Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37577401
truyền thống cách mạng
Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

     Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta trải qua 5 giai đoạn, bắt đầu từ năm 1954 và kết thúc vào ngày 30/4/1975.

     Tháng 7/1954, tại Hội nghị ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được diễn ra, với dã tâm từ trước, Mỹ là một trong những nước dự hội nghị, đã không ký tuyên bố cuối cùng của Hội nghị “Thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Mỹ nhanh chóng xúc tiến kế hoạch xâm nhập miền Nam nước ta để thay thế thực dân Pháp, thực chất là xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới. Mỹ dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm ở miền Nam với âm mưu tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng của Nhân dân ta, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công miền Bắc và các nước XHCN.

      Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 7/1954) chỉ rõ “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương”. Đảng ta luôn nhất quán tinh thần chỉ đạo tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (01/1959) đã xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam và chỉ rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở 2 miền Nam - Bắc, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được khởi động một cách độc đáo, khéo léo, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình theo phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

     

     Từ năm 1961 đến 1965, Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đó là cuộc chiến tranh “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Lực lượng chủ yếu của Mỹ - ngụy trong chiến tranh đặc biệt là quân đội của ngụy quyền tay sai do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện và chỉ huy. Để đối phó, Đảng ta chủ trương chuyển cuộc cách mạng giải phóng miền Nam lên giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành cuộc chiến tranh cách mạng quy mô toàn miền. Nhiều trung đoàn chủ lực miền Nam được thành lập, căn cứ cách mạng được mở rộng, phát triển chiến tranh du kích, tăng cường đánh phá các căn cứ quân sự xung yếu của địch như sân bay, kho tàng, bến bãi, phá hệ thống ấp chiến lược do địch lập ra, liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường, điển hình là trận Ấp Bắc (01/1963), chiến dịch Bình Giã (12/1964 và 01/1965), Ba Gia (5/1965 - 7/1965), Đồng Xoài (5/1965 - 7/1965).

       “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ thực hiện tấn công phá hoại ra miền Bắc bằng hải quân và không quân. Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ (vu khống tàu USS Maddox của Mỹ bị Hải quân Việt Nam tấn công khi đang hoạt động bình thường trên hải phận quốc tế), ngày 5/8/1964, chúng dùng 64 lần máy bay mở cuộc tiến công “mũi tên xuyên” đánh ồ ạt ở các khu vực sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh). Các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã nâng cao cảnh giác, hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 8 máy bay.

         Năm 1965, Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động, chủ yếu để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; quân ngụy làm lực lượng chiếm đóng, bình định, kìm kẹp hòng đánh bại cách mạng Việt Nam trong vòng 20 - 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến năm 1967).             Trước các hành động của Mỹ, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 và lần thứ 12 (năm 1965), Trung ương đã khẳng định sự thất bại không tránh khỏi của đế quốc Mỹ và hạ quyết tâm động viên lực lượng cả nước giữ vững chiến lược tấn công, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Núi Thành của bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam (5/1965), chiến thắng Vạn Tường (8/1965), thắng lợi của các chiến dịch Plây-me (11/1965) và tiếp đó là các chiến công vang dội đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966, 1966 - 1967) của Mỹ ở miền Nam, đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược.

     Trước việc Mỹ áp dụng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực chất là “đổi màu da trên xác chết”, “dùng người Việt giết người Việt”, “dùng người Đông Dương giết người Đông Dương” bằng tiền của và vũ khí của Mỹ, do người Mỹ chỉ huy, Đảng ta nhận định: “Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất, kẻ thù chung của cả 3 nước Đông Dương lúc này là đế quốc Mỹ xâm lược. Miền Nam Việt Nam là chiến trường chính, Cam-pu-chia là chiến trường yếu nhất của địch, Lào ngày càng có vị trí hiểm yếu, miền Bắc Việt Nam là hậu phương chung của cả 3 nước Đông Dương”. Quân và dân ta phối hợp với Lào và Cam-pu-chia, đánh địch trên khắp chiến trường 3 nước Đông Dương, đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” ở Cam-pu-chia, đánh tơi tả lực lượng của địch ở ngã ba biên giới, tiêu diệt địch trong cuộc hành quân “Chen La II” ở Đông Bắc Cam-pu-chia.

      Ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công bằng sức mạnh nhiều binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt của chiến dịch, một trận điểm đúng huyệt, tiêu diệt nhiều lực lượng tinh nhuệ và khí tài chiến tranh của địch, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ ở chiến trường Tây nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn theo các hướng Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam. Vùng ven và nội thành Sài Gòn có các đơn vị đặc công, pháo binh kết hợp với lực lượng chính trị của Nhân dân.

      Ngày 30/4/1975, các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành như Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô, căn cứ Hải quân, Cảng Bạch Đằng, Đài Phát Thanh, Tổng nha Cảnh sát trung ương. Lúc 10g45’, binh đoàn hỗn hợp chủ lực Quân đoàn 2 của ta chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ ngụy quyền Trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ giải phóng đã tung bay trước tòa nhà chính Dinh Độc lập lúc 11g30’ ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi hoàn toàn.

       Chiến thắng đã đánh dấu bước ngoặt rất cơ bản, quyết định của con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra từ Chính cương vắn tắt 1930 - Con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tự do, ấm no, hạnh phúc. Là trận đánh quyết định nhất của cuộc chiến đấu 30 năm (1945 - 1975) gian khổ, khốc liệt, giành lại và giữ vững nền độc tập tự do, thống nhất Tổ quốc. Từ đây, cả dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh. Qua cuộc chiến đấu và chiến thắng, Đảng ta, Nhân dân ta, quân đội ta, dân tộc ta và mỗi người Việt Nam được rèn luyện cả về phẩm chất và tài năng, càng nhận thức sâu sắc hơn, đúng đắn hơn vị trí, khả năng và sức mạnh của mình trong thời đại mới. Vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới được nâng lên một tầm cao mới và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam trong thế kỷ XX và mai sau.

Khánh Thiện 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn