Quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Lực lượng TNXP. Cán bộ, đội viên TNXP đã có mặt và tham gia công tác trồng, phục hồi và phát triển rừng từ những năm 1978. Đến nay, rừng Cần Giờ đã trở thành là phổi xanh của Thành phố, cán bộ, đội viên TNXP lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ.
Từ Văn phòng quản lý rừng tại dốc cầu An Nghĩa đến Đội Thanh Niên khoảng 15 phút nếu đi bằng vỏ lãi. Đây là một trong năm đội bảo vệ rừng do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP quản lý (đơn vị trực thuộc Lực lượng TNXP). Các đội còn lại gồm: Lôi Giang, Lý Nhơn, Đỗ Hòa và Gò Gia. Trong đó, Đội Gò Gia (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) có vị trí đóng quân xa nhất, nếu đi từ Đội Thanh Niên phải mất 2 giờ ngồi vỏ lãi. Con đường đến các đội bảo vệ rừng mênh mông sóng nước, song hành là những cánh rừng đước trải dài xanh ngút ngàn. Trước đây, do bom, mìn của chiến tranh mà rừng ngập mặn Cần Giờ bị tàn phá nặng nề. Từ năm 1978, cán bộ, đội viên TNXP đã đến đây tham gia vào quá trình trồng phục hồi rừng ngập mặn. Năm 1995, Tổng đội 1 TNXP (thuộc Lực lượng TNXP) được thành lập trên cơ sở tiếp nhận đất đai, cơ sở vật chất và các đội bảo vệ rừng thuộc Công ty Trồng rừng và Cung ứng nguyên liệu giấy. Đến tháng 12/2009, Công ty Dịch vụ công ích TNXP (nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP) tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý và bảo về rừng phòng hộ Cần Giờ từ Tổng đội 1 TNXP.

Cán bộ, nhân viên Đội Bảo vệ rừng đi tuần tra
Hiện nay có hơn 40 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại các Đội Bảo vệ rừng, ngoài ra còn có các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng. Do tính chất công việc và điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nên nhân sự trực tiếp tại các Đội ưu tiên nam. Tham gia vào công tác bảo vệ “lá phổi xanh” của Thành phố - một công việc quan trọng, tưởng chừng nơi làm việc cùng các trang thiết bị phục vụ công việc cũng phải đầy đủ, thể hiện sự chuyên nghiệp, nhưng nếu có dịp đến và cảm nhận công việc bảo vệ rừng của cán bộ, nhân viên ở đây chắc chúng ta không khỏi bất ngờ. Nơi làm việc của anh em bảo vệ rừng là một ngôi nhà tường nhỏ, mái tôn, phòng làm việc được bố trí gọn gàng phía nhà trên, phía sau thường xây thêm mái che bằng lá dừa để tăng diện tích và tận dụng làm giang bếp. Các vật dụng, cách bày trí và không gian tuy đơn sơ nhưng vẫn thể hiện sự nghiêm túc cần có của nơi làm việc. Cơ sở vật chất và giao thông ở đây còn hạn chế do cách xa Trung tâm Thành phố, điện sử dụng theo giờ, mùa khô phải mua thêm nước ngọt sử dụng, sóng điện thoại cũng chập chờn nên phải đặt điện thoại ở một vị trí cố định để thu sóng. Tuy khó khăn nhưng mỗi cán bộ, nhân viên ở Đội đều xem đây là việc bình thường vì đã quá quen thuộc, các anh nói rằng, chấp nhận công việc giữ rừng là phải bám lấy từng cành cây, con nước Cần Giờ. Và so với trước đây điều kiện làm việc của anh em đã có sự chuyển biến tốt hơn. Nhu yếu phẩm, ngày trước mỗi tuần có một lần nhưng nay đã có những chuyến ghe vàm chạy hàng ngày bán đầy đủ các mặt hàng như một cửa hàng tạp hóa linh động. Văn phòng Đội những năm đầu thành lập được làm bằng ván, mái lợp tôn, nơi nghỉ ngơi của anh em được xây riêng bằng lá, thì nay các Đội bảo vệ rừng đã được xây tường gạch, khang trang vững chãi hơn. Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Cần Giờ trồng đước, rồi tham gia bảo vệ rừng, mới đấy mà đã 35 năm, anh Phan Văn Thành (Đội Đỗ Hòa) chia sẻ: “Công việc một ngày của anh em bắt đầu bằng việc dọn dẹp, nấu cơm rồi chia nhau đi tuần. Nhóm đi tuần đường sông, nhóm đi đường rừng, nhóm ở nhà trực. Ngày trước không có vỏ lãi phải sử dụng xuồng chèo tay đi tuần, có điều kiện hơn thì xuồng gắn máy. Những hôm phát hiện đối tượng khả nghi, anh em trong Đội phải bám sát, hoặc neo xuồng lại khu vực khả nghi để chờ động tĩnh, dù nắng hay mưa, trời sáng hay tối. Vì vậy mà thời gian làm việc không ổn định”. Đối với các anh, an toàn cho rừng mới tạm hết giờ làm việc. Sau một ngày tuần tra, mỗi Đội sẽ ghi chép vào sổ nhật ký công tác nhằm lưu ý, đánh giá và căn cứ vào đấy để có kế hoạch cho ngày hôm sau. Ngoài công tác bảo vệ rừng, các cán bộ, nhân viên còn bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực quản lý, phối hợp với các chốt, các hộ giữ rừng và cơ quan chức năng (Trạm Kiểm Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ,…) đảm bảo công việc xuyên suốt.
Phòng làm việc của Đội Lý Nhơn
|  Điện thoại di động được cố định để thu sóng |
Quản lý, bảo vệ rừng không phải công việc đơn giản, phải có kế hoạch hàng tuần, hàng tháng để nắm bắt rõ khu vực quản lý, chủ động có biện pháp tuần tra. Anh Huỳnh Văn Đài (Đội trưởng Đội Lý Nhơn) đã có gần 30 năm gắn bó với nghề cho biết: “Quản lý, bảo vệ rừng nếu kể ra sẽ có rất nhiều công việc nhỏ bên trong. Đi tuần không chỉ đơn giản là quan sát, theo dõi đối tượng khả nghi mà còn gặp gỡ, khéo léo tuyên tuyền cho người dân cách bảo vệ rừng. Nếu gặp người dân đang vào rừng khai thác mật ong thì phải lưu ý, nhắc nhở vì lấy mật ong thường sử dụng lửa, có thể gây cháy rừng. Một số người vào rừng bắt chem chép, bắt ốc thì phải nhắc nhở, và hướng dẫn thực hiện để không ảnh hưởng đến cây non. Riêng đối với các đối tượng đào địa sâm thì phải có biện pháp ngăn chặn hoặc phối hợp chính quyền địa phương, Trạm Kiểm lâm có biện pháp xử lý”. Người cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng còn là một “nhân viên y tế”, kiêm nhiệm việc “khám” cho những cây trong rừng, khi cây có dấu hiệu sâu ăn lá, sâu đục thân, lá rụng, cây chết,… phải theo dõi và báo có cho các đơn vị chức năng. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, anh em cán bộ, nhân viên còn thường xuyên được đơn vị tạo điều kiện, cử đi học các lớp bồi dưỡng nhằm nắm bắt điều luật mới, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia học các lớp điều khiển phương tiện thủy nội địa; học cách ứng xử, làm việc với người dân và các đối tượng xấu. Anh Liêu Điền Quang, Phó Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ công cộng phụ trách rừng phòng hộ cho biết: “Đơn vị thường xuyên thăm hỏi động viên, chia sẻ, nắm bắt tình cảm, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng nhằm kịp thời giải quyết khó khăn và động viên tinh thần anh em gắn bám rừng. Ngoài ra, đơn vị cũng trang bị và vận động Mạnh Thường Quân tặng các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt như thùng chứa nước, radio, tivi... phần nào khắc khục những khó khăn trong sinh hoạt của cán bộ, nhân viên, hộ giữ rừng”.
Những đặc thù trong điều kiện làm việc không làm khó khăn cán bộ, nhân viên yêu nghề. Thời gian qua, hơn 7 ngàn ha rừng đã được các Đội quản lý và bảo vệ chặt chẽ. Họ vẫn gắn bám và ngày một phát triển, nâng cao từ đời sống vật chất tinh thần đến cách thức tổ chức công việc. Quản lý, bảo vệ lá phổi xanh của Thành phố - một nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhưng dù ở thời điểm nào người cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng cũng làm tròn trách nhiệm. Góp phần giữ mãi màu xanh của những cánh rừng Cần Giờ như giữ chính màu áo TNXP sáng đẹp trong mắt người dân Thành phố.
Thảo Nghi