Với tính cách lạc quan, và nhân hậu của người con lớn lên từ miền Tây sông nước, anh dễ gây được thiện cảm của người đối diện ngay từ lần đầu tiếp xúc. Anh là Mai Công Hiền, nhân viên lái xe của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2. Người đồng nghiệp dễ mến mà chúng tôi vẫn thường gọi với cái tên thân mật - Út Hiền.
Anh Mai Công Hiền
Gắn bó với đơn vị đến nay đã được 12 năm, cũng là chừng ấy thời gian anh xa gia đình, quê hương. Quê anh ở Tiền Giang, vợ con anh đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc của anh phải di chuyển nhiều, hơn nữa, đơn vị lại đóng quân xa thành phố nên thời gian dành cho cha mẹ, vợ con của anh mỗi năm cũng chỉ vẻn vẹn hơn mười ngày phép hay ít phút ghé qua nhà khi có dịp đi ngang. Vậy mà với tính tình lạc quan vốn có anh thường hóm hỉnh nói với chúng tôi:
- Trót yêu màu áo TNXP rồi, Mị biết phải làm sao đây?
Chỉ là lời nói đùa, nhưng chúng tôi biết, tinh thần TNXP trong anh là có thật. Với dáng người thấp và tướng đi "lạch bạch" chẳng thể lẫn với một ai, thế mà, ở đâu có việc cần là anh có mặt rất nhanh chóng, chẳng kể nắng mưa hay sớm tối. Dù đã lớn tuổi, thỉnh thoảng lại bị những cơn đau do bệnh gout hành hạ, thế nhưng anh vẫn là một cầu thủ thường xuyên của đội tuyển bóng đá Phòng Tổ chức - hành chính mỗi khi ra sân so tài với các đội bạn ở các Phòng nghiệp vụ khác.
Đối với công việc, anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Những chiếc xe luôn được anh chăm sóc kỹ càng, vệ sinh sạch sẽ và kịp thời đề xuất bảo trì, đăng kiểm theo quy định. Theo anh: "Chiếc xe là người bạn đường, là sinh mạng của mình và mọi người. Mình phải xem nó như là tri kỷ, phải lắng nghe và tường tận về nó để biết được nó vẫn ổn hay đã gặp vấn đề gì trục trặc, từ đó mà khắc phục, sửa chữa". Yêu nghề, yêu xe là thế, nên việc chấp hành luật lệ giao thông của anh cũng rất nghiêm chỉnh. Nhiều năm liền, anh không để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mỗi chuyến hành trình của anh đều diễn ra rất an toàn. Vì thế mà nhiều năm liền anh được đơn vị đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Ban Giám đốc tặng danh hiệu lao động tiên tiến.
Nhờ tính tình hòa đồng, cởi mở mà anh luôn được mọi người quý mến. Mỗi khi đi công tác, những câu chuyện hài hước với sự tham gia của bác tài Út Hiền vui tính làm quãng đường như ngắn lại. Một số chị em vì thế mà cũng hạn chế phần nào hiện tượng "say xe" ám ảnh. Hễ không chạy xe, anh lại chăm sóc cảnh quan đơn vị. Đối với công việc chung của đơn vị, ở đâu, bất cứ khi nào có việc cần anh đều có mặt với tâm thế sẵn sàng, vui vẻ, hợp tác.
Tôi cứ nhớ mãi cái lần mình bị cơn đau quặn thận hành hạ lúc nửa đêm. Vì nhà quá xa bệnh viện, phương tiện giao thông lại chẳng thuận lợi, phải ráng để chờ đến sáng nhờ xe đơn vị chở đi. Lúc đó, tôi có cảm giác mình chẳng thể chịu đựng thêm được nữa, vừa đau, vừa lo lắng vì nhà chỉ có hai vợ chồng. Chồng tôi lại đang bị liệt cánh tay phải vì vụ tai nạn giao thông cách đó 1 năm, 2 cháu còn nhỏ, tôi phải nhờ hàng xóm trông giúp trong khi chờ ông bà vào đón.
Quãng đường khoảng 70 km lên Đà Lạt đối với tôi chưa bao giờ dài như thế. 3 người (tôi, chồng tôi và anh Hiền) chẳng ai nói được với ai câu nào, vì chồng tôi cũng cố chịu đau do vết thương cũ, có chăng là tiếng rên hừ hừ của tôi. Bác tài thỉnh thoảng lại ngó xuống xem xét tình hình rồi thở dài.
Tại phòng cấp cứu, sau khi tiêm xong cho tôi 1 mũi thuốc, bác sĩ yêu cầu người nhà đưa đi siêu âm. Cô điều dưỡng đẩy xe lại và gọi: “Người nhà Vũ Thị Cúc”, chẳng có ai trả lời. Tôi muốn lả đi vì đau và đói bụng, nhưng cố nhìn ra. Phía xa, chồng tôi với cánh tay còn đau nhức, đang loay hoay làm thủ tục nhập viện cho tôi cùng một mớ giấy tờ. Tôi bất lực nằm chờ và nghe âm thanh có phần cáu gắt của cô điều dưỡng khi đã gọi đến lần thứ 3 mà vẫn không thấy ai trả lời. Nhắm mắt lại và cảm giác như có gì đang nghèn nghẹn nơi cổ họng. Rồi có ai đó đặt 1 thứ gì lên tay, tôi mở mắt - là Út Hiền. Anh xuất hiện với tôi lúc đó giống như một ông tiên, anh nhìn tôi, hiền từ nở một nụ cười:
- Ráng uống miếng sữa cho đỡ mệt rồi anh đưa đi siêu âm.
Thì ra thấy tôi mệt quá nên nãy giờ anh chạy ra ngoài mua cho vợ chồng tôi chút đồ ăn và một số đồ dùng lặt vặt. Lúc đi, chúng tôi chẳng mang được gì. Như có cơ hội, nước mắt tôi cứ thế trào ra.
- Em tưởng anh về rồi!
- Ờ! Ngốc quá, nhìn cô như vầy nè, tui yên tâm về được chắc?
Rồi anh đưa tôi đi siêu âm, giúp vợ chồng tôi làm xong thủ tục nhập viện. Chờ người nhà lên hỗ trợ, anh mới về, cũng không quên dặn tôi nghỉ ngơi, điều trị cho mau khỏe. Trong thâm tâm, chúng tôi luôn thầm biết ơn vì nếu lần đó không có anh, có lẽ vợ chồng tôi chẳng biết xoay sở ra sao.
Ngày mai, anh Hiền lái xe xuống Đồng Nai chở cám về phục vụ công tác chăn nuôi của đơn vị. Chị Thanh lại nhắc mọi người ai có nhu cầu mua khô cá, cá tươi tại cầu La Ngà hay trái cây ở Mađagui thì đăng ký để Út Hiền ghé mua giùm cho. Anh là thế - đúng máu TNXP, chân chất, hiền lành và nhiệt tình. Dẫu rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần lạc quan và ngọn lửa tâm huyết với nghề trong anh thì chưa bao giờ thôi cháy. Với chúng tôi, anh mãi là người anh, người đồng nghiệp, bác tài dễ mến.
Vũ Thị Cúc
Mị: tên của nhân vật trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, thường được dùng để nói về chính mình trong những câu nói đùa.