Công tác tư tưởng, tuyên giáo là một trong những hoạt động quan trọng của Đảng, là nội dung trọng yếu của công tác lãnh đạo và là phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Công tác tư tưởng, tuyên giáo nhằm tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, có vai trò “đi trước”, làm nhiệm vụ “mở đường” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2020), một số cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở chia sẻ về những cảm xúc, kỷ niệm cũng như sự quyết tâm nỗ lực, phấn đấu trở thành người cán bộ Tuyên giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống…
Đồng chí Võ Văn Thành (thứ 2 từ trái qua) tham gia diễn đàn thanh niên quận Tân Phú
* Đồng chí Võ Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận Tân Phú:
Phải thể hiện tính chiến đấu, đổi mới
Năm nay ngành Tuyên giáo của Đảng ta tròn 90 tuổi. Là người làm công tác Tuyên giáo ở cơ sở ngót ngét đã 11 năm – một khoảng thời gian không quá dài nhưng chính đây là khoảng thời gian giúp tôi trải nghiệm, cống hiến và đến nay công tác Tuyên giáo như đã ngấm vào máu thịt mình.
Tôi cũng thử nghiệm lại xem động lực gì mà được như vậy: Có phải do quá đam mê công việc này? Tình yêu địa phương mình đang công tác? Ý thức trách nhiệm của một người đảng viên đối với nhiệm vụ mà Đảng giao phó? Hay là do mình mang bản chất của anh “Bộ đội cụ Hồ”, thường hay nhủ trong trong lòng: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nghiệm đi nghiệm lại không có cái nào trội hơn cái nào cả, tất cả những yếu tố đó tổng hợp lại, trở thành động lực của mình.
Thật vậy, qua 11 năm làm công tác Tuyên giáo, trải qua nhiều hoàn cảnh, ngoài việc đã giúp bản thân trưởng thành hơn, tư duy lý luận được nâng lên và củng cố, có điều kiện để chiến đấu trên mặt trận tư tưởng vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, có không gian để sáng tạo, đột phá trong nhiệm vụ, nâng cao trình độ về mọi mặt… thì bản thân có lúc cũng gặp khó khăn, thách thức, cám dỗ, thậm chí sự hiểm nguy. Nhiệm vụ của người làm công tác Tuyên giáo đòi hỏi phải thể hiện tính chiến đấu dứt khoát, đột phá, sáng tạo và đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, tận đáy lòng mình tôi chỉ có hai mong ước: Thứ nhất, mong ước sự nghiệp của Đảng ta luôn đạt được thắng lợi vẻ vang; đất nước luôn hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng để người cán bộ Tuyên giáo được thường xuyên nói lên mạnh mẽ niềm tự hào về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, về đất nước vinh quang, về một dân tộc Việt Nam đầy kiêu hãnh. Thứ hai, Đảng ta càng quyết liệt hơn trong công cuộc phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, để niềm tin của nhân dân đối với Đảng không bị giảm sút, để các thế lực thù địch không lợi dụng để chống phá; để người cán bộ Tuyên giáo không phải đối diện và phải nói những điều không ai muốn nói về các tiêu cực, sai trái của tổ chức và của đồng chí, đồng đội mình.
Đồng chí Cao Văn Đức tặng quà cho hộ dân nghèo tại xã Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước
* Đồng chí Cao Văn Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công thương tại TPHCM:
“Tâm huyết” là hai chữ mà người làm công tác Tuyên giáo phải nằm lòng
Trưởng thành từ một người cán bộ Đoàn, bản thân vẫn còn cảm thấy bỡ ngỡ như một cậu học trò nhỏ bước chân vào môi trường Tuyên giáo vào năm 2015… Trải qua gần 6 năm làm người cán bộ Tuyên giáo, bản thân càng hiểu và cảm nhận những khó khăn của công tác Tuyên giáo, nhất là trong tình hình hiện nay nhiều cán bộ “ngại” khi được phân công làm công tác Tuyên giáo, đặc biệt với cán bộ trẻ thường non kinh nghiệm, chưa nhận thức được những gì cần làm, chưa biết phải làm thế nào…
Những ngày đầu, bản thân cũng đã từng có những bỡ ngỡ như thế, tuy nhiên qua quá trình làm việc, học hỏi từ các bác, các chú, những người tiền nhiệm và lắng nghe ý kiến góp ý từ chính các anh chị đồng nghiệp, bản thân đã thấy mình thực sự trưởng thành, cảm thấy yêu mến, gắn bó với công tác Tuyên giáo. Gần 6 năm công tác, bản thân thấy rằng người làm công tác Tuyên giáo cần phải trang bị cho mình nhiều điều. Trước tiên cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, phải có tâm, có tầm, phải dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm.
Ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin; thông tin được cập nhật từng giây và mạng xã hội phong phú, đa chiều… đặt ra thuận lợi lớn nhưng cũng không ít khó khăn cho người làm công tác tuyên truyền. Do vậy người làm công tác Tuyên giáo phải có khả năng dự báo tình hình và nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội để góp phần đưa ra những ý kiến tham mưu chính xác, nhạy bén, hiệu quả. Thêm vào đó, cần phải rèn luyện kỹ năng nói hay, viết tốt, thường xuyên đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi với quần chúng, nhân dân. Gắn với thực tiễn chính là cách để mỗi cán bộ Tuyên giáo đánh giá hiệu quả việc đưa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào hơi thở cuộc sống. Và cuối cùng, “tâm huyết” là hai chữ mà người làm công tác Tuyên giáo cần phải thuộc nằm lòng, bởi lẽ có tâm huyết mới vượt qua những khó khăn trở ngại hiện nay của ngành để có bước đi, cách làm hiệu quả và trở thành người cán bộ Tuyên giáo năng động, giàu sức sống và thuyết phục.

Đồng chí Cao Linh Phụng (giữa) thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng
* Đồng chí Cao Linh Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Lực lượng TNXP TPHCM:
Phải trang bị cho mình những kiến thức về lý luận và thực tiễn
Cách đây 6 năm, khi được phân công làm công tác Tuyên giáo, bản thân tôi còn nhiều bỡ ngỡ nên phải nỗ lực học hỏi từng chút để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau đó tôi được tham gia lớp bồi dưỡng chức danh trưởng ban tuyên giáo, lớp lý luận chính trị và qua những buổi giao ban, tôi tự tin hơn khi thực hiện nhiệm vụ, dễ dàng hơn khi chuyển tải những chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành công việc cụ thể thực hiện tại đơn vị.
Làm công tác Tuyên giáo, điều khiến tôi buồn nhất là có ai đó suy nghĩ "Tuyên giáo chỉ nói được chứ không làm được", vì "sản phẩm" của công tác Tuyên giáo không phải lúc nào cũng có thể đo đếm được. Chính vì vậy mà tôi cũng như những người làm công tác Tuyên giáo luôn cố gắng nhiều hơn nữa, để làm tốt nhất công việc của mình, để khi nói về công tác Tuyên giáo, người khác phải công nhận "Tuyên giáo nói được và làm được!".
Trong tình hình hiện nay, làm công tác tuyên truyền không chỉ nói điều mình cần nói, mà còn phải nói điều người dân muốn nghe. Thực tế đã cho thấy, khi chúng ta nói đúng và nói đầy đủ về một vấn đề nào đó thì sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và người dân. Người làm công tác Tuyên giáo phải trang bị cho mình những kiến thức về lý luận và thực tiễn, để không chỉ làm công tác tuyên truyền mà còn thực hiện tốt việc phản biện đối với các quan điểm sai trái, định hướng dư luận tích cực; biết và chủ động tham gia các trang mạng xã hội và sử dụng có hiệu quả truyền thông xã hội để phục vụ cho công việc.
Phát huy truyền thống và bài học kinh nghiệm đã có của 90 năm qua, tin chắc rằng toàn hệ thống các “binh chủng” làm công tác Tuyên giáo - công tác tư tưởng của Đảng nói chung, của Đảng bộ TPHCM nói riêng sẽ tiếp tục năng động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mai Trần (thực hiện)
(Nguồn: https://www.hcmcpv.org.vn)