Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm vào loại khá năm 2005, Nguyễn Văn Tuấn quyết tâm xin ba mẹ đi… “chạy bàn” cho một nhà hàng ăn uống khá sang trọng ở Quận Bình Thạnh, “vì lúc đó rất khó xin việc” - anh kể.
Tháng 5.2006 là một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời anh, đó là việc quyết định gia nhập Lực Lượng TNXP TP.HCM. Do có chuyên môn về sư phạm, anh được phân công về công tác tại Nhà Mở Nhị Xuân III. Và từ đó, cái tên Tuấn “mở” được “khai sinh”.
“Không hiểu vì sao mà tôi lại có sự đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời kém may mắn ở cái Nhà mở nhỏ bé này đến thế. Có nhiều đêm sau khi hết giờ làm, tôi lại đến các khu “nhà ổ chuột” nơi các em đang sống để tìm hiểu về hoàn cảnh của các em, có ai ngờ rằng những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên thế này mà lại phải sớm “vật lộn” với cuộc sống thị thành khắc nghiệt, để tìm lấy từng chén cơm, manh áo, bằng những công việc như đánh giày, nhặt ve chai hay bán vé số. Tôi cố gắng động viên các em cố gắng học tập thật tốt để cuộc đời ngày mai tươi sáng hơn” - Anh tâm sự.
Và tôi hiểu, sự thiếu thốn vật chất, tinh thần của các em luôn luôn nằm trong suy nghĩ của anh, khi thấy anh uốn nắn các em từng nét chữ. Tôi biết, điều mà anh đang truyền đạt cho các em thật ý nghĩa vì “nét chữ” cũng sẽ là “nét người” mai đây đi cùng các em.

| 
|
Chú cuội Nguyễn Văn Tuấn vui Tết trung thu cùng các em nhỏ | Tuấn mở (bìa phải) với các em thiếu nhi ở nhà mở Nhị Xuân |
Mặc dù không kể ra nhưng tôi được biết anh là người luôn đi tiên phong trong việc vận động các Mạnh thường quân, chính quyền địa phương để đem về cho các em từng gói mì, quyển tập viết hay những chiếc đèn ông sao mỗi khi Tết Trung thu về.
Có lần tình cờ ghé thăm anh vào dịp Quốc tế thiếu nhi, đứng từ xa, tôi đã nhìn thấy anh tươi cười hớn hở, đang hướng dẫn các em tập dợt các tiết mục văn nghệ. Đây là chương trình văn nghệ mà anh đã phải đi “năn nỉ” mãi mới mời được Đội văn nghệ thiếu nhi - Trung tâm Văn hóa Quận Bình Thạnh đến giao lưu với các em, vì hầu như người ta đều biết lên “Nhà mở” là biểu diễn miễn phí rồi. Mồ hôi nhễ nhại, anh cười hóm hỉnh và nói: “Mình chỉ mong sao tối nay các em được đón tết thiếu nhi thật là vui và ý nghĩa”.
Sự nhiệt tình, năng nỗ của người con trai xứ Đồng Khởi này đã được cấp trên chú ý và điều anh về công tác tại Phòng Giáo dục – Tư vấn của Trung tâm GDDN & GQVL Nhị xuân vào tháng 3.2009. Ở đây, anh như “cá gặp nước” khi được giao làm công tác Đoàn và công tác phong trào. Các chương trình giao lưu văn nghệ, hội thi,… anh đều là người đi tiên phong. Nguyễn Văn Tuấn còn “nổi tiếng” là một người dẫn chương trình tài hoa, rất thông minh khi xử lý các tình huống trên sân khấu. Hội thi đố vui phòng chống HIV/AIDS, Liên hoan tiếng hát Nhị xuân, Hội nghị điển hình tiên tiến,… hầu như trong vai trò nào, anh cũng hoàn thành một cách xuất sắc.
Thời gian rảnh rỗi, tôi thường thấy anh đi thu gom các loại giấy đã in một mặt, hỏi ra mới biết là anh đang “hô hào” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng cách chính mình vào cuộc.
Tôi nhận thấy ở anh một đôi mắt rất sáng, rất vô tư và rất có “lửa”. Và tôi mong rằng ngọn lửa ấy sẽ luôn cháy mãi trong anh, để cho tôi, cho những đứa trẻ bất hạnh kia còn thấy rằng, cuộc sống này còn đó bao người tốt.
Quốc Thái