Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38107261
truyền thống cách mạng
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ việt nam (20/10/1930 - 20/10/2020)

 

       Hội LHPN (viết tắt là Hội LHPN) Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt chiều dài lịch sử 90 năm, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
       Quá trình hình thành và phát triển của Hội LHPN Việt Nam
       Những mốc son tiền đề
       Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là những người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn mong muốn được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu Pháp xâm lược Việt Nam, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du.
       Từ ngày 14-31/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “phụ nữ hiệp hội” và đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Ngày 16/6/1941, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
       Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc
       Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội LHPN Việt Nam. Ngày 20/10/1946, Hội LHPN Việt Nam làm lễ ra mắt tại Hà Nội. Tên gọi Hội LHPN Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay.
       Từ ngày 18 - 29/4/1950, tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất,Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hợp nhất với Hội LHPN Việt Nam thành một tổ chức Hội thống nhất lấy tên là Hội LHPN Việt Nam. Đồng chí Lê Thị Xuyến được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
       Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Cùng với đó, ngày 8/3/1961, Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
       Tháng 3/1961, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” (Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh tốt; Học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt). Tháng 3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” (đảm đang sản xuất và công tác; đảm đang gia đình; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu).
       Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (19/10/1966), Hồ Chủ tịch đánh giá: “Phong trào Năm tốt của phụ nữ miền Nam, phong trào Ba đảm đang của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân”.
       Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước
       Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội LHPN toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội LHPN trong cả nước trong một tổ chức là Hội LHPN Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Đến năm 2010, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam.
       Những dấu ấn đáng ghi nhớ củ Hội LHPN Việt Nam từ năm 1976 đến nay
       - Năm 1978: Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
       - Năm 1989: hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”.
       - Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (1997): phát triển hai phong trào thi đua từ Đại hội VII thành phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”; Phong trào “Ngày tiết kiệm vì Phụ nữ nghèo”.
       - Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (2002): tiếp tục phát động phong trào thi
đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
       - Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (2007): tiếp tục phát động phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Năm 2010, Hội phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
       - Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (2012) phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; đồng thời triển khai sâu rộng 2 cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
       - Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (2017): Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; hai cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
       Những thành quả nổi bật của Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến nay
       Cuộc chiến cam go và gian khổ, trường kỳ kết thúc khi ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc lập ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Nước mắt chan hòa trong niềm vui ngày đoàn tụ. Phụ nữ Thành phố vui mừng đón đoàn quân thắng trận trở về sau bao năm dài xa cách, cùng Nhân dân viết sang trang sử mới. Các tầng lớp phụ nữ Thành phố hăng hái tham gia tuyên truyền, vận động, giải thích đường lối, chính sách; tổ chức cứu đói, làm vệ sinh đường phố, tổ chức mạng lưới phân phối lưu thông, nhanh chóng ổn định cuộc sống, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội. Buông tay súng, nắm tay cày, những nữ nông dân ở ngoại thành cũng nhanh chóng tổ chức lại sản xuất để phục vụ nhu cầu hằng ngày của gười dân.
       Thành tích nổi bật của phụ nữ trong những ngày Thành phố mới giải phóng là công tác cứu đói và phân phối lương thực thực phẩm. Với sự tháo vát, cán bộ Hội Phụ nữ Thành phố đã xông xáo đi tìm nguồn gạo, sâu sát với từng hộ dân để phát hiện những người thiếu đói, đưa gạo cứu trợ đến từng gia đình, ổn định tư tưởng Nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân vào chính quyền cách mạng.
       Điểm son của phong trào Phụ nữ Thành phố giai đoạn 1975 - 1985 là sự hình thành và phát triển hệ thống nhà trẻ trong chế độ mới. Có thể nói, thành tựu của hệ thống nhà trẻ Thành phố hôm nay có những viên gạch nền móng đầu tiên của Hội LHPN Thành phố và ngành Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
       Bước đột phá của phong trào Phụ nữ Thành phố trong thời kỳ đổi mới là cuộc vận động Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình gắn với nhóm tín dụng tiết kiệm đã hỗ trợ, giúp đỡ cho phụ nữ có nguồn vốn sản xuất, giới thiệu việc làm thông qua dạy nghề, hướng nghiệp. Đã có rất nhiều hộ gia đình, từ chương trình hỗ trợ do Hội thực hiện đã vươn lên, thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
       Hội LHPN Thành phố luôn nhạy bén, thích nghi với cái mới. Trong giai đoạn 2005 - 2015, Hội LHPN Thành phố đã có nhiều công trình thiết thực, đóng góp cùng Thành phố trong việc tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Đó là: công trình Trạm y tế mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi với tổng kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng, trở thành cơ sở khám chữa bệnh khang trang, thuận tiện cho người dân đến khám, chữa bệnh, giảm bớt chi phí đi lại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho Nhân dân; công trình Xóa mù chữ cho 3.219 phụ nữ và trẻ em gái từ 15 đến 40 tuổi, trong đó có 2.128 người hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học… Công trình Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi với tổng mức đầu tư, xây dựng gần 10 tỷ đồng đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, sự tri ân sâu sắc của phụ nữ thành phố đối với sự hy sinh cao cả của những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng đến lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay.
       Kế thừa tinh thần tiến công cách mạng trong chiến tranh, Hội LHPN Thành phố đã phát huy vai trò, tiềm năng, sự sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, cùng các tầng lớp nhân dân đã và đang có những đóng góp ngày càng to lớn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Với vốn tính cách năng động, sáng tạo, các nữ doanh nhân Thành phố không ngừng phát huy, tỏ rõ bản lĩnh, tài năng, sự nhạy bén với cái mới, lèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên hòa nhập và phát triển. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động và trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ xuất sắc, những nữ vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia và quốc tế cùng những tập thể, cá nhân xuất sắc được nhận nhiều giải thưởng lớn.
       Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào phong trào phụ nữ, hoạt động Hội, thật sự động viên, thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ Thành phố chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, ngoại ngữ, thể hiện sự năng động, tự tin, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng, du lịch, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao, phát triển cộng đồng … góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố.
       Có thể nói, trải qua lịch sử 90 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam đã và đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội LHPN Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam.
                                                                                                Khánh Thiện

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy)

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn