Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38103815
thi đua yêu nước
Trung tâm GDDN & GQVL Nhị Xuân – mảnh đất hai mùa xuân của lòng người

        Dọc theo dòng kênh An Hạ, đi dưới bóng mát của dãy rừng tràm đang mùa trổ bông, chúng tôi đến với Trung tâm GDDN & GQVL Nhị Xuân. Hòa trong không khí buổi sớm mai trong lành và mát mẻ là nhịp sống sôi động của đông đảo cán bộ, đội viên, học viên đang tất bật với các hoạt động hàng ngày.

        Trung tâm GDDN & GQVL Nhị Xuân, trước đây là Nông trường Nhị Xuân (được hình thành năm 1979). Ngày ấy, những chàng trai cô gái TNXP vừa hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, lại tiếp tục đi khai hoang phục hóa những vùng đất chết, xây dựng nên những nông trường, hình thành những vùng kinh tế mới,.... Và họ đã đến với Nông trường Nhị Xuân, cải tạo một vùng đất phèn chua, hình thành nên một nông trường mía, thơm, rừng tràm bát ngát... Những lớp TNXP đầu tiên ấy đã dâng cho cuộc đời những cây thơm trái ngọt và tôi luyện cho xã hội nhiều con người không ngại gian khó, vươn lên lập nghiệp, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống mới.
 
 
   Năm 1994, một bước ngoặt đã đến với Nông trường Nhị Xuân, theo yêu cầu của thực tế, UBND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định số 722/QĐ- UB-NC, ngày 14/3/1994 về cho phép thành lập Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân trực thuộc Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ chính là chữa trị, phục hồi các nạn nhân ma túy; tổ chức quản lý, giáo dục trẻ em mồ côi hư hỏng, bụi đời lang thang; tổ chức giảng dạy chính trị, bổ túc văn hóa phù hợp với từng đối tượng; tổ chức các khu sản xuất, xưởng để cho học viên lao động, học nghề... Căn cứ trên thực tế hoạt động của Trung tâm Nhị Xuân, sau nhiều lần hiệu chỉnh, Lực lượng TNXP Thành phố đã ban hành quyết định số 24/QĐ-TNXP ngày 02/10/2006 về tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDDN & GQVL Nhị Xuân, trong đó nêu rõ các nhiệm vụ chính như tiếp nhận, quản lý, tổ chức chữa trị, phục hồi sức khỏe cho học viên và người sau cai nghiện; tổ chức giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề, đảm bảo các điều kiện vật chất, sinh hoạt tinh thần cho học viên, người sau cai nghiện; tổ chức lao động trị liệu, lao động sản xuất cho học viên, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí, tài sản, đất đai, vốn, các quỹ của Trung tâm theo đúng quy định của Nhà nước; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức quản lý, chữa bệnh, giáo dục, lao động, dạy nghề và hướng nghiệp cho người vào Trung tâm…
 

 
        Khi nhắc đến Trung tâm Nhị Xuân, người dân thành phố Hồ Chí Minh đều nhớ tới một đơn vị với chức năng: “Quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người cai nghiện”. Để thực hiện chức năng này, Trung tâm tiến hành, tổ chức theo một quy trình kép kín, cụ thể: học viên (gọi chung cho người cai nghiện ma túy) khi mới tiếp nhận đầu vào sẽ được điều trị cắt cơn, khám chữa bệnh, tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Sau khi cắt cơn thành công, trong thời gian sinh hoạt tại Trung tâm, học viên sẽ được tham gia các hoạt động giáo dục chuyên đề, hoạt động tham vấn tư vấn, sinh hoạt giao ban nhóm, tham gia các hoạt động văn thể mỹ… Tùy vào trình độ và nguyện vọng, học viên sẽ được bố trí học văn hóa và học nghề, tham gia lao động trị liệu, lao động sản xuất để thông qua đó phục hồi sức khỏe, hành vi, nhân cách.
 

 
        Để điều trị cắt cơn, chữa trị phục hồi sức khỏe cho học viên, đầu tiên phải nói về công tác chăm sóc sức khỏe của Trung tâm. Trung tâm hiện có 03 Bác sĩ và 11 điều dưỡng có kinh nghiệm lâu năm. Không chỉ điều trị trị cắt cơn, khám chữa bệnh mà Trung tâm còn được Ủy ban Phòng chống AIDS triển khai thực hiện “Dự án phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên”, trong đó có hai chương trình: Khám và chăm sóc miễn phí (OPC) và tư vấn xét nghiệm tự nghiệm (VCT) cho đối tượng nhiễm HIV. Với đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp (do Ủy ban Phòng chống AIDS đào tạo) các bạn học viên đã phần nào nhận thức tốt về căn bệnh thế kỷ, biết giữ gìn sức khỏe, tránh lây lan trong cộng đồng… Được biết dự án này thực hiện tại Trung tâm gần mười năm nay và được Ủy ban Phòng chống AIDS đánh giá cao kết quả đạt được của nó.
 

 
        Tổ chức giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề, đảm bảo các điều kiện vật chất, sinh hoạt tinh thần cho học viên là những điều kiện cần thiết để hoàn thành một quy trình cai nghiện. Trong công tác giáo dục, Trung tâm Nhị Xuân là một trong những đơn vị được Lực lượng TNXP đánh giá cao, là đơn vị thực hiện đầu tiên các chương trình giáo dục mới mà Lực lượng TNXP muốn triển khai áp dụng như chương trình giá trị sống, chương trình 3 tháng, tổ chức dạy chuyên đề theo phương pháp giáo dục chủ động. Trung tâm luôn thực hiện thành công và đưa ra những nhận xét, góp ý hay để Lực lượng hiệu chỉnh phù hợp với các đơn vị khác. Một số chuyên đề giáo dục được Trung tâm đang thực hiện giảng dạy cho học viên gồm bảo vệ và tăng cường sức khỏe, kỹ năng dự phòng tái nghiện, trách nhiệm công dân, xây dựng lối sống đã cơ bản giúp học viên tự chăm sóc sức khỏe, sống lành mạnh, biết đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
 

 
        Thực hiện được nhiệm vụ trên phải nói đến đội ngũ cán bộ quản lý, cụ thể là nhân viên phòng Giáo dục tư vấn và cán bộ Đội của Trung tâm. Họ là những người vốn có nghiệp vụ, có kinh nghiệm mà còn có tâm với nghề. Trung tâm vẫn không ngừng nâng cao trình độ cho họ qua việc thường xuyên tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn các kỹ năng tham vấn, tư vấn, kỹ năng giao tiếp tại đơn vị; tham gia các khóa học, các lớp tập huấn cấp Lực lượng; tham quan, học tập các đơn vị bạn; định kỳ họp giao ban công tác giáo dục để ghi nhận kết quả và đề ra hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp… Có thể nói, đội ngũ quản lý của Trung tâm luôn luôn đảm bảo nhiệm vụ được giao.
 
        Ngoài lực lượng cán bộ quản lý trực tiếp toàn tâm toàn ý, sâu sát với học viên, đơn vị còn xây dựng được một đội ngũ Giáo dục viên đồng đẳng - là cầu nối giữa cán bộ quản lý và học viên. Hiện đội ngũ Giáo dục viên đồng đẳng của Trung tâm có 65 thành viên, được lựa chọn từ học viên có quá trình học tập tốt. Các bạn được tập huấn các kỹ năng tham vấn, tư vấn, hiểu về các vấn đề sức khỏe, tâm lý, sinh lý để có thể hỗ trợ và chia sẻ với các bạn học viên khác với mục đích giúp nhau cùng tiến bộ.
 

 
        Ngoài học chuyên đề, trong thời gian cai nghiện tại Trung tâm, học viên còn được tham gia học văn hóa và học nghề. Tùy vào trình độ, sở thích, học viên sẽ được sắp xếp tham gia các lớp. Hiện Trung tâm phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên TNXP duy trì 04 lớp học văn hóa của năm 2010 gồm 3 lớp xóa mù và 1 lớp bổ túc cấp 1 cho 82 học viên; một lớp đào tạo đại học ngành Kinh tế - Luật với 15 cán bộ, nhân viên theo học. Các lớp nghề có đa dạng các ngành nghề để học viên lực chọn: tin học, may mặc, cắt tóc, điện gia dụng, sửa xe gắn máy …Nhìn chung sau thời gian cai nghiện với những kiến thức về văn hóa, về nghề cơ bản sẽ giúp được học viên tự tin hội nhập cuộc sống.
 

 
        Bên cạnh hoạt động học tập, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho học viên. Ở mỗi Đội đều có phòng sinh hoạt chung, thư viện, phòng karaoke, sân bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền … Hàng tháng, trung tâm đều tổ chức thi đấu để học viên các đội được giao lưu, rèn luyện thể chất…Trong 6 tháng đầu năm 2011, Trung tâm tổ chức 122 buổi hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ với 5.500 lượt học viên tham gia. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị biểu diện nghệ thuật của Thành phố chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, xiếc phục vụ cán bộ, đội viên, học viên...
 

 
        Với mảng công tác xã hội này, hai đoàn thể Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp, hỗ trợ các hoạt động. Trong những năm qua, Công đoàn cơ sở Trung tâm đã phát động chương trình “Chén súp tình thương” vào thứ bảy hàng tuần để học viên có thêm bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng; tổ chức thăm và tặng đường, sữa cho học viên yếu sức khỏe đang nằm điều trị; tặng quà tết cho các học viên gia đình khó khăn hoặc không người thân; tổ chức Hội thi tay nghề trong học viên để khích thích sự phấn đấu, thi đua lao động, nâng cao thu nhập… Đoàn Thanh niên cơ sở Trung tâm đã vận động đoàn viên thu gom sách báo, báo chí các loại để cung cấp cho thư viện các Đội; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho học viên; phối hợp phòng y tế Trung tâm thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch tại các Đội; trích quỹ Đoàn từ Công trình Thanh Niên để thăm và tặng quà cho học viên không có thân nhân thăm nuôi.
 
        Tiếp tục xung kích trên mặt trận ngăn chặn và phòng chống tệ nạn ma túy, Tháng 2.2008, được sự cho phép của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt “Đề án tiếp nhận người cai nghiện ma tuý diện tự nguyện có đóng phí” của Lực lượng Thanh niên Xung phong và triển khai thực hiện tại Trung tâm Nhị Xuân. Đề án cai nghiện ma túy tự nguyện là một mô hình mới, lần đầu tiên được áp dụng tại một đơn vị trực thuộc Lực lượng TNXP nên Trung tâm đã luôn cố gắng hoàn thành trọng trách này. Tính đến tháng 5.2011, Trung tâm đã tiếp nhận, quản lý 2.761 lượt người cai nghiện ma tuý diện tự nguyện có đóng phí. Điều này cho thấy mô hình cai nghiện diện tự nguyện tại Trung tâm Nhị Xuân nói riêng và Lực lượng Thanh niên xung phong nói chung đã dần tạo được uy tín và vị trí nhất định trong cộng đồng, xã hội. Đối tượng vào cai nghiện không chỉ cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh mà đã có nhiều người từ các tỉnh thành khác đến đăng ký cai nghiện (Nha Trang, Hải Phòng, Hà Nội…).
 

 
             Bạn Tạ Thị Hoàng Dung, học viên đội tự nguyện 1, không ngại bộc bạch với tôi: “Em có gia đình, cũng có một con trai rồi, nhưng vì không bản lĩnh nên em dính vào ma túy. Gia đình biết được Đề án cai nghiện ma tuý diện tự nguyện có đóng phí ở Trung tâm Nhị Xuân nên động viên em lên đây. Những ngày đầu, em giận gia đình lắm khi cho rằng mọi người không thương mình, nhưng sau một thời gian sinh hoạt tại Trung tâm em suy nghĩ khác. Chính vì hiểu rất rõ sự cám dỗ của ma túy mà em đã xin gia đình đồng ý gia hạn hợp đồng lần này nữa là 3, để em có thời gian, có điều kiện suy nghĩ về những lỗi lầm, ổn định nhận thức. Hơn 1 năm qua, em đã học hết lớp nghề để tự tin trở về sống bình thường. Em cám ơn lắm những thầy cô ở Trung tâm đã cho em những bài học về cuộc đời, về tình người và đã cho em một hành trang lớn, chắn chắn rằng mai này khi rời khỏi đây em sẽ là một công dân tốt của xã hội”.
 

 
        Hay như bạn Nguyễn Văn Huy, một học viên mà tôi gặp trước đây trong một chuyến công tác tại Trung tâm, gia đình khá giả, tốt nghiệp Cử nhân kinh tế và có một chỗ ổn định khi công tác tại một ngân hàng lớn. Không nói về quá khứ, chỉ biết bạn đã cai nghiện không thành công 2 lần, đến với Trung tâm Nhị Xuân là một ngã rẽ cuộc đời cho bạn. Bạn từng tâm sự là môi trường cai nghiện ở Trung tâm rất tốt, bạn học được những giá trị sống, tiếp xúc với những người thầy đáng kính, qua những lần được chia sẻ, được tham vấn, bạn nhận ra những giá trị của cuộc đời. Bạn đã khóc khi kể cho tôi nghe và tôi tin đó là những giọt nước mắt chân thành, giọt nước mắt của sự hoàn lương. Hôm nay, khi đến đây để viết bài này, tôi được biết bạn đã hòa nhập cộng đồng, cảm giác của tôi là vui mừng và có một niềm tin rất lớn, hẳn giờ đây bạn đang sống thật mạnh mẽ sau những trải nghiệm từ quá khứ.    
 
 
        Chắc có lẽ không thể đếm hết số lượt người cai nghiện ma túy mà Trung tâm đã chữa trị, cai nghiện phục hồi sức khỏe, giúp họ tìm lại cuộc đời. Anh Trần Hữu Thám, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện nay, Trung tâm đang quản lý 753 người cai nghiện bắt buộc và 347 người cai nghiện tự nguyện, đạt 70% kế hoạch năm. Trong kỳ, Trung tâm đã thực hiện tốt việc chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho học viên; áp dụng nhiều phương thức dạy nghề đa dạng như kết hợp dạy nghề ngắn hạn với dài hạn và dạy nghề thông qua lao động nhưng đảm bảo học viên nắm chắt tay nghề; ngày càng thu hút nhiều đối tác liên kết sản xuất giải quyết việc làm cho người cai nghiện; quan hệ gắn bó với Ban liên lạc thân nhân học viên, chính quyền địa phương để phối hợp, huy động sức mạnh xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn đơn vị, làm tốt nhiệm vụ quản lý, giáo dục học viên”.
 

 
        Tổ chức lao động trị liệu, lao động sản xuất, giải quyết việc làm cho cho học viên”cũng được đơn vị chú trọng thực hiện, bởi thông qua lao động trị liệu, lao động sản xuất, học viên sẽ được cải thiện sức khỏe, được thực tập nghề, tạo thu nhập cho bản thân và hơn hết là nâng cao ý thức lao động và trách nhiệm đối với xã hội. Thông qua đó, đơn vị cũng tổ chức quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí, tài sản, đất đai, vốn, các quỹ của Trung tâm theo đúng quy định của Nhà nước. Anh Nguyễn Thanh An, Phó Giám đốc Trung tâm đã giới thiệu cho chúng tôi một số hoạt động mà Trung tâm đang tổ chức lao động và giải quyết việc làm cho học viên: “Trong kỳ, Trung tâm đã huy động được 51.875 công lao động học viên và người sau cai, tham gia lao động sản xuất các công việc gia công mây tre lá, tách vỏ hạt điều, tham gia trồng trọt, chăn nuôi, đã đem lại tổng giá trị là 918.565.329 đồng, đạt 54,8% kế hoạch năm 2011, đồng thời, tạo thu nhập bình quân từ 17.000 đến 25.000 đồng/ ngày cho học viên, từ đó đảm bảo bổ sung vào bữa ăn 15.000 đồng/người/ngày. Hiện tại, Trung tâm đảm bảo 100% học viên đủ sức khỏe đều tham gia lao động và có thu nhập”.
 

 
        Anh An cũng đã hướng dẫn chúng tôi đi tham quan khu sản xuất kinh doanh của đơn vị. Khu vực chăn nuôi heo được bố trí nơi thoáng mát, dãy chuồng trại được quét dọn sạch sẽ, các chú heo thịt đang tận hưởng những bữa ăn và được tắm mát. Trung tâm đang có tổng sản lượng đàn heo hơi là 26.900 kg, 860 heo con, 90 heo nái, tổng doanh thu đạt trên 1 tỉ đồng và tận dụng chất thải từ heo để thu khí biogas, sử dụng cho bếp ăn, căn tin… Kế tiếp, anh cho chúng tôi tham quan khu vực trồng lan và trồng nấm. Đây là hai loại hình sản xuất mới được triển khai tại Trung tâm trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã dem lại những kết quả khả quan. Với 2,5 hecta khai thác, Trung tâm hiện có 68.000 cây lan và gần 1000 phôi nấm, trong kỳ đã khai thác được 1.031 cành lan, doanh thu là 2.725.000 đồng và 401 kg nấm, doanh thu là 8.020.000 đồng. Anh cho biết thêm: “Trung tâm đang có kế hoạch đầu tư các giống Lan đem lại hiệu quả cao và mở rộng hoạt động trồng nấm, cũng như khai thác thêm từ các hồ nước vốn có của đơn vị để thả cá. Ngoài ra chúng tôi còn 192 hecta rừng cần tuần tra bảo vệ và quản lý. Việc gia tăng sản xuất và khai thác nguồn tài nguyên vốn có nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, đội viên, học viên. Trung tâm đã quán triệt cụ thể,  mọi người cũng nô nức với chủ trương này”.
 
        Để thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu trên, Trung tâm hiện có 5 phòng nghiệp vụ và 8 đơn vị trực thuộc. Công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ được bố trí theo đúng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm và ngăn lực của cá nhân. Chế độ chính sách của người lao động đảm bảo được thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước, chế độ hội họp, khen thưởng được thực hiện dân chủ, công khai trên tinh thần tất cả vì nhiệm vụ chung của đơn vị.
 
        Anh Phạm Văn Tuyến, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trung tâm cho biết: “Nhìn chung, người lao động tại đơn vị đều an tâm công tác, mỗi năm đều góp những sáng kiến, hiến kế xây dựng đơn vị và được áp dụng thực tiễn tại đơn vị. Trung tâm còn tạo điều kiện cho người lao động phát huy khả năng lao động và tăng thu nhập thông qua hình thức thanh toán các khoản trợ cấp, phụ cấp làm thêm giờ. Phối hợp với 2 đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các hoạt động văn thể mỹ... giúp người lao động nâng cao kiến thức, rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi lành mạnh. Công tác đào tạo cũng rất được quan tâm, trong kỳ đã giải quyết hỗ trợ, tạo điều kiện cho 32 cán bộ, đội viên tham gia học tập nâng cao với các ngành học như Bác sĩ, Kinh tế - Luật, Quản trị nhân lực, Luật, Kế toán, Trung cấp lý luận chính trị...”.
 
        Cũng thông qua anh, tôi được biết, để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn đơn vị, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị kết nghĩa. Ủy ban nhân dân xã Xuân Thới Sơn, Công an Huyện Hóc Môn, Sư đoàn 9 – Củ Chi, bệnh viên Hóc Môn, nhân dân địa phương là những tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ rất nhiều cho Trung tâm trong việc giữ an ninh đơn vị, thực hiện chuyển viện kịp thời, phòng dịch tốt, phòng chống cháy rừng, giữ đất rừng…
 
        Còn đó những khó khăn như phát triển các loại hình sản xuất, xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch và xử lý nước tù đọng, xây dựng trang tin điện tử để hiện đại hóa công tác thông tin, quảng bá về đơn vị nhưng với một bề dày 17 năm kinh nghiệm, với mục đích hết sức cao cả “vì sự nghiệp con người”, một tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động luôn năng động, nhiệt tình, sáng tạo sẽ góp phần không nhỏ cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là thực hiện chức năng tổ chức cai nghiện, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho học viên và người sau cai, tích cực thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy mà Ủy ban nhân dân Thành phố giao cho Lực lượng TNXP. Trung tâm Nhị Xuân hiện đóng tại 198E, đường Đặng Công Bỉnh, ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, một vùng đất an lành, những con người dám vượt lên gian khó, tinh thần đoàn kết kế thừa thành quả của Thanh Niên Xung Phong, Trung tâm Nhị Xuân - mảnh đất hai mùa xuân của lòng người vẫn đang tiếp tục vươn lên./.
 

 

                                                                                             Thủy Tiên - Ánh Tuyền

 

 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn