Suốt trong 24 năm Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước (1946 -1969), Người đã có 9 mùa Xuân ở chiến khu Việt Bắc và đó là 9 cái Tết thật đáng nhớ, thấm đậm tình người. Bà con các dân tộc cùng vui với Người, cùng đón Xuân sang tại chiến khu.

Bác Hồ và các chiến sĩ miền Nam ra Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Từ khi về nước, cho đến khi từ giã trần gian để đến với thế giới người hiền, Bác Hồ đã có 22 bài thơ chúc Tết dân tộc ta. Mỗi năm Xuân về, bà con trong Nam, ngoài Bắc luôn mong ngóng được nghe Bác đọc thơ Xuân trong phút giao thừa. Bài thơ chúc Tết có lẽ là đầu tiên, Người viết vào Xuân năm 1942, tại núi rừng Việt Bắc:
Thơ chúc tết Xuân Nhâm Ngọ 1942
Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới,
Chúc toàn quốc ta trong nǎm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.
Cũng năm này, lần đầu tiên lá “cờ đỏ sao vàng” có trong thơ Bác - đây là lá cờ Việt Minh xuất hiện trong thơ chúc Tết của Bác Hồ tung bay nơi chiến khu Việc Bắc, để 3 năm sau, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Năm 1946 là năm đầu dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khó khăn, trở ngại còn chồng chất, song Người vẫn đặt niềm tin: “Bao giờ kháng chiến thành công/Chúng ta cùng uống một chung rượu đào”.
Chúc Tết Xuân Bính Tuất 1946
Hỡi các chiến sĩ yêu quí...
Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy....
Chúc đồng bào: Trong nǎm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.
Việt Nam độc lập muôn nǎm!
Sau đó, Xuân Giáp Ngọ năm 1954, trước khi diễn ra sự kiện lớn của dân tộc ta là đánh thắng thực dân Pháp, Bác đặt ra nhiệm vụ cho toàn quân, toàn dân ta:
Chúc Tết Xuân Giáp Ngọ 1954
Nǎm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do
- Cải cách ruộng đất là công việc rất to
Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông.
Nǎm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều.
Lời chúc Tết Xuân Giáp Ngọ của Bác như lời dự báo, và đã trở thành hiện thực với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Sau đó không bao lâu, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta, bước vào một kỷ nguyên mới.
Bài thơ chúc Tết tiếp theo, năm 1956, Bác luôn khẳng định một niềm tin là quân và dân ta sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ, đất nước sẽ thống nhất, độc lập, tự do. Mùa xuân Bính Thân 1956 và xuân Canh Tý 1960, Bác nhắc nhở đồng bào, chiến sỹ cả nước với 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúc Tết Xuân Bính Thân 1956
Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng,
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí, bền gan phấn đấu,
Hòa bình, thống nhất thành công.
Chúc Tết Xuân Canh Tý 1960
Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh!
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!
Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
Cả nước một lòng, hǎng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!
Chúc tết Xuân Giáp Thìn 1964
Bắc Nam như cội với cành,
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công,
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
Mấy lời thân ái nôm na,
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.
Lời chúc tình nghĩa Bắc - Nam, mùa xuân 1965 sang 1966, quân và dân miền Nam có nhiều chiến thắng to lớn trên chiến trường, khi cuối năm, Người đã nắm tình hình qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đoàn từ miền Nam ra Hà Nội. Chuẩn bị đón Tết về, Bác đã vui mừng gửi quân - dân miền Nam bài thơ:
Thơ chúc Tết xuân Bính Ngọ 1966
Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Pley Me, Đà Nẵng.
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng.
Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,
Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng.
Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong,
Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng.
Chúc Tết xuân Đinh Mùi 1967
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa!
Năm 1968, mùa Xuân của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 mà Người và Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đang chỉ đạo - là mùa xuân báo hiệu ngày thắng lợi đang đến gần cho mỗi người miền Nam và miền Bắc sum họp một nhà, Bác chúc tin thắng trận:
Chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
Vần thơ Bác chúc Tết, chúng ta nghe về những khúc ca khải hoàn, sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tất cả quân và dân các đô thị miền Nam đều nổi dậy, lập nhiều chiến công.
Bài thơ cuối cùng - Tết Xuân Kỷ Dậu 1969
Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,
Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Bài thơ Chúc Tết Xuân năm Kỷ Dậu 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ với toàn dân tộc ta. Người đã để lại Di chúc và động viên toàn Đảng, toàn dân ta anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tiến lên giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Xuân Mậu Thân 1968, khi cả nước bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy, thơ chúc Tết của Bác thật sự là những lời tiên tri thật kỳ diệu mà cả dân tộc ta đã: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Đây là lời chúc Xuân cuối cùng trước khi người đi xa và đã thành hiện thực, khi 3 năm sau, ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris đã được ký kết - Đánh cho Mỹ cút - để cả dân tộc ta tiếp tục đánh cho ngụy nhào, rồi ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa lòng mong ước của Người: “Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Phạm Bá Nhiễu