Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37566602
Thanh niên xung phong học tập và làm theo lời bác
Đoàn Văn Bảnh - người cán bộ quản lý Saigon Co.op trưởng thành từ phong trào Thanh niên xung phong

      Cách đây 71 năm, vào ngày 15/7/1950, Đội Thanh niên xung phong Trung ương đầu tiên được thành lập, với 225 đội viên và 3 Liên đội, nhiệm vụ được giao là phục vụ cho Chiến dịch Biên giới Thu Đông. Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, Lực lượng Thanh niên xung phong đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ngày nay, có không ít cán bộ lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực, đã từng được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào Thanh niên xung phong, trong đó, có ông Đoàn Văn Bảnh, Phó Trưởng Phòng Logistics Saigon Co.op.

     Cơ duyên với Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Thành phố

     Ông Đoàn Văn Bảnh sinh năm 1965, nhưng có lẽ do từ nhỏ đã được chứng kiến sự tàn khốc trong cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ, kết hợp với quá trình rèn luyện, thử thách trong môi trường Thanh niên xung phong, nên nhìn ông Bảnh có vẻ già dặn hơn so với những bạn bè cùng trang lứa.

     Đưa mắt nhìn về những tấm hình kỷ niệm thời tuổi trẻ, ông Đoàn Văn Bảnh rít sâu điếu thuốc, chậm rãi kể lại những kỷ niệm khó quên ở kỳ thi Đại học vào năm 1983. Năm ấy, do quá căng thẳng nên ông đã làm lạc đề môn Toán, dẫn đến trượt kỳ thi đại học đầu đời. “Đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh những cánh quạt quay chầm chậm trên trần nhà, hay âm thanh lật giấy sột soạt trong không gian im ắng của phòng thi. Thật ra đề Toán năm đó vẫn nằm trong khả năng của tôi, nhưng khi phát hiện được “bẫy” trong đề bài, thì chỉ còn 15 phút cuối, tôi xoay xở không kịp nữa. Cơ hội đại học lúc này khép lại, nhưng đã mở ra cơ duyên mới, đã đưa tôi đến với Lực lượng TNXP, với nhiều ân tình và kỷ niệm đẹp. Đặc biệt, tôi gia nhập Lực lượng đúng vào ngày tựu trường toàn dân 5/9 năm đó”, ông Đoàn Văn Bảnh bồi hồi kể lại.

      Ông Đoàn Văn Bảnh (bìa cùng bên phải) đến tham quan Thảo Cầm viên Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1984, trong chuyến nghỉ phép về thăm nhà từ Nông trường Đỗ Hòa (huyện Cần Giờ)

     Điểm trình diện đầu tiên của ông Bảnh là tại Nông trường Đỗ Hòa (huyện Cần Giờ). Ông được người bạn thân tên Nguyễn Thừa Vũ (nay là Tiến sĩ đang sống ở Úc) chở ra bến đò Nhà Bè bằng chiếc xe cuộc, sau một đêm thao thức, tâm sự cùng nhau cho đến sáng. Sau mấy tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước, khi đã có mặt tại điểm tập kết, ông Bảnh tưởng chừng như mới diễn ra vài phút đồng hồ, vì ông vẫn chưa dứt khỏi dòng suy nghĩ miên man về kỳ thi Đại học đầu tiên của đời mình.

     Ngày đầu ấn tượng ở đảo Ông Đen

     Khi đò cập bến, sau khi chào hỏi nhanh vài câu, ông Bảnh được Ban chỉ huy phân công về Đại đội 4. Tuy có người dẫn lối và đường đi không quá xa, nhưng phải qua những con đường nhỏ đan xen giữa những bụi cây um tùm, nối giữa bằng những chiếc cầu khỉ chênh vênh, ông đi bộ từ chiều đến sập tối mới tới nơi đóng quân. Sau khi ăn bữa cơm chiều đầu tiên tại Tiểu đội 1, bên ngọn đèn dầu nhỏ, ông Bảnh ngồi lấy kim lể gai chà là chi chít trên hai bàn chân. Đây là quãng đường đi bộ xa nhất trong đời và cũng là lần đầu tiên nếm trải cảm giác đau nhói khắp hai bàn chân mềm yếu, vốn chỉ quen mang dép, đi đường nhựa trong 18 năm qua.

     Đến đây, ông Bảnh mới biết từ “Ông Đen” không phải là tên gọi của hòn đảo, mà là biệt danh của anh em TNXP đặt cho ông Phan Tấn Lân, Giám đốc Nông trường dừa Đỗ Hòa, vì màu da đen đặc trưng của ông ấy.

     Nhiều kỷ niệm khó quên

     Công việc trên đảo dừa Đỗ Hòa là phát hoang và đào mương, lên liếp, đắp ụ, hay còn gọi là làm đất.

     Đối với nhiệm vụ phát hoang, mỗi người sẽ được phát cho một cái cán gỗ, một lưỡi rựa, phải tự gọt, đẽo làm sao tra lưỡi vào cán cho chắc chắn và vừa tay để sử dụng, ai làm hỏng phải tự bỏ tiền mua cán mới. Điều này, rõ ràng là một thách thức lớn đối với những người chỉ quen cầm bút như ông Bảnh.

     Việc phát hoang thì thường đi riêng từng người, chặt cây, gom đống lại để đốt. Anh em làm nhiệm vụ phát hoang thì ai cũng có da đen như cột nhà cháy vì tiếp xúc thường xuyên với nắng, khói lửa hàng ngày. Điều ám ảnh nhất khi thực hiện nhiệm vụ phát hoang là sâu, vì khi hun khói lên, nếu có tổ ong thì ong bay đi hết, nhưng các con sâu thì không thấy rõ được, chỉ cần đi ngang qua nó, dính phải lông sâu thì ngứa vô cùng tận, càng gãi càng ngứa và da ửng đỏ lên sau khi gãi. Những ai gặp tình cảnh này, cách duy nhất để khắc phục là chui vào nhà ăn, đưa cái lưng, bụng, nơi tiếp xúc với lông sâu tới gần bếp lửa để hơ lông của sâu thì mới hết hẳn.

     Riêng làm đất thì vui hơn. Vì làm gần nhau nên dễ tán dóc và có thể kết hợp nhiều người lại để làm chung, cũng dễ hoán đổi công việc cho phù hợp với sức khỏe của từng người. Quy trình của việc đào mương, lên liếp, đắp ụ cũng rất chặt chẽ, gồm hai bước: đầu tiên, hai người cùng xắn đất và quăng lên liếp để tạo ụ; khi đủ khối lượng, một người lên sắp xếp đất lại theo kích thước ụ đã giao, thường quy cách 3m x 3m x 1m. Sau khi hoàn thành, cán bộ đến tiến hành đo kích thước của ụ để nghiệm thu. Khi mệt thì anh em hoán đổi lại vị trí và cứ như thế mà làm tiếp.

     “Còn nhiều kỷ niệm khó quên khác tại Nông trường dừa Đỗ Hòa, như đắp đập ngăn rạch, rồi những ngày trườn trên bãi sình lầy để trồng cây đước. Hay chuyện ăn cơm cũng độc đáo, với thực đơn hầu như cố định, gồm: buổi sáng là cơm với nước gạo rang và muối; buổi trưa, chiều là cơm với cá khô kho, một ít canh “toàn quốc”, thỉnh thoảng có ít rau và thịt. Cũng có lúc đói bụng giữa đêm, anh em trong Tiểu đội phải hùn nhau tạm ứng tiền gạo, sau khi nhờ anh nuôi nấu giùm, từng người chạy lên bếp nhận cơm, kèm muối ớt về để ăn khuya. Thực đơn chỉ đơn giản thế thôi, nhưng chúng tôi ăn cơm cảm thấy rất ngon và ai cũng đủ sức khỏe để làm việc”, ông Đoàn Văn Bảnh nhớ lại.

     Gắn bó hơn một năm tại Nông trường Đỗ Hòa với nhiều kỷ niệm, đến cuối năm 1984, ông Đoàn Văn Bảnh được chuyển về Liên đội TNXP quận Phú Nhuận, đóng quân ở Đắk Nông. Qua quá trình cống hiến, dấn thân, rèn luyện, với bao kỷ niệm vui buồn trong Lực lượng TNXP, ông Bảnh xuất ngũ vào năm 1988 và được chuyển về công tác tại Ban An ninh quốc phòng, Quận đoàn Phú Nhuận.

     Là cán bộ quản lý giỏi của Saigon Co.op

     Ông Bảnh xây lại ước mơ học đại học bằng việc thi và trúng tuyển chuyên ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ông gia nhập Saigon Co.op vào cuối năm 2004, với vị trí chuyên viên công nghệ thông tin, rồi bằng năng lực, bản lĩnh của mình, ông được đề bạt, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Phòng Công nghệ thông tin vào cuối năm 2006. Ông Bảnh được giao nhiệm vụ quản lý, đào tạo, phụ trách phần mềm Hệ thống quản lý bán hàng MMS (Merchandise Management System) của Saigon Co.op. Trong quá trình công tác tại đơn vị, ông luôn được đánh giá cao, với nhiều sáng kiến, cải tiến, đóng góp trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Saigon Co.op. Năm 2014, khi lãnh đạo đơn vị đang cần người có uy tín và năng lực để phát triển hoạt động Logistics, ông Đoàn Văn Bảnh được phân công sang làm Phó Trưởng Ban Dự án và hiện tại là Phó Trưởng Phòng Logistics của Saigon Co.op.

    Ông Đoàn Văn Bảnh (đứng thứ 2 từ trái qua) chủ trì Lớp tập huấn công tác hướng dẫn, triển khai ứng dụng giải tồn, hỗ trợ đặt hàng, chống đứt hàng năm 2018 tại các Co.opmart Khu vực Bắc Trung Bộ 

     Rời Lực lượng TNXP đã hơn 30 năm, nhưng những kỷ niệm, câu chuyện, hình ảnh trong những ngày tháng gắn bó với Lực lượng TNXP luôn in đậm trong ký ức của ông Đoàn Văn Bảnh. Trong tâm niệm, ông luôn thầm cảm ơn môi trường Thanh niên xung phong đã trui rèn, đào tạo cho ông có thêm nhiều bản lĩnh, lòng kiên trì, kinh nghiệm sống để có thể đứng vững trên bất cứ hoàn cảnh nào trong công việc lẫn cuộc sống. Trải qua bao thời khắc gian khó của cuộc đời, điều ông Đoàn Văn Bảnh hạnh phúc nhất lúc này là người con trai của ông cũng nối nghiệp kỹ thuật, hiện đang theo học Đại học năm 3, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang, cũng là một trong những sinh viên nổi trội trong học tập và tiêu biểu trong các phong trào tình nguyện của Trường.

     Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Lực lượng TNXP cùng với quân đội ta đã có những đóng góp to lớn, cùng với những hy sinh, mất mát không nhỏ cho đất nước. Ở thời bình, cũng có rất nhiều cựu cán bộ, đội viên TNXP, sau khi xuất ngũ, đã nhanh chóng trở thành những gương điển hình làm kinh tế giỏi, những chuyên gia trong các ngành khoa học, hay các cán bộ quản lý có uy tín cao, trong đó, có ông Đoàn Văn Bảnh, Phó Trưởng Phòng Logistics Saigon Co.op, cựu đội viên Thanh niên xung phong.

Lê Thanh

(Ghi theo nhật ký của ông Đoàn Văn Bảnh)

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn