Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38042164
truyền thống TNXP
Phát huy vai trò “là một trường đại học, một trường học thực tế, lao động và rèn luyện”

     Cách đây 46 năm, ngày 30/4/1975, cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, trong niềm hân hoan trước cảnh đất nước thống nhất, non sông nối liền một dãy. Đất nước được hòa bình, thống nhất là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Thành phố Sài Gòn khi ấy, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, dù đã được giải phóng, nhưng ngổn ngang những khó khăn - những vùng đất bị hoang hóa; thiếu thốn nguyên liệu, nhiên liệu; thất nghiệp tràn lan, tệ nạn xã hội đầy rẫy, và cả những tàn dư của chế độ cũ cũng tích cực chống phá cách mạng. Trước thực tế đó, tiếp nối truyền thống cách mạng của cha anh, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp hàng vạn thanh niên nam, nữ có lòng nhiệt tình tham gia các phong trào cách mạng của Thành phố, chuyển các hoạt động của thanh niên vào mục đích lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại. Đó là việc làm có ý nghĩa chính trị và sâu sắc ngay sau ngày thành phố giải phóng. Những nam nữ thanh niên được tập hợp trong một tổ chức gọi là Thanh niên xung phong (viết tắt là TNXP) đã tạo nên một dòng chảy mới, cuốn trôi những tàn tích cũ, tạo nên một diện mạo mới cho Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở miền Đông, miền Tây Nam bộ.

     Từ trong lao động, thông qua lao động, từng lớp, từng lớp cán bộ, đội viên TNXP trưởng thành; Lực lượng TNXP đã trở thành một tập thể gắn bó, đoàn kết, luôn xứng đáng với niềm tin, niềm mong đợi, tự hào, sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân Thành phố. Trải qua 45 năm, kể từ ngày ra quân ở sân vận động Thống Nhất (ngày 28/3/1976), TNXP luôn là “một trường đại học, một trường học thực tế, lao động và rèn luyện”, “là một lực lượng xung kích đi đầu, một lực lượng lao động tập thể lớn, có tổ chức”.

     Trường học lớn TNXP đã giáo dục, rèn luyện và đào tạo một lớp thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão và giàu mơ ước, góp phần hình thành nên một đội ngũ lao động mới, có văn hóa, có năng lực tổ chức quản lý, kiến thức chuyên môn trên mọi lĩnh vực. Thanh niên xung phong - tuổi trẻ ở đô thị và lớn lên trong môi trường xã hội đường phố đông đúc - đã đi đến những nơi vắng vẻ, gian khổ và thiếu thốn, tham gia những công việc lần đầu tiên được được biết đến và đã tích cực làm tốt nhiệm vụ được giao.

     Trong những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bàn tay lao động của TNXP Thành phố đã tác động vào những nơi hoang hóa, đầm lầy, cỏ hoang để biến thành những vùng sinh thái nông nghiệp xanh tươi bền vững; đào những con kênh tháo phèn, chống úng, tưới tiêu, đắp đê…, tạo nên những dòng kênh xanh đưa nước mát đến những cánh đồng; biến những mảnh đất hoang thành ruộng mì, bãi mía, bãi ngô, thơm và các loại cây ăn trái khác, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia công trình kênh tưới Ba Gia

      TNXP cũng là những người trực tiếp tạo nên môi trường sống thuận lợi và khởi đầu sự nghiệp cho những người dân Thành phố đi kinh tế mới từ những ngày đầu gian khổ nhất như: khai hoang, san đất, đắp đất làm nền và xây nên những ngôi nhà mới, tiếp đón các hộ di dân; làm chỗ dựa về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đi kinh tế mới. TNXP còn giúp dân hiểu rõ chính sách kinh tế mới của Nhà nước để không nghe theo những luận điệu phao tin đồn nhảm gây bất an cho cuộc sống nơi quê hương mới.

     Trường học lớn TNXP đã đào tạo nên những con người có trái tim nồng cháy, biết yêu tha thiết đất nước quê hương, biết biến đau thương thành hành động. Nhiều TNXP đã viết đơn tình nguyện, có những lá đơn viết bằng máu, để xin được ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc khi nghe tin Pôn Pốt giết hại đồng bào ta ở vùng biên giới Tây Nam. Các liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí là những đơn vị đầu tiên của TNXP được ra chiến trường phục vụ chiến đấu. Từ tháng 11/1977, trên mặt trận biên giới Tây Nam, TNXP Thành phố có mặt nhiều hơn, nhiệm vụ cũng đa dạng và khó khăn hơn. Bàn tay chai cầm leng, cầm cuốc trên nông trường ngày nào giờ thêm những vết chai mới khi cùng bộ đội làm đường, chống lầy, làm ngầm, làm cầu cho xe cơ giới ra chiến trường. Những vết chai mới được hình thành khi TNXP thực hiện nhiệm vụ tiếp lương, chuyển đạn dược, vũ khí ra chiến trường, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau và xây dựng công sự phòng thủ, có khi cùng bộ đội cầm súng trực tiếp đánh địch. Nhiều nữ TNXP trầm mình dưới nước nhiều đêm liền để bắt cầu, làm cống, đắp đường. Có những TNXP đã nhịn đói, chịu khát, giữ bí mật, vượt rừng sâu bám sát bộ đội để truy quét địch. Có đơn vị TNXP rơi vào vòng vây của quân thù vẫn bình tĩnh giữ vững đội hình, mưu trí luồn rừng, nổ súng quyết liệt đánh trả, thoát khỏi vòng vây an toàn và hoàn thành nhiệm vụ.

     Trong thời gian hơn một năm đầy thử thách, hy sinh trên chiến trường biên giới Tây Nam (từ cuối năm 1977 đến tháng 9/1979), TNXP Thành phố đã hoàn thành 2 nhiệm vụ lớn: tham gia cùng bộ đội bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc và cùng với bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Trên chiến trường biên giới Tây Nam, TNXP là lực lượng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thương binh, trợ giúp đắc lực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả nhất và còn là đội dự bị quân số cho các đơn vị bộ đội chủ lực khi có yêu cầu. Trong gian khổ, giữa cái sống và cái chết trên chiến trường, TNXP vẫn giữ được một niềm tin vững chắc, một tư thế rất mực đường hoàng. TNXP đã chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bằng cả trái tim và tình yêu quê hương đất nước.

Chống lầy tại chiến trường biên giới Tây Nam

     Trường học thực tế, lao động và rèn luyện ấy đã giúp thanh niên thành con người mới, cùng xung kích giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Hoàn cảnh, thành phần xã hội của đội viên TNXP lúc ban đầu không giống nhau - có những người là những thanh niên đang khao khát cống hiến, làm việc, nhưng cũng có thể là những thanh niên thị dân, là những học sinh, sinh viên, những thanh niên bị “địch bắt lính”; nhưng, thực hiện thông điệp của đồng chí Võ Văn Kiệt “hòa hợp dân tộc và không phân biệt đối xử với những ai có lý lịch xấu” vì “không ai chọn cửa mà sinh ra”, tất cả những người trẻ ấy được tập hợp trong một tổ chức đoàn kết và thống nhất về ý chí, hành động, có lý tưởng, lối sống đẹp. Họ đã trở thành những thanh niên mới, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hăng hái nhận lấy những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ. Họ đã chiến thắng trên tất cả các mặt trận, từ khai hoang, sản xuất đến các hoạt động kinh tế. Như nhận xét của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Đại hội Thanh niên tiên tiến xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 03/3/1977: “Nhiều đồng chí lúc mới ra đi chưa xác định rõ nhiệm vụ, nay đã nhận thức sâu sắc vai trò và nhiệm vụ… Từ chỗ tổ chức kỷ luật, sinh hoạt nội quy lúc ban đầu còn lỏng lẻo, tác phong sinh hoạt của nhiều người còn mang nặng lối sống cũ, riêng lẻ, cá nhân, ích kỷ, chỉ biết sống cho mình và vì mình thì nay tổ chức cơ bản đã ổn định, nội quy sinh hoạt, kỷ luật chặt chẽ hơn, nhiều đồng chí tha thiết gắn bó với tập thể, coi tập thể là nhà, và có nhiều thay đổi, tiến bộ lớn cả trong tác phong sinh hoạt, nếp nghĩ, nếp sống, gạt bỏ dần hoặc từ bỏ hẳn những thói hư, tật xấu”.

      Không chỉ giáo dục cho những người cùng chung đội ngũ, TNXP còn giáo dục những thanh niên bị xem là tệ nạn xã hội, khiếm khuyết nhân cách, giúp đỡ để họ trở thành công dân lương thiện, thành người có ích. Qua mô hình đầu tiên là Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới, và sau này là các trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm, Lực lượng TNXP Thành phố là “trường học làm lại con người”, thực hiện nhiệm vụ là vừa cải tạo, giáo dục đối tượng quản lý vừa tự cải tạo, rèn luyện mình để làm gương cho học viên cai nghiện noi theo. TNXP là người lao động nghiêm túc và có kỷ luật, người thầy dạy học văn hóa, người chuyên viên hướng dẫn nghề, người chủ trì các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao và giải quyết những va chạm giữa các học viên. Đối với học viên, hình ảnh người TNXP là một mẫu người mà họ sẽ phấn đấu noi theo để được công nhận kết quả rèn luyện, được tái hòa nhập cộng đồng, xã hội một cách thuận lợi. Từ đó đến nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên tệ nạn xã hội là một trọng tâm công tác của Lực lượng TNXP, được thực hiện với phương châm “Tình thương và trách nhiệm” và “Người đi trước rước người đi sau”.  Từ không quen lao động, đa số học viên đều tham gia lao động với nhiều loại hình sản xuất phù hợp với khả năng, sức khỏe; từ lao động vừa với mục đích trị liêu, phục hồi sức khỏe tiến đến lao động có thu nhập như: trồng, chăm sóc cà phê, khoai mì, trồng rau, củ, quả, chăn nuôi, gia công hàng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…; từ sống buông thả, khiếm khuyết về nhân cách, qua cuộc sống tập thể, thông qua lao động, học tập, rèn luyện, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao…, đa số học viên đều làm việc và sinh hoạt có kỷ luật, có lối sống lành mạnh, biết tôn trọng tổ chức kỷ luật đơn vị, biết yêu thương bạn bè, cha mẹ, người thân, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

     “Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên những con người luôn năng động, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, kể cả những công việc chưa có tiền lệ. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa xin chủ trương, cơ chế trước những vấn đề mới phát sinh, không chỉ trong các hoạt động xã hội mà cả trong các hoạt động kinh tế. Đầu những năm 1980, có nhiều yếu tố tác động đến sự tồn tại và phát triển của Lực lượng TNXP. Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong cả nước về xóa bỏ cơ chế kinh tế bao cấp, vì vậy, có khuynh hướng tư duy cho rằng: TNXP là một gánh nặng cho ngân sách, cần phải xóa bỏ. Cũng có ý kiến cho rằng, TNXP không đủ khả năng làm kinh tế và không có tư cách pháp nhân để làm kinh doanh. Trên thực tế, trong thời gian này, tất cả các đơn vị của TNXP ở các tỉnh bạn đã lần lượt giải thể hoặc chuyển đổi, tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố vẫn tiếp tục cho duy trì Lực lượng TNXP. Không phụ lòng tin của lãnh đạo Thành phố, Lực lượng TNXP đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức; thành lập các Tổng đội mới trên cơ sở nhập lại các Tổng đội cũ để trồng cây công nghiệp, trồng thơm, trồng mía, sản xuất lương thực tự túc; thành lập các nông trường, lâm trường để tham gia thực hiện nhiệm vụ kinh tế; thành lập các xí nghiệp, xưởng thực hiện nhiệm vụ sản xuất công nghiệp; thành lập các tổng đội cơ động tham gia thi công các công trình trọng điểm của Thành phố như: công trình thủy nông Kênh Đông - Củ Chi, dọn trắng lòng hồ công trình thủy điện Trị An. Về nhiệm vụ xây dựng vùng kinh tế mới kết hợp với nhiệm vụ giáo dục thanh niên chậm tiến và tệ nạn xã hội, Lực lượng TNXP thực hiện mô hình trường Giáo dục Lao động công - nông nghiệp gắn với nông trường để vừa giải quyết nhu cầu lao động cho các nông trường, vừa nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động và học viên; đồng thời cũng là đầu ra cho học viên tiến bộ của các trường trở thành nông trường viên.

     Sau năm 1986, tư tưởng chủ đạo của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI về đổi mới tư duy kinh tế, xóa bao cấp, thực hiện cơ chế hạch toán kinh doanh… lan tỏa nhanh chóng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi cả nước. Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ IV khẳng định nhiệm vụ: “Phải duy trì và phát triển mạnh phong trào thanh niên xung phong, vì thanh niên xung phong vừa là lực lượng xung kích của thanh niên Thành phố, vừa là mô hình tốt để giáo dục, đào tạo thanh niên”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, và căn cứ vào các quy định hiện hành lúc bấy giờ, Lực lượng TNXP áp dụng thực hiện hai cơ chế hạch toán: cơ chế hạch toán kinh doanh độc lập và cơ chế được cấp kinh phí Nhà nước và có thu. Cơ chế thứ nhất dành cho nhiệm vụ phát triển kinh tế; đó là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn mới và là nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ kinh phí cho nhiệm vụ xã hội. Cơ chế thứ hai dành cho nhiệm vụ xã hội nhằm giáo dục cho thanh niên chậm tiến của Thành phố, giúp họ trở thành công dân tốt. Trước đây, nhiệm vụ này hoàn toàn được chính quyền Thành phố bao cấp, nay Lực lượng TNXP phải tổ chức cho học viên lao động sản xuất tại chỗ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa để có thêm nguồn thu, góp phần cải thiện đời sống cho học viên.

     Hoạt động của các đơn vị trực thuộc Lực lượng TNXP là cơ sở thực tiễn, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ về kinh tế. Nông trường Nhị Xuân là một trong những đơn vị kinh tế đầu tiên của Thành phố thực hiện thành công khoán khối lượng và khen thưởng bằng tiền mặt cho người lao động, là một trong những đơn vị kinh tế đầu tiên thực hiện chủ trương của Thành phố về xóa bao cấp và xây dựng nông thôn mới bằng con đường “bung ra sản xuất” theo chế độ hạch toán, góp phần hình thành tư duy kinh tế mới. Nông trường dừa Đỗ Hòa là nơi trồng cây thử nghiệm ở môi trường hoang hóa sình lầy ven biển ngập mặn, thiếu nước ngọt trầm trọng; nơi vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nông trường Thanh niên Duyên Hải là nơi TNXP cùng lao động với những thanh niên chậm tiến để giáo dục họ thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội; đội viên TNXP và học viên Nông trường Thanh niên Duyên Hải là lực lượng chủ yếu để khôi phục rừng đước, góp phần hình thành rừng phòng hộ Cần Giờ; tham gia xây dựng đường Rừng Sác nối liền vùng ven biển Cần Giờ với nội thành trong kế hoạch chung của tuyến đường dài 36 km do Thành phố huy động. Lâm trường Lý Nhơn được xây dựng với nhiệm vụ là khai phá đất ngập mặn hoang hóa để trồng cây đước và thực hiện các phương án bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Cần Giờ. Các nông - lâm trường ở Nam Tây nguyên cùng thực hiện chương trình hợp tác kinh tế giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đăk Lăk với các nhiệm vụ như: khai hoang, phục hóa, sản xuất nông lâm nghiệp, giáo dục thanh niên chậm tiến, chăm sóc, trồng rừng và khai thác lâm sản.

        “Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên một tập thể xung kích, tham gia tích cực và hiệu quả trong lĩnh vực công ích nội thị. Năm 1997, theo đề nghị của Lực lượng TNXP và căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn Thành phố lúc bấy giờ, UBND Thành phố quyết định thành lập Công ty Dịch vụ công ích TNXP và giao cho Lực lượng TNXP quản lý. Quyết định này mở đầu cho một phương thức hoạt động mới về công ích nội thị của Lực lượng TNXP, nhằm giải quyết những vấn đề đáp ứng các sinh hoạt, đời sống hàng ngày của cư dân đô thị, nhất là loại dịch vụ khó hoặc không thể giao cho tư nhân thực hiện. Năm 2010, Công ty Dịch vụ công ích TNXP chuyển thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP, là một công ty TNXP hướng vào dịch vụ công ích đa ngành.

     Đó là việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7.628,26ha đất rừng và rừng phòng hộ rải rác trên địa bàn các xã thuộc huyện Cần Giờ, góp phần bảo vệ Rừng Sác, lá phổi xanh của Thành phố và là một trong những Khu dự trữ sinh quyển của thế giới do UNESCO xác lập. Phối hợp tốt với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ giữ gìn trật tự giao thông tại 173 chốt, giao lộ trên địa bàn Thành phố, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông tại Thành phố. Tổ chức thực hiện các hoạt động giữ xe 2 bánh, 4 bánh đúng giá quy định, góp phần ổn định giá giữ xe, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết và chào mừng các sự kiện lớn quy tụ đông người của Thành phố. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng tiếp tục được đầu tư mới, cải tạo nâng cấp đã và đang phát huy tác dụng, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sạch đẹp, gợi mở ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân Thành phố. Có 5 trạm cung cấp nước ngọt cho nhân dân vùng xa, vùng sâu tại huyện Cần Giờ với trên 3.132 thủy lượng kế được lắp đặt, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người dân tại Cần Giờ. Quản lý, vận hành phà Bình Khánh - Nhà Bè,  Cát Lái - Nhơn Trạch (Đồng Nai) đảm bảo an toàn tuyệt đối và phục vụ ngày càng tốt cho hành khách. Đội Bảo vệ khách du lịch thuộc Công ty thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ khách du lịch; tuần tra, ngăn chặn các hành vi cướp giật, móc túi, ăn xin… tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách khi tham quan thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các hoạt động trên, Công ty còn tổ chức thí điểm dịch vụ về vận tải hành khách công cộng như: thí điểm tuyến xe buýt đưa đón học sinh; nhận và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất do Thành phố giao như giữ gìn an ninh trật tự tại các sự kiện, lễ, hội của Thành phố; tham gia cùng các lực lượng chức năng vận động người dân tụ tập khiếu kiện đông người trở về địa phương, chống đình công trái pháp luật; thường xuyên tập luyện và thực binh diễn tập phòng thủ, phòng chống lụt bão, cứu nạn…

      “Trường học lớn” ấy đã góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh mang đậm chất nhân văn. Trong những ngày đầu mới thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng với tinh thần “Không có việc gì khó. Quyết chí ắt làm nên”, TNXP đã phát động phong trào thi đua và tổ chức học văn hóa sôi nổi ở các đơn vị, cho ra đời Tập san Tuyến đầu, thành lập đội văn công, các nhóm ca khúc chính trị, tổ chức sáng tác văn, thơ, nhạc, viết báo tường, hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Các hoạt động trên đã lôi cuốn hầu hết cán bộ, đội viên TNXP tham gia. Nhờ có phong trào văn hóa văn nghệ, học tập văn hóa lan rộng trong các đơn vị TNXP mà từng bước hình thành nên những dòng nhạc, lời ca, bài thơ, vở kịch, bộ phim mang sắc thái riêng phản ánh đời sống hiện thực của TNXP. Chính từ các phong trào văn hóa, văn nghệ của TNXP đã nuôi dưỡng và sản sinh ra một đội ngũ những người làm công tác văn học, nghệ thuật, báo chí trên địa bàn thành phố như mong muốn của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Mong các nhà nhạc soạn nhạc được tuổi trẻ yêu mến sáng tác những bài ca về TNXP thật hấp dẫn, ngắn, dễ hát, nổi gió lên được, mang tâm tình sâu nhất của thanh niên và hơi thở lớn của phong trào. Một bài hát mà tuổi trẻ thành phố này đời đời sẽ hát”. Đồng thời, trong sâu thẳm suy tư của mình, “Tôi rất muốn các em có một kiểu đồng phục đẹp hơn và tiện hơn, huy hiệu đội và hình thức đội vừa có thẩm mỹ, vui mắt, ưa nhìn”.

      Đáp ứng mong muốn đó, trong 45 năm qua, TNXP thành phố đã không ngừng nỗ lực tổ chức các phong trào văn hóa quần chúng đi sâu phản ánh các mặt hoạt động của TNXP, thu hút hàng ngàn người yêu văn học nghệ thuật không chuyên và hàng trăm nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ cùng đồng hành tham gia sáng tác hàng ngàn tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, như các ca khúc: Là thanh niên xung phong, tác giả Phan Huỳnh Điểu; Một thời đẹp nhất, tác giả Trương Quang Lục; Khúc hát người đi khai hoang, tác giả Lê Giang - Lư Nhất Vũ; Em ở nông trường, em ra biên giới, tác giả: Trịnh Công Sơn; Những bông hoa trên tuyến lửa, thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Nguyễn Cửu Dũng; Đêm rừng ĐắkMin, tác giả Nguyễn Đức Trung; truyện Ngọc trong đá của tác giả Đông Thức… Các tác phẩm đã phản ánh một cách tương đối sinh động các mặt hoạt động của Lực lượng TNXP, nhờ đó mà nhân dân cả nước biết về Lực lượng TNXP thành phố. Cũng theo sáng kiến và đề xuất của Lực lượng TNXP Thành phố, Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đồng ý cho Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đồng phục mới TNXP, đây cũng như một cách thể hiện những ý tưởng của chú Sáu Dân cách nay gần 45 năm thành hiện thực.

     Năm 2004, Bản tin TNXP xuất bản số đầu tiên; năm 2009, website Lực lượng TNXP bắt đầu vận hành; năm 2019, trang “Áo xanh Tp. Hồ Chí Minh” trên nền tảng facebook chính thức hoạt động và chương trình phát thanh “Chúng tôi là TNXP” phát trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các kênh thông tin giới thiệu hoạt động của Lực lượng TNXP trên các lĩnh vực, đồng thời là nơi để cán bộ, viên chức, người lao động, cựu TNXP và học viên cai nghiện chia sẻ tâm tư, tình cảm. Nhóm ca “Áo xanh TNXP” giới thiệu đến công chúng những bài hát về TNXP. Các đơn vị cơ sở đều có sân bóng đá, bóng chuyền, hệ thống phát thanh nội bộ… tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.   

     Với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, năm 1986, Lực lượng TNXP Thành phố đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Năm 2006, kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng TNXP Thành phố được nhận bức trướng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” lần thứ hai. Ngày 31 tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2011/NĐ-CP về tổ chức và chính sách đối với Thanh niên xung phong. Năm 2016, Lực lượng TNXP được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba nhân kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển. Lực lượng TNXP cũng được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”.

     Thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển của Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh: Lực lượng TNXP do Đảng lãnh đạo không chỉ là một tổ chức thanh niên tình nguyện thích hợp trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn là một tổ chức tình nguyện có nhiều khả năng thích ứng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ hậu chiến. Trước những đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn, Lực lượng TNXP luôn không ngừng vừa làm, vừa nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách; vừa phải năng động, sáng tạo tìm cách làm mới cho phù hợp. Vinh dự lớn cho Lực lượng TNXP Thành phố là được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của Lực lượng TNXP vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thành phố, của đất nước. Những trang sử vẻ vang của Lực lượng TNXP được viết nên bằng sức lực, trí tuệ và cả xương máu của các thế hệ TNXP Thành phố. Tự hào về người sáng lập ra Lực lượng TNXP Thành phố, tự hào về người đội viên danh dự Võ Văn Kiệt với phong cách năng động, sáng tạo, với những tư duy mới, với bầu nhiệt huyết rực cháy trong tim người chiến sỹ cách mạng đã truyền lửa nhiệt tình, gieo niềm tin, niềm tự hào vào tuổi trẻ thành phố, Lực lượng TNXP luôn chung sức, chung lòng cùng nhau đoàn kết vun đắp cho truyền thống của tổ chức TNXP Thành phố ngày càng có vị thế mới, đặc biệt là làm cho tất cả những ai đã từng khoác trên người đồng phục luôn tự hào vì đã có một thời được sống, học tập rèn luyện, trưởng thành trong môi trường TNXP.

      Kết quả quá trình xây dựng và phát triển của Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh trong 45 năm qua là minh chứng thực tiễn sinh động tư tưởng của Bác về “Trường học lớn thanh niên xung phong” trong giai đoạn xây dựng đất nước, trong thời kỳ đổi mới. Thanh niên xung phong là một “Trường học lớn” mà “Ở trường học ấy, miệng nói, tay làm, lý luận gắn liền với thực hành” như lời Bác Hồ dạy. Lực lượng TNXP sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố có chất lượng sống tốt, xứng đáng với lời khen tặng của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Thanh niên xung phong, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của thành phố mới”.

                                                                                                                        Thủy Triều

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn