Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38079509
truyền thống TNXP
Đồng chí Mai Chí Thọ với Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố

(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ)

      Từ năm 1975 đến 1985 là thời kỳ cả Thành phố tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, là thời kỳ khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, xóa vành đai trắng thành lập vành đai xanh ngoại thành, xây dựng vùng kinh tế mới, giải quyết nguy cơ nạn đói ở nội thành, huy động toàn dân tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và phát triển kinh tế theo cơ chế hạch toán. Quá trình xây dựng và phát triển của Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Thành phố trong 10 năm đầu gắn liền với giai đoạn này của Thành phố và đạt được những kết quả tích cực. Đây cũng là thời gian đồng chí Mai Chí Thọ - nhà lãnh đạo tài năng giữ vị trí lãnh đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng TNXP Thành phố thường xuyên nhận được sự chỉ đạo sâu sát, thiết thực của đồng chí Mai Chí Thọ.

      Nếu đại thắng mùa xuân 1975 đã đem lại thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn cho cách mạng thì những hậu quả của chiến tranh cũng để lại gần như nguyên vẹn. Sự tương phản này báo trước tính chất phức tạp, gay gắt và không kém phần gian khổ của quá trình xây dựng lại đất nước nói chung và Thành phố nói riêng. Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 24 (tháng 9/1975) chỉ rõ: “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả nước là ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tích cực đưa nền kinh tế nước ta tiến hành lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Thực hiện Nghị quyết này, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Thành Đoàn đã nhanh chóng chuyển phong trào thanh niên vào mục tiêu trọng tâm là lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh và tham gia đấu tranh xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp. Kinh nghiệm thực tiễn và phong phú của phong trào thanh niên trong kháng chiến cho thấy TNXP là loại hình hợp lý và đúng quy luật nhất để tập hợp thanh niên thực hiện những mục tiêu trên.

      Ngày 5/7/1975, Thành Đoàn đã tổ chức 4 đại đội, gồm 500 đoàn viên tự vệ của Thành Đoàn, hình thành đơn vị TNXP tập trung đầu tiên, tham gia công tác khai hoang phục hóa, thủy lợi, xây dựng các khu giản dân của Thành phố. Từ tháng 8 đến tháng 10/1975, thêm 300 thanh niên tình nguyện làm thủy lợi tại khu nông trường Lê Minh Xuân ở ngoại thành. Ngày 17/3/1976, với 20 đoàn viên thanh niên làm nòng cốt, 200 nam nữ thanh niên của Quận 10 và quận Tân Bình được tổ chức thành 2 đại đội TNXP kinh tế mới đầu tiên, thuộc Ban Khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới Trung ương, tiến vào xây dựng 2 khu kinh tế mới Bàu Trư (Sông Bé) và Phước Minh (Tây Ninh).

      Ngày 28/3/1976, 10.000 thanh niên Thành phố đã tập hợp dưới ngọn cờ TNXP, cùng tham gia nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Thanh niên xung phong thuộc Tổng đội TNXP Thành Đoàn và Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới đã cùng nhau rời bỏ cuộc sống thị thành, đến những nơi xa xôi để làm sống lại những vùng đất đã bị hoang hóa, xây dựng những vành đai xanh thay cho vành đai trắng, trắng đất đai, trắng tài sản. Thanh niên xung phong – những chiến sĩ cách mạng trẻ khỏe của thời đại mới, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ văn hóa được nâng cao, năng lực tổ chức thực hiện giỏi và có nếp sống văn minh lành mạnh. Không những làm chủ được bản thân mình, làm chủ tập thể mà thanh niên xung phong còn tham gia cải tạo thiên nhiên và cải tạo xã hội. Trong công tác, Thanh niên xung phong dám chấp nhận và biết khắc phục, vượt qua nhiều khó khăn vì tương lai hạnh phúc của mọi người. Trong lao động sản xuất, Thanh niên xung phong còn chia nhau từng ngụm nước, có khi ăn chưa đủ no, ngủ chưa đủ giấc vì nhà chưa đủ kín, đất làm lạnh lưng. Thanh niên xung phong đã thông cảm, nhường cho nhau từng chiếc áo, trao cho nhau từng bộ đồ để mặc lúc có dịp trở về thăm Thành phố.

Lao động trên công trình thủy lợi Tam Tân     

      Trong lao động, Thanh niên xung phong đã có nhiều phong trào thi đua, nhiều sáng kiến để đẩy nhanh tiến độ cải tạo các vùng đất hoang hóa. Từ tháng 3/1976 đến tháng 9/1977, 2 Tổng đội TNXP đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng như:

      Về thủy lợi, hoàn thành kênh tiêu tháo phèn chống úng ở khu vực nông trường Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Cội. Con kênh dài 8.346m ở Tam Tân – Thái Mỹ tưới cho 4.600ha cao lương đã được đào đắp; đê ngăn mặn ở Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi đã được đưa vào sử dụng. Tổng số công huy động là 554.802 công để đào 604.413m3 đất và vận chuyển 227.653 bao cát xây bờ cho 78km kênh mương.

      Về xây dựng cơ bản, xây dựng được gần 2.000 căn nhà các loại, đắp gần 1.000 nền nhà, dựng 375 sườn nhà, đào 389 giếng nước.

      Về khai hoang phục vụ sản xuất, TNXP tiến quân vào những vùng còn hoang hóa, với quyết tâm ra quân để chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người và đem lại màu xanh trên vùng đất mới. TNXP là lực lượng đầu tiên xây dựng mô hình kinh tế nông trường của Thành phố, như các nông trường: Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Xuân Thới Sơn…

      Về xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TNXP là lực lượng tích cực và duy nhất hỗ trợ cho các địa phương xây dựng các xã kinh tế mới, góp phần ổn định cho 46 xã kinh tế mới trong tổng số 82 xã của miền Đông Nam bộ. Chỉ sau một tháng hỗ trợ đồng bào xây dựng kinh tế mới, Thanh niên xung phong đã phát hoang 728ha, cất mới 4.030 ngôi nhà, đào 13.046 giếng nước, đào đắp 25.967m đê và 80km đường bộ, giúp dân gieo trồng kịp thời vụ 2.313ha, hỗ trợ 13.000 hộ gia đình ổn định chỗ ở.

      Gần 2 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, từ buổi ra quân đầu tiên mà Đảng bộ cùng đồng bào Thành phố tiễn đưa thanh niên Thành phố trong màu áo Thanh niên xung phong lên đường làm nhiệm vụ, nhiều người đã trưởng thành hơn, có sự tiến bộ vượt bậc. Sự tiến bộ ấy, theo đồng chí Mai Chí Thọ, “đó là hình ảnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là truyền thống của dân tộc chúng ta”.

      Tháng 3/1978, toàn miền Nam thực hiện chủ trương của Trung ương về cải tạo tư sản thương nghiệp mà trọng điểm của công tác này là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều tư sản thương nghiệp lớn đang lũng đoạn thị trường và đầu cơ tích trữ. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, TNXP tham gia công tác cải tạo tư sản thương nghiệp, truy quét bọn lưu manh làm ăn bất chính ở các chợ trời. Nhiều Thanh niên xung phong giữ vững sự liêm khiết, kiên quyết không nhận tiền, vàng hối lộ. Đồng chí Mai Chí Thọ đánh giá cao kết quả thực hiện nhiện vụ này của TNXP. Đồng chí nhận định: “Bước đầu các em đã làm tốt nhiệm vụ. Nếu trên chiến trường, trên mặt trận lao động sản xuất các em luôn nỗ lực chiến đấu để vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ, thì trong lãnh vực công tác không kém phần gian khổ khó khăn và rất phức tạp này, các em cũng đã nêu bật được bản lĩnh chính trị vững vàng, tổ chức kỷ luật chặt chẽ và phẩm chất đạo đức của mình. Một lần nữa các em đã tỏ ra xứng đáng với lòng mong mỏi và tin cậy của mọi người”.

      Tại Đại hội tổng kết thi đua năm 1977 của Lực lượng TNXP Thành phố, đồng chí Mai Chí Thọ đã nhắc nhở: “Lực lượng TNXP của các em là trường học, là nơi đào tạo, là nguồn bổ sung cho Đảng và chính quyền. Các em hãy thấy hết vinh dự và trách nhiệm của mình để phấn đấu tiến lên trở thành Đội quân xung kích thực hiện tốt 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hóa tư tưởng”. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ, Lực lượng TNXP Thành phố là một đội quân xung kích đi đầu trong ba cuộc cách mạng đó. Thanh niên xung phong đã đem tri thức khoa học kỹ thuật của mình và của Thành phố đến những nơi mình đã khai phá, đồng thời cũng mang đến đó ánh sáng văn minh, nền văn hóa mới, lối sống mới, đầy nhiệt tình. Thanh niên xung phong đã biến một đội ngũ thanh niên từ những người có nhiệt tình, nhưng sống theo ý mình và làm chỉ cho mình thành những thanh niên có cuộc sống đầy ý nghĩa với những ý nghĩ trong sáng và một lối sống lành mạnh. Đời sống của người Thanh niên xung phong là một cuộc sống rộng rãi, bao la và vô cùng đẹp đẽ, khác hẳn cuộc sống ích kỷ, chỉ cho mình. Đó là cuộc sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

      Năm 1984, tại Đại hội tổng kết 8 năm xây dựng và trưởng thành của Lực lượng TNXP, đồng chí Mai Chí Thọ nhận định về kết quả quá trình lao động của Thanh niên xung phong: “Qua báo cáo của các đồng chí, chúng tôi càng thấy sâu sắc rằng: đội ngũ Thanh niên xung phong là trường học của thanh niên, nơi đào tạo cán bộ không những cho Thanh niên xung phong mà còn cho Đoàn Thanh niên và cho Đảng. Trong đội ngũ cán bộ của các đồng chí, có nhiều người xứng đáng được đào tạo thành những cán bộ tương lai của Đảng”. Đồng chí cũng cho rằng: “Tôi hình dung đội ngũ Thanh niên xung phong chúng ta mỗi khi đi tới đâu tất yếu để lại những nông trường, những công trường, những khu vực xã hội mới với 4 đặc điểm là: một cuộc sống đầy nhiệt tình, một cuộc sống có khoa học kỹ thuật, có tri thức và văn hóa cao, có tổ chức chặt chẽ”. Từ những kết quả đạt được, đồng chí Mai Chí Thọ yêu cầu TNXP mặc dù phải tính toán hiệu quả kinh tế trong việc làm ăn, đảm bảo cho Thanh niên xung phong có thu nhập cao, có đời sống ngày càng nâng lên về vật chất cũng như về tinh thần, nhưng đồng thời phải giữ vững lý tưởng của mình. Muốn giữ vững lý tưởng thì phải hết sức coi trọng cuộc sống tập thể, phúc lợi tập thể, phải có cuộc sống mới, một cuộc sống gắn bó giữa cá nhân và tập thể. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ, Lực lượng TNXP Thành phố đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hoạt động thiết thực nhằm thu hút thanh niên tham gia, gắn bó với tổ chức. Do gắn bó về cuộc sống, về tình cảm mà nhiều anh chị em đã vượt qua nhiều khó khăn, khi về thăm nhà, có thể vượt qua những ý muốn ở lại Thành phố để trở về với đội ngũ của mình. Hơn thế nữa, có những thanh niên xung phong đã vượt qua được những cám dỗ trở lại cuộc sống cũ, những cám dỗ đi nước ngoài với hy vọng có cuộc sống vật chất khá hơn ở Thành phố. Chính tinh thần đồng đội, tinh thần tập thể đã rèn luyện thanh niên xung phong trở thành những con người có ý chí vững vàng như thế.

      Năm 1991, dù không thể dự Hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển Lực lượng TNXP Thành phố do bận công việc quan trọng, nhưng đồng chí Mai Chí Thọ vẫn dành tình cảm ưu ái cho TNXP qua lá thư gửi đến Hội nghị. Trong thư, đồng chí Mai Chí Thọ xác định: “Lực lượng TNXP không phải là một tổ chức kinh tế thuần túy mà là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Đồng chí cũng yêu cầu TNXP “phải tăng cường xây dựng lý tưởng xã hội cao đẹp, đó là: xung kích, tiến công vào nghèo nàn lạc hậu, làm cho dân giàu nước mạnh…, phải tham gia vào những nhiệm vụ xã hội cấp bách của Thành phố”. Sau Đại hội V (năm 1992), Lực lượng TNXP có cuộc điều chỉnh nhiệm vụ lần thứ hai hướng tới việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, truyền thống là tiếp nhận giáo dục nhân cách và giải quyết việc làm cho số thanh niên bị dính vào các tệ nạn xã hội. Trong lần điều chỉnh này, nhiệm vụ phát triển của TNXP là quan tâm đến công tác an sinh xã hội của Thành phố. Cuộc điều chỉnh lần thứ hai xác định chức năng và nhiệm vụ cơ bản của Lực lượng TNXP: không là một đơn vị kinh tế đơn thuần, mà hoạt động kinh tế là nhằm tạo phương tiện và điều kiện để phục vụ cho các công tác xã hội.

      Để phù hợp với cuộc điều chỉnh thứ hai này, Lực lượng TNXP củng cố và nâng cao chất lượng các Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm. Cán bộ TNXP công tác ở các trường đều được rèn luyện ý thức tôn trọng con người, không khinh miệt, kỳ thị, kỳ thị thanh niên lỗi lầm mà sống và cùng lao động với họ với một trách nhiệm và tình thương thật sự. Việc hoàn thiện các giáo trình, các phương pháp giảng dạy, dạy nghề, lao động công ích, chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, những chương trình sinh hoạt cộng đồng đều được xây dựng nghiêm túc. Cơ sở vật chất như nơi ở, nơi ăn, sân tập, vườn hoa, nước máy, điện dân dụng, tivi, radio, báo chí, căn-tin, câu lạc bộ văn nghệ đều được trang bị để học viên có thể an tâm sống tốt. Ngoài việc quản lý, giáo dục cho thanh niên cần giáo dục nhân cách, Lực lượng TNXP còn làm nhiệm vụ giáo dục trẻ vô gia cư, tiếp nhận thường xuyên 50 cháu thiếu niên lang thang, bụi đời, cơ nhỡ (trẻ đường phố) vào sinh hoạt, ăn ở và học tập. Về hoạt động kinh tế, Lực lượng TNXP thực hiện mở rộng liên kết, liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển du lịch, khách sạn và thương mại dịch vụ, đồng thời, tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực xây dựng đô thị.

Đồng chí Mai Chí Thọ đến thăm và làm việc với TNXP tại Đắk Nông 

       “Nhiệm vụ xã hội cấp bách của Thành phố” như lời đồng chí Mai Chí Thọ còn là những công việc liên quan đến công ích nội thị. Công ty Dịch vụ công ích TNXP (sau chuyển thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP) được thành lập nhằm giải quyết những vấn đề đáp ứng các sinh hoạt, đời sống hàng ngày của cư dân đô thị, nhất là các dịch vụ khó hoặc không thể giao cho tư nhân thực hiện. Các công việc được triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực hiện nay như: quản lý, bảo vệ hơn 7.500ha rừng phòng hộ Cần Giờ; phối hợp tốt với phòng Cảnh sát giao thông đường bộ giữ gìn trật tự giao thông tại các giao lộ trên địa bàn Thành phố; giữ xe đúng giá quy định; vận hành, khai thác phà Cát Lái và phà Bình Khánh; hỗ trợ khách du lịch; cung cấp nước ngọt cho người dân tại huyện Cần Giờ…

      Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong quá trình xây dựng và phát triển của Lực lượng TNXP đã chứng minh: tổ chức TNXP do Đảng lãnh đạo không chỉ là một tổ chức thanh niên tình nguyện thích hợp trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mà còn là một tổ chức tình nguyện có nhiều khả năng thích ứng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ hậu chiến. Nhiệm vụ của TNXP qua từng thời kỳ đều gắn với việc giải quyết những vấn đề cấp bách về an sinh xã hội, môi trường, về việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chịu áp lực gia tăng dân số cơ học lớn và biến đổi khí hậu, đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. Trong bối cảnh đó, Lực lượng TNXP xác định tập trung mọi nguồn lực để tạo bước chuyển mạnh mẽ, tiếp tục phát huy truyền thống xung kích, kết hợp khai thác tốt nguồn cơ sở vật chất, đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tích cực tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của Thành phố, cụ thể là tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ xã hội và công ích.

 

     Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng TNXP luôn nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố giao, lực lượng không ngừng trưởng thành về chất cũng như về lượng, đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống của Thành phố nói riêng và các địa phương nơi các đơn vị Thanh niên xung phong trú đóng. Vinh dự lớn cho Lực lượng TNXP là được Nhà nước 2 lần trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của Lực lượng TNXP vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thành phố, của đất nước. Đó cũng là sự hiện thực hóa lời chúc của đồng chí Mai Chí Thọ: “Tôi chúc các em sẽ giữ mãi và phát huy thật tốt những truyền thống tốt đẹp của tuổi trẻ TNXP Thành phố Hồ Chí Minh, không ngừng phấn đấu nâng lên những đỉnh cao mới, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân”.

Khánh Thiện 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn