Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37567614
truyền thống TNXP
Thanh niên xung phong góp phần giữ cho rừng mãi xanh
       Ngày 21 tháng 01 năm 2000, Tổng Thư ký tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ký quyết định công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, chính thức gia nhập mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển của 91 nước trên thế giới. Đó là thành quả của Đảng bộ và nhân dân Cần Giờ, với sự đóng góp sức của nhân dân Thành phố anh hùng cho huyện anh hùng. Trong thành quả đó, có mồ hôi và công sức của những người Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh niên xung phong Thành phố tham gia trồng đước khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ (Ảnh tư liệu)
 
        Sau ngày giải phóng đất nước, rừng ngập mặn Cần Giờ gần như bị xóa trắng cùng với hệ thống thực vật Rừng Sác vốn quý hiếm và phong phú, bởi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Rừng Sác Cần Giờ đã hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn tàn phá, kẻ thù đã sử dụng thuốc khai hoang để hủy diệt rừng lớn gấp 3 lần tại huyện Củ Chi. Từ năm 1980, cùng với các lực lượng khác, từng năm, từng năm, Lực lượng TNXP Thành phố đã cần cù, nhẫn nại phát hoang, trồng rừng. Họ phải đối diện với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mùa nắng, nắng nóng gay gắt, nước mặn bốc hơi làm bỏng rát làn da; mùa mưa, sình lầy càng lầy lội, những bước chân càng thêm nặng trĩu. Bao nhiêu muỗi, bao nhiêu vắt rừng đeo bám, hút máu trên da thịt. Cuộc đối đầu giữa con người với những cơn sốt rét rừng càng thêm dai dẳng. Dẫu khó khăn, nhưng TNXP đã làm được! Một diện tích rừng khá lớn đã dần hồi sinh.
 
        Thời gian đầu, Lực lượng TNXP có 03 đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ tại vùng đất Cần Giờ. Đó là Nông trường dừa Đỗ Hòa, Nông trường Thanh niên Duyên Hải và Lâm trường Lý Nhơn. TNXP cũng đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lao động hàng ngày.
 
       Nông trường dừa Đỗ Hòa. Nhiệm vụ chính của Nông trường là xây dựng một vùng nguyên liệu từ cây dừa do Thành phố đặt hàng. Trong hai năm 1980-1981, TNXP đã xóa “vương quốc chà là” (“chà là” là loại cây hoang mọc trên vùng đất Rừng Sác - Cần Giờ, có nhiều gai sắc đâm toạc áo quần và đâm thủng da người). Tháng 4 năm 1983, TNXP đã hoàn thành tập tài liệu Chương trình điều tra tổng hợp nghiên cứu thực nghiệm trên đất phèn mặn của Nông trường dừa Đỗ Hòa. Ở đây, TNXP không chỉ thực hiện khoán việc ngắn ngày, mà còn chủ trương khoán hoàn chỉnh một quy trình sản xuất. Nông trường dừa Đỗ Hòa là một thử nghiệm trồng cây ở môi trường hoang hóa sình lầy ven biển ngập mặn, thiếu nước ngọt trầm trọng, nơi mới biết vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất. Tuy nhiên, chọn cây dừa làm cây chủ lực của Nông trường lại không thành công do không lường được độ mặn của sông Lòng Tàu khi thời tiết vào mùa khô nắng trước khi đập thủy điện Trị An vận hành, nên cây dừa bị sâu đục thân phá hoại, làm chết cây không sao ngăn chặn được. Sau việc thử nghiệm trồng dừa không thành công, Nông trường đã thay đổi cây trồng, tiến hành phủ xanh diện tích bằng bạch đàn, tràm bông vàng và dừa nước.
 
        Nông trường Thanh niên Duyên Hải là một mô hình của TNXP về giáo dục thanh niên chậm tiến, tệ nạn xã hội thành người hữu dụng. Trước tháng 8/1978, những thanh niên chậm tiến, tệ nạn xã hội được giáo dục nhân cách ở hai phân hiệu Lộc Ninh và Phước Long, do chiến tranh biên giới nên chuyển về Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) lập nên Nông trường Thanh niên. Đây là lần đầu tiên, TNXP cùng lao động với những thanh niên chậm tiến để giáo dục họ thành những công dân hữu dụng. Đội viên TNXP phải là người lao động giỏi, gương mẫu đi đầu trong mọi trường hợp, có tình cảm thương yêu thật sự học viên, hiểu rõ gia cảnh, nguyện vọng của họ và giáo dục học với phương châm “Trách nhiệm tình thương”. Lớp thanh niên này đã góp phần cải tạo vùng Rừng Sác sình lầy trên đất nhiễm mặn này. Toàn bộ việc xây dựng Nông trường đều dựa vào sức trẻ vươn lên trong cơ chế hạch toán là chính dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo cơ hội của chính quyền Thành phố và huyện Duyên Hải. Ngoài ra, lực lượng lao động của Nông trường Thanh niên tích cực tham gia xây dựng đường Rừng Sác nối liền vùng ven biển Cần Giờ với nội thành trong kế hoạch chung của tuyến đường dài 36km do Thành phố huy động.
Nông trường Lý Nhơn - Ảnh tư liệu
 
       Lâm trường Lý Nhơn. Nhiệm vụ chính của Lâm trường là khai phá 1.770ha đất ngập mặn hoang hóa để trồng cây đước và thực hiện các phương án bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn này. Trước ngày 30/4/1975, huyện Cần Giờ là một huyện nghèo, lạc hậu của Thành phố, các chế độ cũ đã bỏ rơi vùng đất này vào cảnh hoang hóa, lạc hậu so với các quận, huyện khác. Xã Lý Nhơn lại là nơi có mức sống thấp bậc nhất huyện Duyên Hải. Nhân lực khai phá đầu tiên của Lâm trường Lý Nhơn là 88 đội viên thuộc Nông trường dừa Đỗ Hòa. Sau 3 tháng (đến tháng 5/1985), quân số TNXP của Nông trường dừa Đỗ Hòa đã có mặt tại Lý Nhơn là 576 đội viên. Trong 4 năm liền (1985 - 1989), Lâm trường đã vượt qua những chặng đường gian truân, phát triển sản xuất và hoàn thành mọi nhiệm vụ trên giao. Tính đến cuối năm 1986, Lâm trường đã xây dựng cánh đồng muối rộng 84,5ha với năng suất bình quân 80 tấn/ha (thu hoạch xấp xỉ 8.000 tấn muối/năm), đào đắp 33.154m3 đê bao ngăn mặn, lên liếp trồng được 50ha bạch đàn… Lâm trường Lý Nhơn còn cử cán bộ đi học đại học, trung học chuyên nghiệp và nhiều đội viên được cử đi học các lớp nghiệp vụ do Thành phố tổ chức. Đặc biệt, để tham gia bảo vệ vùng cửa ngõ của Thành phố ra biển, Lâm trường đã thành lập một tiểu đoàn dân quân tự vệ đêm ngày canh gác, bảo vệ an ninh cho nhân dân địa phương.
Ngày 09 tháng 12 năm 1995, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định thành lập Tổng đội 1 TNXP, trên cơ sở tiếp quản toàn bộ đất đai, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các đơn vị trực thuộc Lực lượng TNXP tại huyện Cần Giờ. Nhiệm vụ của Tổng đội 1 là trồng, khai thác, bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ. Nhằm giúp các hộ giữ rừng yên tâm công tác, Tổng đội 1 đã xây dựng “Nhà tình thương đồng đội”. Ở đây, con các hộ giữ rừng được hỗ trợ tiền ăn, điều kiện đi học thuận tiện hơn, được các đội viên TNXP hướng dẫn học bài mỗi tối. Tổng đội 1 còn phối hợp với các cơ sở y tế khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho các hộ giữ rừng. Đến ngày 28 tháng 02 năm 2009, Tổng đội 1 TNXP giải thể, chuyển giao nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ Rừng Sác - Cần Giờ cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP.
 
       Song song với quá trình xây dựng các nông, lâm trường là quá trình phủ xanh đất trắng Cần Giờ. TNXP đã về vùng đất Năm Căn để mua đước giống về trồng. Chân lội ở những bãi bùn, đầu đội thúng đước, người TNXP nâng niu cắm từng trái đước xuống, gởi theo niềm tin sự sống rồi sẽ sớm vươn lên. Hiện nay,  cán bộ, đội viên TNXP và hộ giữ rừng vẫn ngày đêm tuần tra, bảo vệ từng chang đước, thân tra. Bên cạnh việc ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, đội viên TNXP còn tuyên truyền, vận động những hộ dân sinh sống, khai thác thủy sản dưới tán rừng cùng chung tay bảo vệ rừng, khai thác nhưng không tận diệt các loài thủy sinh như cua, tôm, cá.
 
       Cán bộ, đội viên TNXP đang công tác tại địa bàn huyện Cần Giờ đến từ nhiều nơi khác nhau. Có người được sinh ra và lớn lên ở Cần Giờ, nhưng cũng có người đến từ miền Tây Nam bộ, miền Bắc xa xôi. Cho dù là từ đâu, nhưng họ có chung một điểm đến và cùng một mục đích - giữ cho rừng Cần Giờ mãi xanh.
 
                                                                                       Khánh Thiện
(Trích tham luận tham gia Hội thảo “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải) -
thành phố Hồ Chí Minh, thành quả và kinh nghiệm”)
 
 
 

    

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn