Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37590583
Sản xuất kinh doanh
Cầu nối góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào

       Đến Champasak (Lào) trong những ngày cuối tháng ba nắng nóng như đỏ lửa, nhưng công nhân, người lao động trên các nông trường cao su vẫn miệt mài với công việc của mình mới thấy được sự phấn khởi của những con người nghèo khổ được có công ăn việc làm, thấy màu xanh trù phú trong từng bản làng nghèo khó…

       Niềm vui trên khuôn mặt người dân bản Lào, sự thay da đổi thịt từ những vùng đất cằn cỗi vốn có một phần lớn là kết quả từ những dự án triển khai trồng cao su hiệu quả do Công ty Cổ phần cao su TPHCM thực hiện tại các tỉnh Nam Lào, là công lao đầy ý nghĩa của lực lượng xung kích Thanh niên xung phong TPHCM. Không chỉ mang làn gió mới đến với đời sống người dân nghèo Lào, hiệu quả từ những dự án còn là chiếc cầu nối đầy ý nghĩa góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
 
       Triển khai hiệu quả các dự án
 
       Công ty Cổ phần cao su TPHCM được thành lập từ tháng 7/2007 với chức năng ngành nghề kinh doanh chính là khai hoang, trồng mới, chăm sóc, khai thác chế biến và mua bán các sản phẩm từ cây cao su. Mục tiêu nhiệm vụ chính của công ty là thực hiện dự án đầu tư phát triển 6.000 ha cao su tại Lào, theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM.
 
       Tính đến tháng 3/2012, công ty đã khai hoang, trồng mới, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản tại hai tỉnh Attapư và Champasak (Lào) với 2.890 ha đất khai hoang và 2.632 ha đất trồng mới cao su. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su TPHCM Ngô Trung Liêm cho biết, hầu hết diện tích cao su đã trồng của công ty tại Champasak đều sinh trưởng và phát triển khá tốt.
 
  
Những vùng đất cằn cỗi tại huyện Phathumphon giờ được thay bằng những bạt ngàn cao su xanh mát.
 
       Để tiếp tục thực hiện đúng tiến độ mục tiêu đầu tư phát triển 6.000 ha cao su tại Lào, công ty đã tính toán xác định nhu cầu, quy mô vốn đầu tư nhằm hoàn thành dự án. Cụ thể, trong năm 2012, công ty phấn đấu trồng mới 500 ha cao su tại huyện Khổng; năm 2013, trồng mới 1.500 ha tại huyện Moonlaphamok; năm 2014, trồng mới 1.400 ha tại huyện Moonlaphamok, tỉnh Champasak và đến năm 2015, tổng diện tích cao su định hình trồng mới là 6.000 ha. Dự kiến đến năm 2014, công ty sẽ đưa vào khai thác 180 ha cao su đầu tiên (trồng vào năm 2008, tại huyện Phathumphon, tỉnh Champasak).
 
       Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su TPHCM Ngô Trung Liêm cho biết thêm: Bên cạnh công tác khai hoang trồng mới, công ty cũng đã và đang thực hiện tốt việc định hình diện tích, tổ chức quản lý chăm sóc tốt diện tích cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản và tiến hành đầu tư các hạng mục xây dựng cơ bản như: nhà máy chế mủ, hạ tầng giao thông và kiến trúc nhằm khai thác hiệu quả dự án đầu tư.
 
       Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con dân bản Lào
 
       Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư, công ty đã giải quyết, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên, người lao động, đặc biệt đối với lực lượng lao động là bà con dân bản Lào.
 
 
Giám đốc Nông trường cao su Mường Khổng (huyện Khổng, Champasak, Lào) Trần Huỳnh Tam hướng dẫn công nhân người Lào cách bón phân cho từng gốc cao su
 
       Anh Trần Huỳnh Tam, Giám đốc Nông trường cao su Mường Khổng (đóng trên địa bàn huyện Khổng, Champasak, Lào) cho biết, trong bình mỗi mùa vụ, nông trường giải quyết việc làm cho khoảng từ 250-300 bà con dân bản trên địa bàn huyện.
 
       Tính chung từ việc triển khai các dự án khai hoang, trồng mới, chăm sóc cao su do Công ty Cổ phần cao su TPHCM thực hiện, đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động là dân bản Lào hàng năm, với mức thu nhập bình quân của lao động người Lào là 1.250.000 Kíp/người/tháng (tương đương 3,3 triệu đồng/người/tháng).
 
       Ông Kẹo Phalăngxi, Trưởng bản Tân Pieu, huyện Phathumphon, tỉnh Champasak, nơi đang triển khai dự án trồng cao su của Công ty Cổ phần cao su TPHCM cho biết: “Trước đây, trong bản chúng tôi hầu hết các hộ gia đình đều nghèo, gia đình khó khăn, con cái không có điều kiện học hành. Từ ngày có nông trường, được hướng dẫn, giúp đỡ vào làm việc, toàn bản Tân Pieu giờ chỉ còn 7/48 hộ nghèo. Nhà ai cũng đã có xe máy, có xe cày, xe kéo, con cái được học hành, có cái chữ. Không chỉ có vậy, ngoài thời gian làm việc tại nông trường, người Việt con giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong bản cách làm ruộng sao cho hiệu quả, năng suất cao”.
 
       Gặp chúng tôi, chị Sư Vẻn (44 tuổi), có thâm niên 3 năm làm việc tại nông trường cao su, vui vẻ kể: “Từ ngày đi làm ở nông trường cao su, tôi đã có tiền dành dụm mua được xe máy, mua thêm gạo trang trải cuộc sống hàng ngày và mua quần áo mới cho gia đình mặc đi chơi vào dịp lễ, tết”.
 
       Còn với anh Xem (23 tuổi), lao động trong đội sản xuất cao su tại bản Tân Pieu, huyện Phathumphon, chia sẻ: “Tôi rất vui được làm việc với người Việt. Họ rất thân thiện, gần gũi và tốt bụng. Chúng tôi được biết thêm rất nhiều điều, từ cách khai hoang, trồng mới, đào hố, tỉa chồi, chăm sóc cây cao su như thế nào, đến việc chọn giống, gieo hạt ra sao để cây lúa tốt tươi, trĩu hạt cho mùa vụ”.
 
       Và những công trình ý nghĩa của tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào
 
       Ngoài các hoạt động đầu tư trồng cao su, Công ty Cổ phần cao su TPHCM còn đặc biệt quan tâm thực hiện các công trình xã hội, công trình phúc lợi cộng đồng tại hai tỉnh Attapư và Champasak (Lào), tạo điều kiện làm thay da đổi thịt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân bản tại địa phương.
 
       Trăn trở trước sự khó khăn, cực khổ vì thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng, Công ty đã đầu tư khoan và trao tặng giếng nước sạch cho bà con dân bản Set Nam Om, huyện Khổng (tổng kinh phí cho mỗi giếng khoan là 30 triệu đồng).
 
 
Công trình giếng khoan do Công ty cổ phẩn Cao su Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ cho vùng dự án của Công ty
 
       Nhằm tạo điều kiện cho người dân cho điều kiện cải thiện sức khỏe, công ty đã đầu tư xây dựng công trình sân bóng đá tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa thanh thiếu niên huyện Pathumphon, tỉnh Champasak (với giá trị khoảng 200 triệu đồng).
 
       Đặc biệt, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Công ty đã tặng cho UBND tỉnh Champasak 15 bộ máy vi tính và máy in, với giá trị khoảng 150 triệu đồng); sửa đường vào bản Tân Pieu; xây tặng 2 lò gạch cho 2 huyện Sảnxay và Sayxetha, tỉnh Attapư, với giá trị khoảng 780 triệu đồng.
 
       Hàng năm công ty phối hợp với Thành đoàn TPHCM tổ chức các Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh cùng nhiều hoạt động xã hội như: khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo, tập huấn kỹ thuật khuyến nông, tặng tập vở học sinh cho các em học sinh nghèo và nhiều hoạt động khác.
 
       Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ, đầu tư cho nhiều hoạt động khác như: xây dựng trao tặng nhà hữu nghị, tổ chức văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hội nghị các cấp, khắc phục bão lụt, tổ chức lễ hội… cho người dân bản Lào.
 
       Dù kết quả đạt được của công ty còn nhiều khiêm tốn, song có thể khẳng định, những hoạt động của công ty ở nước bạn Lào mang đến rất nhiều ý nghĩa cho những con người chân chất, hiếu khách nơi đây. Và càng có ý nghĩa hơn khi qua đó, tình đồng chí, tình anh em, tình làng nghĩa xóm gắn kết keo sơn Việt - Lào đang ngày càng được vun đắp, thắt chặt hơn!
 
       Thiên Linh
CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn