Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38063273
truyền thống TNXP
Về lại Nông trường xưa

        Tôi may mắn có dịp theo chân các nữ cựu TNXP Nông trường Lê Minh Xuân về thăm lại nơi đóng quân xưa. Những cái tên Nông trường như Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Phạm Văn Cội,… giờ đây đã trở thành kỷ niệm. Đó là nơi thấm đẫm  những giọt mồ hôi nghĩa tình và cả máu của lớp lớp TNXP đến khai hoang, sản xuất.

       Sau lễ xuất quân năm 1976, TNXP được điều động đến những vùng đất bị chiến tranh tàn phá, trong đó có Nông trường Lê Minh Xuân, kéo dài từ khu vực cầu Tân Tạo đến khu vực Bát Bửu Phật đài (người dân thường gọi là phật Cô Đơn), xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Giờ đây, Nông trường không còn nữa, diện tích đất cũng chuyển đổi đơn vị quản lý, chỉ còn lại một vài dãy nhà mà trước đây gọi là Nông trường bộ (các phòng quản lý Nông trường) đã cũ kỹ, không người ở.

Hội trường của Nông trường Lê Minh Xuân ngày trước

       Dân cư đến lập nghiệp ngày một nhiều, cảnh vật cũng thay đổi, nhưng khi vừa đặt chân về lại chốn xưa, bao kỷ niệm chợt ùa về trong ánh mắt các nữ cựu TNXP. Cô Nguyễn Ngọc Thúy có 28 năm gắn bám Nông trường nhìn khắp một lượt rồi chỉ đây là phòng Tài vụ, kia là phòng Cung tiêu, phòng Thủy nông, phía đó là phòng Tổ chức, Đoàn Thanh niên, còn đó là Hội trường và sân bóng… Theo lời cô kể, những ngày đầu, Nông trường chỉ là mảnh đất rộng lớn, hoang vu với đầy cỏ năng, cây tràm, lao sậy,… và hố bom. Nước phèn trở thành “đặc sản” của Lê Minh Xuân. TNXP Thành phố đổ quân theo từng đợt và chính thức được sáp nhập trở thành công nhân trên Nông trường ngày 25/8/1978. Với sức trẻ của thanh niên, họ tham gia xây dựng Nông trường từ việc chặt tranh, tre về xây lán trại đến vét lòng kênh, dẫn nước, trồng thơm, trồng mía,... Khi đã trở thành công nhân của nông trường, cách sinh hoạt của mọi người vẫn mang đậm chất tập thể của TNXP. Nông trường Lê Minh Xuân được ví là cánh chim đầu đàn trong các Nông trường của TNXP vì có diện tích lớn và lao động đạt hiệu quả cao. Cô cho biết thêm, ngày trước gia đình cô định cư ở nước ngoài nhưng cô lại quyết định một mình ở lại quê hương để đi TNXP. Mọi người bảo cô “mê đất phèn” vì sau khi xuất ngũ, cô lập gia đình và ở hẳn tại Lê Minh Xuân. Tuy sống ở gần Nông trường bộ nhưng mỗi lần có dịp cùng đồng đội đi ngang qua đây, cô đều có cảm giác bồi hồi nhớ khi về một thời lao động hăng say của hàng ngàn thanh niên công nhân trên Nông trường.

 

Các cô cựu TNXP nhớ lại kỷ niệm xưa

       Sau khi thăm lại Nông trường bộ, các cô đến kênh B cách đó khoảng 15 phút đi xe máy. Không thể ngờ rằng, con đường trải nhựa phẳng mà chúng tôi đang đi, ngày trước là con đường đất, sình lầy trơn trượt mỗi khi mưa xuống. Bao bước chân TNXP không mỏi đã nối tiếp nhau hàng ngày ra hiện trường lao động trên những con đường ấy. Theo các cô, bờ kênh rộng khoảng 4 mét, cạnh bờ kênh B ngày trước là cánh đồng trồng thơm của Nông trường, sau này là trồng mía. Thơm là nông phẩm vừa phục vụ đời sống vừa là nguồn hàng xuất khẩu trên Nông trường chuyên canh. Công nhân Nông trường được phân vào các đội sản xuất dọc các tuyến kênh. Hàng ngày, họ làm việc 8 tiếng, những đợt vào mùa chiến dịch để tăng năng suất, anh chị em công nhân thường tình nguyện làm thêm giờ. Vào những năm xảy ra chiến tranh trên biên giới Tây Nam, ngoài thời gian lao động, anh chị em công nhân còn hăng hái luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu.

 Nơi trồng thơm trước đây của Nông trường

       Không những đi thăm những địa điểm của Nông trường xưa, đoàn chúng tôi còn đến thăm một số gia đình cô chú công nhân Nông trường ở lại Lê Minh Xuân lập nghiệp. Có thời gian trò chuyện, tôi nhận ra tình cảm anh em, đồng đội gắn bó của các cô chú vẫn được nuôi dưỡng cho đến hôm nay. Cô Trần Thị Kim Liên nhớ lại: “Ngày xưa cô đi TNXP khi mới 15 tuổi. Cô chỉ nghe tuyên truyền đi “Xây dựng cuộc sống mới” nên tham gia cho vui, nhưng không ngờ sau ngày tháng làm việc, sinh hoạt tập thể, anh chị em lại thương yêu đùm bọc nhau như anh em một nhà. Ngày đó, tuần làm việc 6 ngày trên Nông trường, đầu tóc ai cũng nắng cháy, da thì đen thui. Ăn uống đơn giản, bo bo, bột mì làm bánh ăn độn cơm, vậy mà anh em nhường nhịn nhau. Mỗi chiều, sau giờ lao động, cô và mấy anh chị trong Đội thường ra bờ kênh ca hát. Chủ nhật về thăm nhà, ai có bánh, trái cây là mang ra chia cho mọi người. Ở đó, mọi người còn được rèn luyện nếp sống kỷ luật, tinh thần tập thể như quân đội: Thời gian lao động, nghỉ ngơi được quy định rõ ràng; buổi sáng phải tập thể dục, đến giờ lao động thì xếp hàng dài để ra hiện trường,...”.

Các cô cựu TNXP thăm lại Kênh B

Nông trường như ngôi nhà thứ hai. Chính vì vậy mà cô Phạm Thị Hồng Nhung chẳng muốn rời xa. Cô kể: “Có lần cô được cho về phép để về nhà lấy thêm quần áo, nhưng cô chỉ ghé nhà rồi đi vội, không cho ai biết vì sợ má không cho đi nữa. Ngày làm việc, đêm sinh hoạt tập thể, đánh đàn ca hát giữa khung cảnh thiên nhiên đã góp phần tạo nên những chàng trai, cô gái rắn rỏi, biết sống vì mọi người”. Ở cái tuổi ngoài năm mươi nhưng các cô, chú rất vui tươi, khỏe khoắn. Khi được hỏi bí quyết thì các cô chú cười, nói đó là nhờ đi TNXP. Cô Kim Liên cho biết, thanh niên ngày xưa tuy gầy nhưng ai cũng khỏe. Cô thời đó cũng chỉ hơn 40 kg nhưng có thể cặp bao phân 50 kg đi rãi cho liếp thơm dài khoảng 200 mét. Còn cô Đặng Thị Sương thì nhờ những ngày đi lao động mà biết bơi vì phải qua nhiều con kênh mà không có cầu bắt qua, đi đường vòng lại mất thời gian nên để kịp tiến độ, cô đã học bơi qua các con kênh. Một ngày về lại thăm lại Nông trường xưa, bao câu chuyện thắm đượm tình đồng đội cứ nối tiếp nhau như dòng suối nguồn.

          Ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy những tuyến kênh A, kênh B, kênh C,… thẳng tắp khi đến Lê Minh Xuân, đó là minh chứng còn lại của TNXP tham gia đào kênh phục vụ sản xuất. Nhờ sự góp sức lao động của các nông trường viên TNXP mà mảnh đất Lê Minh Xuân dần thay da đổi thịt; điện, đường, trường trạm phát triển. Cô Nguyễn Thị Xuân vui mừng chia sẻ: “Ước mơ của thế hệ thanh niên Thành phố những năm 1976 đã thành hiện thực. Điều kiện cơ sở vật chất ở đây đã được nâng cao, đặc biệt là người dân đến lập nghiệp đã có nước ngọt sinh hoạt. Ngày xưa ở đây nước ngọt rất quý vì toàn nước phèn, anh em ở Nông trường phải chắt chiu từng ca nước ngọt để sử dụng”.

Các cựu TNXP Lê Minh Xuân chụp hình lưu niệm

        Lê Minh Xuân hôm nay không còn những đoàn người với cuốc xẻng trên tay đi đào kênh hay trồng thơm nữa mà thay bằng đoàn người đến nhà máy, khu công nghiệp hiện đại. Thành quả đó là nhờ sự góp phần không nhỏ của những thanh niên công nhân Nông trường đã hồi sinh vùng đất hoang hóa. Dù cuộc sống có nhiều sự thay đổi thì tình cảm và kỷ niệm của những nông trường viên ngày nào vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy mãi. Ngọn lửa ấm áp ấy của các cô chú đã và đang truyền mãi cho thế hệ TNXP mai sau tiếp bước.

 Bài: Thảo Nghi - Ảnh: Hoàng Vân

 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn