Chiến thắng ngày 30/4/1975 đã đem lại cho Nhân dân cả nước một niềm vui lớn, một sự xúc động sâu xa từ trong tim, khiến bao người phải rơi nước mắt vì sung sướng. Nhưng hậu quả chiến tranh để lại cho một thành phố vừa được giải phóng là vô cùng nặng nề: những vùng đất bị hoang hóa; thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nguyên, nhiên liệu; thất nghiệp tràn lan; an ninh, trật tự xã hội chưa ổn định. Thực hiện chủ trương của Thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh (Thành Đoàn) đã thành lập các Đội Thanh niên xung phong (TNXP) đi khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi ở các huyện ngoại thành Thành phố; Ban Vận động khai hoang và Xây dựng Kinh tế mới Trung ương thành lập 2 Đội TNXP đi xây dựng các khu kinh tế mới ở Tây Ninh và Sông Bé. Các Đội TNXP đầu tiên này là tiền thân, là cơ sở để hình thành 2 Tổng đội TNXP: Tổng đội TNXP Thành Đoàn và Tổng đội TNXP Xây dựng Kinh tế mới. Ngày 28/3/1976, hơn một vạn thanh niên thành phố trong đội hình 2 Tổng đội TNXP đã tập hợp tại sân vận động Thống Nhất làm lễ xuất quân, cùng đồng loạt lên đường đến những vùng đất mới. Trong suốt 47 năm qua, Lực lượng TNXP luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Võ Văn Kiệt (trái), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Thành phố, trao cờ truyền thống của Đoàn cho tuổi trẻ Thành phố trong lễ xuất quân TNXP, tại sân vận động Thống nhất, ngày 28/3/1976
Trong thực hiện nhiệm vụ xã hội, Lực lượng TNXP đã tham gia sản xuất nông nghiệp và khai hoang phục hóa, xây dựng các khu kinh tế mới, góp phần thực hiện phân công lại lực lượng lao động xã hội và bố trí lại dân cư; bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế; rèn luyện, giáo dục thanh niên thành con người mới có ích cho xã hội; xung kích giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội.
Ngày 06/9/1977, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định thành lập Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh (Lực lượng TNXP) trên cơ sở sáp nhập hai Tổng đội TNXP (Thành Đoàn và Kinh tế mới). Sau khi Lực lượng TNXP được thành lập, TNXP tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn đóng quân trải dài từ thành phố Hồ Chí Minh đến Lâm Đồng, Tây Ninh, Sông Bé, Minh Hải, Kiên Giang. Hệ thống kênh (tháo úng, tưới tiêu…) ở huyện Củ Chi được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng sau những ngày làm việc quên mình, những đêm đào kênh dưới ánh đuốc của TNXP. TNXP cũng đã đến các vùng quê xa để làm sống lại màu xanh trên những mảnh đất hoang hóa như vùng An Biên (Kiên Giang), Minh Hải, chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), Long An, Sông Bé, Lâm Đồng, Đăk Lăk. TNXP bao giờ cũng là những người trước tiên đến vùng đất mới để khai hoang, san đất, đắp đất làm nền và xây nên những ngôi nhà mới, vận động và giúp đỡ các hộ gia đình, tiếp đón các hộ di dân; là lực lượng gần gũi với các hộ dân nghèo đi lập nghiệp, làm chỗ dựa về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đi kinh tế mới; giúp đỡ sửa chữa nhà, hướng dẫn trồng trọt, lập vườn rau, sử dụng nước kênh mương để tưới, cách phòng bệnh và chữa bệnh… TNXP còn giúp dân hiểu rõ chính sách kinh tế mới của Nhà nước để không nghe theo những luận điệu phao tin đồn nhảm gây bất an cho cuộc sống nơi quê hương mới. Và chỉ gần 2 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, TNXP - tuổi trẻ ở đô thị và lớn lên trong môi trường xã hội đường phố đông đúc - đã đi đến những nơi vắng vẻ, gian khổ và thiếu thốn, tham gia những công việc đầu tiên được biết đến và đã tích cực làm tốt nhiệm vụ được giao. Đó là, “vành đai trắng” ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh đã được thay thế bằng “vành đai xanh”, thành những vùng sinh thái nông nghiệp xanh tươi bền vững; khôi phục lại màu xanh trên những vùng đất hoang hóa, biến những mảnh đất hoang thành ruộng mì, bãi mía, bãi ngô, thơm và các loại cây ăn trái khác; những khu dân cư đi lập nghiệp, những làng định cư kinh tế mới của dân nghèo thành thị tại những vùng hoang vắng được định hình.
Ngày 25/9/1977, biên giới Tây Nam đất nước ta bị xâm lấn, đồng bào ta ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, bất kể là người già, trẻ con, học sinh, giáo viên… đều bị tàn sát rất dã man. Hàng ngàn cán bộ, đội viên TNXP đã viết đơn tình nguyện, có cả những lá đơn viết bằng máu, để xin ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. TNXP được giao nhiệm vụ tiếp lương, chuyển đạn dược, vũ khí ra chiến trường, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau, làm ngầm, làm đường…, cùng bộ đội cầm súng trực tiếp đánh địch. Trên nước bạn Campuchia, TNXP Thành phố cùng bộ đội giúp nước bạn xây dựng lại đất nước với các công việc như: tuyên truyền chính sách cách mạng; giúp bạn lập chính quyền cơ sở, tổ chức các đội dân quân có trang bị vũ khí để bảo đảm an ninh, trật tự cho các phum sóc mới được giải phóng; xây dựng và sửa chữa trường học, đường giao thông trên bộ, giúp ổn định đời sống người dân; xây dựng lực lượng TNXP, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp…
Từ những năm đầu thành lập, Lực lượng TNXP đã được UBND Thành phố giao quản lý đối tượng tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội cần phải giáo dục cải tạo. Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là Trường Thanh niên Xây dựng cuộc sống mới. Phương châm giáo dục được Trường thực hiện là “Trách nhiệm và tình thương” và “Người đi trước rước người đi sau”. Nội dung giáo dục học viên khá toàn diện, từ giáo dục trong sách vở đến giáo dục thông qua lao động với các hoạt động như: xây dựng doanh trại, sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp… Trường Thanh niên Xây dựng cuộc sống mới là mô hình đầu tiên của Thành phố về quản lý giáo dục thanh niên tệ nạn xã hội. Qua mô hình này, Lực lượng TNXP là “Trường học làm lại con người”, thực hiện nhiệm vụ là vừa cải tạo, giáo dục đối tượng quản lý vừa tự cải tạo, rèn luyện mình để làm gương cho học viên noi theo. Từ đó đến nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên tệ nạn xã hội là một trọng tâm công tác của Lực lượng TNXP. Lực lượng TNXP là một trong những đơn vị chủ lực thực hiện chương trình “3 giảm” của Thành phố với 8 đơn vị sự nghiệp, quản lý thường xuyên có thể lên đến 20.000 người nghiện ma túy; chủ động tham gia nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tổ chức quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2014, Lực lượng TNXP tiến hành sắp xếp lại các đơn vị làm công tác cai nghiện ma túy cho phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Năm 2017, UBND Thành phố ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Tổ chức lại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện trên địa bàn Thành phố đến năm 2020”, đồng thời ban hành các quyết định thay đổi tên gọi các đơn vị làm công tác cai nghiện ma túy.
Hiện Lực lượng TNXP có 3 trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm để quản lý, giáo dục người nghiện ma túy và Cơ sở xã hội Nhị Xuân có nhiệm vụ cắt cơn, tư vấn, chữa trị cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ làm thủ tục, hồ sơ cho Tòa án xét xử; điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy có quyết định cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng
Thông qua việc quản lý, giáo dục thanh niên chậm tiến, TNXP cũng luôn rèn luyện, phấn đấu để ngày càng hoàn thiện bản thân, làm gương cho học viên noi theo. TNXP là người lao động nghiêm túc và có kỷ luật, người thầy dạy học văn hóa, người chuyên viên hướng dẫn nghề, người chủ trì các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao và giải quyết những va chạm giữa các học viên. Đối với học viên tại các trường, hình ảnh người TNXP là một mẫu người mà họ sẽ phấn đấu đạt tới để được công nhận và gia nhập đội ngũ TNXP, được tái hòa nhập cộng đồng, xã hội một cách thuận lợi. Học viên và người sau cai nghiện ma túy trong thời gian học tập, rèn luyện tại các đơn vị TNXP đều được giáo dục về chính trị, đạo đức, pháp luật; hầu hết được xóa mù chữ, tham gia học bổ túc văn hóa từ cấp I đến cấp III, một số còn được học đại học. Môi trường TNXP đã giúp hàng chục ngàn thanh niên chậm tiến đã trở thành những con người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Lớp học xóa mù chữ cho thanh niên chậm tiến
Ngoài ra, Lực lượng TNXP còn thành lập 3 “nhà mở”, tiếp nhận thiếu niên lang thang, bụi đời, cơ nhỡ (trẻ đường phố) vào sinh hoạt, ăn ở và học tập. Qua giáo dục tại các nhà mở, nhiều em đã trưởng thành, gia nhập vào đội ngũ TNXP hoặc có được công việc làm ổn định, hàng trăm trường hợp đã hồi gia. Cùng với các lực lượng khác của Thành phố, TNXP đã tích cực tham gia quản lý thị trường, xây dựng và quản lý các bến xe lớn, điều khiển trật tự giao thông đường phố, sắp xếp lòng lề đường…; cùng với công nhân Cảng Sài Gòn làm nhiệm vụ khẩn trương giải phóng 380.000 tấn hàng hóa, không để tình trạng hàng hóa ứ đọng tại Cảng.
Trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế, Lực lượng TNXP đã xây dựng nông - lâm trường; tham gia phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới và chỉnh trang đô thị.
Tháng 10/1980, UBND Thành phố ra quyết định ban hành quy chế của Lực lượng TNXP. Thực hiện quy chế này, Lực lượng TNXP đã đổi mới, chuyển đổi chức năng, thực hiện hạch toán kinh tế; thành lập các Tổng đội mới trên cơ sở nhập lại các Tổng đội cũ; hình thành và phát triển các đơn vị kinh tế trực thuộc như: Nông trường Nhị Xuân, Nông trường dừa Đỗ Hòa, Nông trường Thanh niên Duyên Hải, xây dựng các nông - lâm trường ở Nam Tây nguyên, xây dựng các xí nghiệp chế biến…
Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ IV (năm 1986) khẳng định: “Phải duy trì và phát triển mạnh phong trào TNXP, vì TNXP vừa là lực lượng xung kích của thanh niên Thành phố, vừa là mô hình tốt để giáo dục, đào tạo thanh niên”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Lực lượng TNXP đã đổi mới tư duy quản lý, hình thành các doanh nghiệp TNXP, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp; nỗ lực trong đổi mới phương thức và mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các công ty thuộc Lực lượng TNXP đã tạo được vị thế trên thương trường, có uy tín và được bạn bè cổ vũ, liên kết hợp tác. Đối với nhiệm vụ kinh tế của Lực lượng TNXP, bên cạnh việc góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế Thành phố, còn là để hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ xã hội. Các doanh nghiệp TNXP tích cực hỗ trợ, hợp tác đầu tư vào các cơ sở cai nghiện để tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho học viên và người sau cai nghiện.
Các hoạt động của Lực lượng TNXP đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế và chỉnh trang đô thị. Các công trình trọng điểm về đầu tư phát triển đô thị do Thành phố giao được hoàn thành, đưa vào sử dụng và bàn giao cho các cơ quan chức năng quản lý đã góp phần tăng thêm cơ sở hạ tầng, tạo vẻ mỹ quan, văn minh hiện đại, giải quyết ách tắt giao thông ở các cửa ngõ quan trọng của Thành phố.
Về hoạt động công ích, năm 1997, theo đề nghị của Lực lượng TNXP và căn cứ vào tình hình thực tế, UBND Thành phố quyết định thành lập Công ty Dịch vụ công ích TNXP và giao cho Lực lượng TNXP quản lý. Quyết định này mở đầu cho một phương thức hoạt động mới về công ích nội thị của Lực lượng TNXP, nhằm giải quyết những vấn đề đáp ứng các sinh hoạt, đời sống hàng ngày của cư dân đô thị, nhất là loại dịch vụ khó hoặc không thể giao cho tư nhân thực hiện. Năm 2010, Công ty Dịch vụ công ích TNXP chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích TNXP, là một công ty hướng vào dịch vụ công ích đa ngành. Hiện nay, các hoạt động công ích và dịch vụ công ích được triển khai thực hiện gồm: Quản lý, bảo vệ 7.507,12ha đất rừng và rừng phòng hộ rải rác trên địa bàn các xã thuộc huyện Cần Giờ. Phối hợp tốt với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và Ban An toàn giao thông giữ gìn trật tự giao thông tại 129 giao lộ và 21 chốt giao thông, kịp thời hỗ trợ cảnh sát giao thông giải quyết nhanh các vụ ùn tắc, kẹt xe. Tổ chức thực hiện các hoạt động giữ xe 2 bánh, 4 bánh đúng giá quy định. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng tiếp tục được đầu tư mới, cải tạo nâng cấp đã và đang phát huy tác dụng, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sạch đẹp, gợi mở ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân Thành phố. Có 5 trạm cung cấp nước ngọt cho nhân dân vùng xa, vùng sâu tại huyện Cần Giờ với trên 3.260 thủy lượng kế được lắp đặt, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người dân tại Cần Giờ. Quản lý, vận hành phà Bình Khánh - Nhà Bè, Cát Lái - Nhơn Trạch (Đồng Nai) đảm bảo an toàn tuyệt đối và phục vụ ngày càng tốt cho hành khách, là một trong những bến phà trật tự, mỹ quan của Thành phố và nhiều tỉnh thành phía Nam. Đội Bảo vệ khách du lịch thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ khách du lịch; tuần tra, ngăn chặn các hành vi cướp giật, móc túi, ăn xin… tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách khi tham quan thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Công ty còn nhận và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất do Thành phố giao như giữ gìn an ninh trật tự tại các sự kiện, lễ, hội của Thành phố; tham gia cùng các lực lượng chức năng vận động người dân tụ tập khiếu kiện đông người trở về địa phương; thường xuyên tập luyện và thực binh diễn tập phòng thủ, phòng chống lụt bão, cứu nạn…

Trật tự viên bảo vệ khách du lịch hướng dẫn du khách tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1
Qua 47 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng TNXP Thành phố luôn luôn thể hiện là một tổ chức kinh tế - xã hội đặc thù, xung kích thực hiện các nhiệm vụ do Thành phố giao, vừa là nơi rèn luyện, đào tạo con người, vừa là một trường học lớn cho thanh niên như Bác Hồ đã dạy.
Kế thừa kết quả 47 năm xây dựng và phát triển, ngày nay cán bộ, đội viên của Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh luôn tự hào về thành quả mà các thế hệ TNXP thành phố đã tạo dựng nên, đồng thời tiếp tục vun đắp cho truyền thống đó ngày càng có vị thế mới, làm cho tuổi trẻ thành phố luôn tự hào với tổ chức của mình trong xã hội và làm cho tất cả những ai đã từng khoác trên người đồng phục TNXP luôn tự hào vì đã có một thời được sống, học tập rèn luyện, trưởng thành trong môi trường TNXP. Nơi mà uy tín và vị thế tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới. Học tập và làm theo tư tương, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ, Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là một “trường học lớn của tuổi trẻ” như Bác Hồ đã căn dặn.
Khánh Thiện