Khi chọn đến làm việc tại Lực lượng TNXP, mỗi người có một lý do khác nhau. Với người này, có thể là do truyền thống gia đình; với người kia, có thể là vì yêu thích 4 chữ “Thanh niên xung phong”; nhưng cũng có người, đến với TNXP là để tìm một công việc như bao nhiêu việc khác. Mặc dù có nhiều xuất phát điểm khác nhau như vậy, nhưng qua thời gian, những kỷ niệm trong quá trình làm việc đã trở thành chất keo, gắn kết họ với Thanh niên xung phong ngày càng bền chặt hơn.
 |
Giữa cái nắng oi bức, có khi lại mưa bất chợt của Thành phố, chị Quách Kim Hoàng (Đội Trật tự du lịch) đứng chốt ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) vẫn nhiệt tình, tươi cười hướng dẫn du khách đến các địa điểm tham quan, hỗ trợ du khách qua đường… Sau khi tốt nghiệp THPT ở tỉnh Kiên Giang, vì gia đình khó khăn nên Hoàng lên Thành phố đi làm. Thấy Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP tuyển dụng, Hoàng liền nộp đơn xin ứng tuyển và được giao nhiệm vụ là một trật tự viên du lịch. Vừa đi làm, vừa tranh thủ ôn bài, sau 1 năm Hoàng đã thi vào ĐH Luật TPHCM và hiện đã là sinh viên năm 3 hệ tại chức. Công việc của một trật tự viên du lịch như chị Hoàng là tuần tra, giám sát những khu vực được phân công để hướng dẫn, hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho du khách. Chị Hoàng đến với TNXP từ cái duyên của lần gặp gỡ một trật tự viên TNXP ở trạm xe buýt tại chợ Bến Thành. Thấy cô gái mặc áo màu xanh lạ lạ, Hoàng đã hỏi thăm và được cho biết về ý nghĩa, nhiệm vụ của TNXP Thành phố. Tuy có nhiều vất vả nhưng chị vẫn thấy vui vì đây là công việc có ý nghĩa, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về một Thành phố thân thiện, bình yên.
11 năm gắn bó với nghề, từ giữ xe đến nhân viên của Đội trật tự giao thông số 4 (chốt Nguyễn Xí – Xô Viết Nghệ Tĩnh) chị Nguyễn Thị Kim Ngọc luôn phải làm việc giữa dòng người đông đúc và tiếng ồn ào của xe cộ.
Tận mắt chứng kiến ca làm việc của chị từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, dưới cái nắng hơn 30 độ C, tôi mới thấy hết nỗi vất vả và áp lực của công việc mà chị đang làm. Vào giờ cao điểm thường đông xe, ai cũng vội vã, chen nhau đi trước càng làm tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông. Khi ấy, chị cùng với cảnh sát giao thông phải tích cực nhắc nhở người tham gia giao thông, phân luồng, điều tiết dòng xe cộ để giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự giao thông. Có lần, đường phố bị ngập nặng do mưa lớn, chị và anh cảnh sát giao thông đã đưa được 2 mẹ con ra khỏi khu ngập sâu. Nụ cười và ánh mắt đầy thiện cảm của 2 mẹ con họ như một động lực cho chị. Những khó khăn trong công việc không làm chùn bước, vì chị được tiếp sức từ những kỷ niệm đẹp như thế.
|
Nấu ăn hàng ngày cho mấy trăm học viên, với chị Trần Thị Thủy, Trường GDĐT và GQVL số 3, “Học viên khen ngon là tôi vui rồi”. Từ 4 giờ sáng, khi mọi người vẫn còn say giấc ngủ, chị đã bắt đầu công việc của mình để kịp chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong ngày. Nấu ăn không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà cần sự quan sát, óc thẩm mỹ và sự hiểu biết nhất định về giá trị dinh dưỡng của từng loại nguyên liệu, “vai trò” của từng loại gia vị trong món ăn… Kinh nghiệm tích lũy trong 15 năm công tác đã giúp chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, luôn mang đến cho học viên những bữa cơm ngon, hợp khẩu vị.
Thanh niên xung phong - trường học lớn của tuổi trẻ”,và ở trường học ấy, chị Phạm Thị Thắm, nhân viên Phòng Tổ chức – Lao động tiền lương Lực lượng TNXP (công tác gần 3 năm), không chỉ học được kỹ năng giải quyết công việc, mà còn có thêm rất nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Với chị, công việc nào cũng có khó khăn và thuận lợi, điều quan trọng là phải biết cách để vượt qua nó. Những lúc khó khăn nhất, chính đồng đội, đồng chí là người động viên, giúp đỡ chị. Sau gần 3 năm với những buồn vui, chị mong muốn được tiếp tục gắn bó với Thanh niên xung phong Thành phố. Với chị, được khoác lên mình màu áo xanh TNXP là một niềm tự hào. |  |
 |
Chị Lê Thị Mai Vân, nhân viên Phòng Y tế, Cơ sở xã hội Nhị Xuân gắn bó với Thanh niên xung phong từ cái thời đơn vị có Trạm sản nhi, dụng cụ y tế thô sơ đến Phòng Y tế với máy móc hiện đại như bây giờ, tính ra đã trên 20 năm. Một trong những lý do để chị gắn bó lâu dài với Thanh niên xung phong, đó là cái tình - tình đất, tình người. Chị kể, hồi đó đơn vị còn làm gia công may banh, cứ mỗi ngày may 5 trái banh với giá 2.000 đồng/1 trái. Ngày 8/3/1996, một chú là lãnh đạo đơn vị bảo: “Hôm nay 8-3, chú cho mỗi đứa 10 ngàn đồng đi chơi, khỏi may”. Sự quan tâm, thương yêu của lãnh đạo dành cho nhân viên, hay là tình cảm của những người Thanh niên xung phong với nhau chân thành và mộc mạc vậy đó, nên cứ níu kéo mọi người lại với nhau.
Tháng 7/2001 sau khi tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm I – Hà Nội khoa Tâm Lý – Giáo dục, chị Võ Thị Thu Minh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục tư vấn và Dạy nghề Trường 3 chị đã nam tiến vào nam và gắn bó với Thanh niên xung phong, có lẽ đó là cái duyên…
 |
Tháng 7/2002 là những buổi dạy đầu tiên với những học trò lớn tuổi hơn mình tại Trường 3. Tâm trạng chị lúc đó rất sợ, hoang mang, vì chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người cai nghiện ma túy như thế. Rồi đến khi chuyển qua nhiệm vụ tư vấn, chị gặp phải học viên nam cần giải quyết những vấn đề về tâm sinh lý, những lúc đó chị tỏ ra bối rối và không biết phải giải quyết thế nào. Nhưng chính nhờ sự quan tâm dìu dắt, chỉ bảo của các anh chị đi trước, các bạn đồng nghiệp và đặc biệt hơn là sự nhiệt tình của các học viên, chính những đối tượng mình quản lý, giúp chị vượt qua và hoàn thành tốt công việc. Môi trường Thanh niên xung phong đã giúp chị có thêm tự tin hơn để có thể vượt qua mọi trở ngại và thử thách trong cuộc sống cũng như công việc tại đơn vị.
 |
Là người con của xứ Dừa, chị Trương Thị Minh Thùy, Phó Giám đốc Trường 1 khẳng định chất lính “Thanh niên xung Phong” đã thấm vào cơ thể. Năm 1999, theo gia đình chị lập nghiệp tại vùng kinh tế mới ĐăkLăk và cái duyên gắn kết với Thanh niên xung phong bắt đầu từ đây. Khi trạm sản xuất nông nghiệp Đăk R’Lấp thuộc Nông Trường Cây Công Nghiệp Xuất Khẩu Số 7 – trực thuộc Lực Lượng TNXP đang cần tuyển nhân viên văn thư, chị nộp đơn xin ứng tuyển. Tại Nông Trường Cây Công Nghiệp Xuất Khẩu Số 7 (Trường 5 lúc trước) chị được giao nhiệm vụ văn thư kiêm kế toán, và được bầu vào Ban Chấp hành Chi đoàn, hỗ trợ hướng dẫn thanh niên học xóa mù chữ, nâng cao trình độ. “Nhớ những buổi tối sinh hoạt Đoàn, cả nhóm phải lội bộ gần chục cây số sang Nông Trường 8 – phải leo dốc cao đến 3 tầng để tập hợp thanh thiếu niên, học chữ của địa phương, rồi sinh hoạt phong trào… thật vui và đầy ý nghĩa”, chị Thùy chia sẻ. Vất vả không làm chùn bước chị, vì ở đó chất lính “Thanh niên xung Phong” đã thấm vào cơ thể tự lúc nào, để giờ đây chị luôn tự hào vì mình là Thanh niên xung phong – một thời đẹp nhất.
Hoàng Vân