Ngày Bác Hồ còn sống, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân cả nước lại háo hức chờ đón giây phút chuyển giao thiêng liêng của đất trời và mong được nghe Bác Hồ kính yêu đọc thơ chúc tết. Thơ Bác nói chung và thơ chúc tết nói riêng của người thấm đậm tình người, tình yêu quê hương đất nước. Ngay tết đầu tiên sau khi nước nhà giành chính quyền (01.02.1946), chỉ 04 câu thơ chúc tết của Bác đã chứa đựng toàn bộ nhiệm vụ của toàn dân tộc về kháng chiến kiến quốc:
“Trong năm Bính tuất mới
Muôn việc đều tiến tới
Kiến quốc chóng thành công
Kháng chiến mau thắng lợi”
Trong cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc với tên đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn nhất, những câu thơ của Bác như có thép truyền vào chúng ta như hồi kèn xung trận. Dự báo về tương lai, tin tưởng vào thắng lợi của ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc:
“Xuân về xin có một bài ca
Gởi đến đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa”
(Thơ chúc tết Đinh mùi năm 1967)
Như một lời tiên tri, trong mỗi vần thơ như thể hiện tài năng và trí tuệ mẫn tiệp của một lãnh tụ thiên tài. Thơ chúc tết của Bác là cội nguồn, là niềm tin tất thắng trong nhân dân. Bài thơ chúc tết Kỷ Dậu năm 1969 của Bác như bài ca động viên toàn quân, toàn dân tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! chiến sỹ đồng bào
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”.
Những bài thơ chúc tết của Bác không chỉ là biểu tượng cho cái đẹp của mùa xuân, cho tương lai tươi sáng của dân tộc mà còn thấm đậm tư tưởng của cách mạng, tinh thần quốc tế trong sáng, giàu tính nhân văn. Ngôn từ giản dị dễ nhớ và thấm sâu vào lòng người, tha thiết lắng đọng và cũng rất hùng tráng như bài hịch của non sông.
Mỗi khi tết đến xuân về, nghe thơ chúc tết của Người, lòng ta trong sáng hơn.
Đào Cử (sưu tầm)