớn” ấy đã giáo dục, rèn luyện thanh niên thành con người mới, có ích cho xã hội; xung kích giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Hoàn cảnh, thành phần xã hội của đội viên thanh niên xung phong lúc ban đầu không giống nhau - có những người là những thanh niên đang khao khát cống hiến, làm việc, nhưng đội viên thanh niên xung phong cũng có thể là những thanh niên thị dân ở các khu dân cư ở các quận, huyện ngoại thành, là những học sinh, sinh viên, những thanh niên bị “địch bắt lính”; nhưng, thực hiện thông điệp của đồng chí Võ Văn Kiệt “hòa hợp dân tộc và không phân biệt đối xử với những ai có lý lịch xấu” vì “không ai chọn cửa mà sinh ra”, tất cả những người trẻ ấy được tập hợp trong một tổ chức đoàn kết và thống nhất về ý chí, hành động, có lý tưởng, lối sống đẹp. Họ đã trở thành những thanh niên mới, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hăng hái nhận lấy những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ. Như nhận xét của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Đại hội Thanh niên tiên tiến xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 03/3/1977: “Nhiều đồng chí lúc mới ra đi chưa xác định rõ nhiệm vụ, nay đã nhận thức sâu sắc vai trò và nhiệm vụ, thấy được tiền đồ tương lai của mình nằm trong tiền đồ tương lai của đất nước, dân tộc… Từ chỗ tổ chức kỷ luật, sinh hoạt nội quy lúc ban đầu còn lỏng lẻo, tác phong sinh hoạt của nhiều người còn mang nặng lối sống cũ, riêng lẻ, cá nhân, ích kỷ, chỉ biết sống cho mình và vì mình thì nay tổ chức cơ bản đã ổn định, nội quy sinh hoạt, kỷ luật chặt chẽ hơn, nhiều đồng chí tha thiết gắn bó với tập thể, coi tập thể là nhà, và có nhiều thay đổi, tiến bộ lớn cả trong tác phong sinh hoạt, nếp nghĩ, nếp sống, gạt bỏ dần hoặc từ bỏ hẳn những thói hư, tật xấu. Quan hệ giữa người và người, tình bạn và tình đồng chí rất đẹp và rất cao quý đã thể hiện và chi phối trong tư tưởng và tình cảm của các đồng chí”.

       Không chỉ giáo dục cho những người cùng chung đội ngũ, Thanh niên xung phong còn giáo dục những thanh niên bị xem là tệ nạn xã hội, khiếm khuyết nhân cách, giúp đỡ để họ trở thành công dân lương thiện, thành người có ích. Qua mô hình đầu tiên là Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới, và sau này là các trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm, Lực lượng TNXP thành phố là “trường học làm lại con người”, thực hiện hiện nhiệm vụ là vừa cải tạo, giáo dục đối tượng quản lý vừa tự cải tạo, rèn luyện mình để làm gương cho học viên noi theo. Đối với học viên tại các trường, hình ảnh người thanh niên xung phong là một mẫu người mà họ sẽ phấn đấu noi theo để được công nhận kết quả rèn luyện, được tái hòa nhập cộng đồng, xã hội một cách thuận lợi. Từ đó đến nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên tệ nạn xã hội là một trọng tâm công tác của Lực lượng TNXP, được thực hiện với phương châm “tình thương và trách nhiệm” và “người đi trước rước người đi sau”.

Thanh niên xung phong quản lý, giáo dục học viên

        “Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên những con người luôn năng động, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, kể cả những công việc chưa có tiền lệ. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa xin chủ trương, cơ chế trước những vấn đề mới phát sinh, không chỉ trong các hoạt động xã hội mà cả trong các hoạt đông kinh tế. Đã từng có khuynh hướng tư duy cho rằng: Thanh niên xung phong là một gánh nặng cho ngân sách, cần phải xóa bỏ; Thanh niên xung phong không đủ khả năng làm kinh tế và không có tư cách pháp nhân để làm kinh doanh. Trên thực tế, trong thời gian này, tất cả các đơn vị của Thanh niên xung phong ở các tỉnh bạn đã lần lượt giải thể hoặc chuyển đổi, tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố vẫn tiếp tục cho duy trì Lực lượng TNXP. Không phụ lòng tin của lãnh đạo Thành phố, Lực lượng TNXP đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức; thay đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc cho phù hợp. Về nhiệm vụ xây dựng vùng kinh tế mới kết hợp với nhiệm vụ giáo dục thanh niên chậm tiến và tệ nạn xã hội, Lực lượng TNXP thực hiện mô hình trường Giáo dục Lao động công - nông nghiệp gắn với nông trường để vừa giải quyết nhu cầu lao động cho các nông trường, vừa nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động và học viên; đồng thời cũng là đầu ra cho học viên tiến bộ của các trường trở thành nông trường viên.

       Hoạt động của các đơn vị trực thuộc Lực lượng TNXP là cơ sở thực tiễn, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ về kinh tế. Nông trường Nhị Xuân là một trong những đơn vị kinh tế đầu tiên của Thành phố thực hiện thành công khoán khối lượng và khen thưởng bằng tiền mặt cho người lao động, là một trong những đơn vị kinh tế đầu tiên thực hiện chủ trương của Thành phố về xóa bao cấp và xây dựng nông thôn mới bằng con đường “bung ra sản xuất” theo chế độ hạch toán, góp phần hình thành tư duy kinh tế mới. Nông trường dừa Đỗ Hòa là nơi trồng cây thử nghiệm ở môi trường hoang hóa sình lầy ven biển ngập mặn, thiếu nước ngọt trầm trọng; nơi vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nông trường Thanh niên Duyên Hải đây là nơi thanh niên xung phong cùng lao động với những thanh niên chậm tiến để giáo dục họ thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội; đội viên TNXP và học viên Nông trường Thanh niên Duyên Hải là lực lượng chủ yếu để khôi phục rừng đước, góp phần hình thành rừng phòng hộ Cần Giờ; tham gia xây dựng đường Rừng Sác nối liền vùng ven biển Cần Giờ với nội thành trong kế hoạch chung của tuyến đường dài 36 km do Thành phố huy động. Lâm trường Lý Nhơn được xây dựng với nhiệm vụ là khai phá đất ngập mặn hoang hóa để trồng cây đước và thực hiện các phương án bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Cần Giờ. Các nông - lâm trường ở Nam Tây nguyên cùng thực hiện chương trình hợp tác kinh tế giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đăk Lăk với các nhiệm vụ như: khai hoang, phục hóa, sản xuất nông lâm nghiệp, giáo dục thanh niên chậm tiến, chăm sóc, trồng rừng và khai thác lâm sản.

        “Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên một tập thể xung kích, tham gia tích cực và hiệu quả trong việc tham gia những vấn đề bức xúc của xã hội, tạo nên hình ảnh, thương hiệu Thanh niên xung phong trên lĩnh vực công ích nội thị.Các hoạt động này do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP trực tiếp thực hiện.

Trật tự viên du lịch hướng dẫn cho du khách

       Đó là việc tiếp nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7.507,12ha đất rừng và rừng phòng hộ (từ Tổng đội 1 TNXP) rải rác trên địa bàn các xã thuộc huyện Cần Giờ, góp phần bảo vệ Rừng Sác, lá phổi xanh của Thành phố và là một trong những Khu dự trữ sinh quyển của thế giới do UNESCO xác lập. Phối hợp tốt với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và Ban An toàn giao thông giữ gìn trật tự giao thông tại 160 chốt, giao lộ trên địa bàn Thành phố. Tổ chức thực hiện các hoạt động giữ xe 2 bánh, 4 bánh đúng giá quy định, góp phần ổn định giá giữ xe. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng tiếp tục được đầu tư mới, cải tạo nâng cấp đã và đang phát huy tác dụng. Có 5 trạm cung cấp nước ngọt cho nhân dân vùng xa, vùng sâu tại huyện Cần Giờ. Quản lý, vận hành phà Bình Khánh - Nhà Bè, phà Cát Lái - Nhơn Trạch (Đồng Nai), đảm bảo an toàn tuyệt đối và phục vụ ngày càng tốt cho hành khách, là một trong những bến phà trật tự, mỹ quan của Thành phố và nhiều tỉnh thành phía Nam. Đội Bảo vệ khách du lịch thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ khách du lịch; tuần tra, ngăn chặn các hành vi cướp giật, móc túi, ăn xin… tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách khi tham quan thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các hoạt động trên, Công ty còn thí điểm tuyến xe buýt đưa đón học sinh trường Lê Quý Đôn, đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến xe buýt số 152; nhận và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất do Thành phố giao như giữ gìn an ninh trật tự tại các sự kiện, lễ, hội của Thành phố; tham gia cùng các lực lượng chức năng vận động người dân tụ tập khiếu kiện đông người trở về địa phương, chống đình công trái pháp luật …

       “Trường học lớn” ấy đã góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh mang đậm chất nhân văn. Trong những ngày đầu mới thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng Thanh niên xung phong đã phát động phong trào thi đua và tổ chức học văn hóa sôi nổi ở các đơn vị, cho ra đời Tập san Tuyến đầu, thành lập đội văn công, các nhóm ca khúc chính trị, tổ chức sáng tác văn, thơ, nhạc, viết báo tường, hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Nhờ có phong trào văn hóa văn nghệ, học tập văn hóa lan rộng trong các đơn vị Thanh niên xung phong mà từng bước hình thành nên những dòng nhạc, lời ca, bài thơ, vở kịch, bộ phim mang sắc thái riêng phản ánh đời sống hiện thực của thanh niên xung phong. Chính từ các phong trào văn hóa, văn nghệ của Thanh niên xung phong đã nuôi dưỡng và sản sinh ra một đội ngũ những người làm công tác văn học, nghệ thuật, báo chí trên địa bàn thành phố. Trong 40 năm qua, TNXP thành phố đã không ngừng nỗ lực tổ chức các phong trào văn hóa quần chúng đi sâu phản ánh các mặt hoạt động của TNXP, thu hút hàng ngàn người yêu văn học nghệ thuật không chuyên và hàng trăm nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ cùng đồng hành tham gia sáng tác hàng ngàn tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Các tác phẩm đã phản ánh một cách tương đối sinh động các mặt hoạt động của Lực lượng TNXP thành phố, nhờ đó mà nhân dân cả nước biết về Lực lượng TNXP thành phố.

       Với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, năm 1986, Lực lượng TNXP Thành phố đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Năm 2006, kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng TNXP Thành phố được nhận bức trướng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” lần thứ hai.

       Thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển của Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh: Lực lượng TNXP do Đảng lãnh đạo không chỉ là một tổ chức thanh niên tình nguyện thích hợp trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn là một tổ chức tình nguyện có nhiều khả năng thích ứng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ hậu chiến. Những trang sử vẻ vang của Lực lượng TNXP được viết nên bằng sức lực, trí tuệ và cả xương máu của các thế hệ Thanh niên xung phong thành phố. Tự hào về người sáng lập ra Lực lượng TNXP Thành phố, tự hào về người đội viên danh dự Võ Văn Kiệt với phong cách năng động, sáng tạo, với những tư duy mới, với bầu nhiệt huyết rực cháy trong tim người chiến sỹ cách mạng đã truyền lửa nhiệt tình, gieo niềm tin, niềm tự hào vào tuổi trẻ thành phố, Lực lượng TNXP luôn chung sức, chung lòng cùng nhau đoàn kết vun đắp cho truyền thống của tổ chức TNXP Thành phố ngày càng có vị thế mới, đặc biệt là làm cho tất cả những ai đã từng khoác trên người đồng phục luôn tự hào vì đã có một thời được sống, học tập rèn luyện, trưởng thành trong môi trường TNXP.

       Kết quả quá trình xây dựng và phát triển của Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh trong 40 năm qua là minh chứng thực tiễn sinh động tư tưởng của Bác về “Trường học lớn thanh niên xung phong” trong giai đoạn xây dựng đất nước, trong thời kỳ đổi mới. Thanh niên xung phong là một “Trường học lớn” mà “Ở trường học ấy, miệng nói, tay làm, lý luận gắn liền với thực hành”[2] như lời Bác Hồ dạy. Lực lượng TNXP sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố có chất lượng sống tốt, xứng đáng với lời khen tặng của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Thanh niên xung phong, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của thành phố mới”3

Linh Phụng

       1: Phát huy truyền thống anh hùng xung kích, năng động, sáng tạo vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ, xb 2006, tr59 

       2:Lịch sử Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp, năm 2011, tr275.

       3: Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Thành ủy trong buổi lễ kỷ niệm thứ 46 ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 26/3/1977.

 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn