“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”, đây là một câu nói quen thuộc của nhân vật Pa-ven Cooc-sa-ghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Ni-co-lai Os-trovs-ky, nhưng để thực hiện nó như một châm ngôn sống cho bản thân thì còn cần phải có nghị lực. Và tôi đã thấy nghị lực đó, minh chứng bằng chính cuộc đời của người đồng đội, khi được biết và hiểu về anh.
Nhắc đến anh là nhắc đến một “quái kiệt”, anh vui lắm, trẻ trung lắm dù tuổi đời đã hơn 40 xuân. Chỉ một câu nói được lặp đi lặp lại nhưng với những giọng điệu khác nhau, anh đã làm chúng tôi cười suốt trong buổi sinh hoạt trại hôm ấy. Bất ngờ với dung mạo và nét duyên hài hiếm có, tôi càng ngỡ ngàng hơn khi biết về gian truân cuộc đời trước khi anh bước vào môi trường Thanh niên xung phong.
Ngày xưa, anh công tác Đoàn tại Quận 1. Anh là người có nhiều ngón tài lẻ, anh đàn hay, hát giỏi và nhất là rất biết ga lăng với phụ nữ. Điều đó đã tạo nên một ấn tượng đẹp ở một người bạn gái cùng sinh hoạt chung và cả hai cũng không nhớ là mình đã yêu nhau lúc nào.
Vì công việc, anh phải đi nhiều, va chạm nhiều. Tuổi trẻ bồng bột với những đam mê nhất thời, anh đã va vấp. Buồn lắm khi đang “phiêu lưu” với chính cuộc đời mình, nên anh quyết định “hướng rẽ” là tìm đến Trung tâm GDDN&GQVL Nhị Xuân mong tìm một bến đỗ yên bình vào mùa hè năm 2001.
 |
Phạm Chiến Tuyến (ngồi giữa) hát phục vụ văn nghệ trong chuyến đi thực tế trại sáng tác Cần Giờ |
Môi trường sống tốt, bạn bè, thầy cô thân thiện hoà đồng, anh sớm hòa nhập và có điều kiện bộc lộ năng khiếu của mình. Những kiến thức đã học suốt ba năm tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Thành phố đã được anh áp dụng bài bản. Phong trào văn nghệ của đội từng bước được nâng lên.
Thấy được khả năng của anh, phòng Giáo dục – Tư vấn Trung tâm quyết định cộng tác, để anh hỗ trợ cho hoạt động văn hoá văn nghệ đơn vị. Ngày 21.11.2001 anh nhận quyết định là “Cộng tác viên” của Trung tâm. Đây cũng là ngày đáng nhớ của cuộc đời anh, cùng lúc đó, niềm vui được nhân lên vì sau những ngày tháng yêu nhau, luôn động viên và chờ đợi, anh chị đã chính thức nên đôi.
Được tín nhiệm, tin yêu, anh đã làm hết sức mình để đáp lại những tấm lòng đã dành cho mình. Chỉ trong một thời gian ngắn anh đã góp phần nâng chất hoạt động phong trào văn nghệ của đơn vị, và từ đó cho đến nay Trung tâm Nhị Xuân luôn được xem là một trong những đơn vị dẫn đầu trong trong hoạt động phong trào văn nghệ của Lực lượng. Nhóm văn nghệ NX và một vài nhóm hát khác của Trung tâm Nhị Xuân đã và đang nhận được nhiều giải thưởng văn nghệ của Lực lượng TNXP, của Huyện Hóc Môn và của Thành phố. Mỗi một thành quả là biết bao tâm huyết của đồng đội, của anh, của các bạn học viên đã đổ ra để đạt được.
Năm 2002, anh chính thức trở thành nhân viên Trung tâm GDDN và GQVL Nhị Xuân. Cầm đồng lương của tháng đầu tiên trên tay anh không tin vào sự thật, có lẽ lâu lắm rồi để giờ đây anh mới cảm nhận hết giá trị của sự lao động, đó là khi mình biết sống vì niềm tin và vì sự vươn lên của tập thể. Vài lần thấy anh miệt mài cùng các nhóm để trang trí hội trường, khuôn viên sân thể thao hay tập dợt phục vụ văn nghệ cho những lễ hội, cũng nụ cười ấy, phong cách hài hước ấy, và những đồng cảm trong suy nghĩ, nâng đỡ các bạn học viên, tôi biết một Phạm Chiến Tuyến đang có những bước trưởng thành từ môi trường Thanh niên xung phong.
Vẫn còn đó những cái mới để tham mưu, để phát huy, để được sống với trách nhiệm vì hơn bất kỳ lúc nào, anh luôn mong muốn được góp sức mình vào nhiệm vụ chung của toàn đơn vị, và cũng bởi tập thể ấy đã như một phần trong trái tim anh. Và phần còn lại chính là mái ấm thân thương cùng người vợ dịu dàng, thuần hậu và hai đứa con xinh xắn, dễ thương.
Người đồng đội tôi – anh Phạm Chiến Tuyến tự hào khẳng định “dấn thân trong môi trường Thanh niên xung phong, tôi đã rèn luyện được ý chí, niềm tin và tìm được hạnh phúc”. Đó cũng là cái “hậu” mà cuộc đời ban tặng cho mỗi người nếu luôn biết cố gắng vươn lên.
Bình An