Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37594627
hoạt động công ích
TNXP và sự gắn bó với rừng Sác: Ngày ấy và bây giờ
       Hình ảnh khu rừng ngập mặn bị chiến tranh tàn phá, trở thành vùng đất trống, xác xơ cây cỏ, có lẽ chỉ còn trong kí ức, giờ đây, rừng Sác như một bức tranh thiên nhiên sống động, tươi đẹp với bạt ngàn cây cối xanh um tươi tốt, đa dạng các loại động vật. Đó là thành quả của biết bao mồ hôi, công sức cải tạo, trồng lại rừng của các chiến sĩ bộ đội, nhân dân huyện Cần Giờ và đội viên Thanh niên xung phong Thành phố làm sống lại vùng đất sình lầy, hoang hóa này.
 
       Tôi gặp ông Nguyễn Thành Hưu, nguyên Giám đốc Nông trường Thanh niên Duyên Hải, trực thuộc Lực lượng TNXP Thành phố lúc bấy giờ (1981), vào một chiều tháng 4/2015, để tìm hiểu về công việc cải tạo, phục hồi một phần rừng Sác của Nông trường.
 
       Ông cho biết rằng, ngày ấy, Nông trường Thanh niên Duyên Hải được xây dựng trên khu vực tả ngạn sông Lòng Tàu, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Trong chiến tranh chống Mỹ, đây là địa bàn hoạt động của Trung đoàn 10, đặc công Rừng Sác. Với âm mưu tiêu diệt căn cứ quân giải phóng, giặc Mỹ đã rải hàng triệu tấn bom đạn và hàng triệu lít chất độc hóa học xuống, biến rừng Sác trở thành một vùng trảng trắng, xơ xác, chỉ còn thưa thớt chà là và mắm. Năm 1981, khi được Thành phố giao nhiệm vụ thực hiện cải tạo, phục hồi rừng, các cán bộ, đội viên TNXP của Nông trường đã tiến hành ngay việc trồng đước trên vùng đất sình lầy này. “Những ngày ra quân trồng đước, anh em cán bộ, đội viên TNXP cứ xắn quần, lội trong sình lầy, một tay ôm đước giống, một tay phóng đước như phóng phi tiêu xuống sình”, ông Nguyễn Thành Hưu nhớ lại. Nghe ông nói là vậy, nhưng khi tìm hiểu và xem những bức ảnh tư liệu, tôi lại thấy TNXP nâng niu cấy từng cây đước như cấy lúa.
TNXP trồng đước tại huyện Cần Giờ (ảnh Tư liệu)
 
       Song song với công việc trồng đước, suốt 05 năm (1981-1985), TNXP đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây như: cây mía, dứa, mè đen, cà chua, đậu nành, đay, ớt, lúa, thầu dầu… trên diện tích 5 ha. Kết quả, vùng đất này trồng được dừa, đay, đậu nành, ớt, tràm bông vàng và bạch đàn. Ngoài ra, Nông trường còn thử nghiệm đào ao, đắp bờ bao ngăn mặn nuôi tôm, cá rô phi…
 
       Ông Nguyễn Thành Hưu chia sẻ, để trồng được cây đước, cũng như thử nghiệm thành công những loại cây trồng, vật nuôi khác, TNXP đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Họ phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mùa nắng, nắng nóng gay gắt, nước mặn bốc hơi làm bỏng rát làn da; mùa mưa, sình lầy càng lầy lội, những bước chân càng thêm nặng trĩu. Bao nhiêu muỗi, bao nhiêu vắt rừng đeo bám, hút máu trên da thịt. Cuộc đối đầu giữa con người với những cơn sốt rét rừng càng thêm dai dẳng. Nhưng, TNXP đã làm được! Một diện tích khá lớn rừng đước đã dần sinh sôi, nảy nở dưới bàn tay lao động của những người TNXP.
 
       Đất, rừng đã không phụ công người. Qua mấy chục năm cải tạo, phục hồi, rừng Sác đã hồi sinh trở lại. Vào năm 2001, Rừng phòng hộ Cần Giờ (tên gọi khác của rừng Sác) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Từ đây, rừng Sác nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Đội viên TNXP tuần tra, bảo vệ rừng
 
       Khi rừng bị tàn phá, tận diệt, TNXP làm nhiệm vụ cải tạo, khôi phục; khi rừng đã xanh trở lại, TNXP tiếp tục với nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn. Hiện nay, Xí nghiệp Dịch vụ công cộng, trực thuộc Công ty TNHH MTV Công ích TNXP đang quản lý và chăm sóc cho 7.578,60 ha rừng phòng hộ Cần giờ. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của cán bộ, đội viên TNXP bảo vệ rừng và các hộ giữ rừng, Xí nghiệp đã làm tốt công tác bảo vệ, kịp thời ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng.
 
       Tôi vẫn nhớ lời chia sẻ của anh Thắng - Đội Trưởng Đội giữ rừng Lôi Giang, với các anh, được làm công việc bảo vệ rừng, bảo vệ thành quả lao động của lớp TNXP đi trước, bảo vệ lá phổi xanh của Thành phố là một niềm vinh dự và tự hào. Đó cũng là động lực để các anh vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong công việc, sinh hoạt tại địa bàn đóng quân (nằm trong rừng Sác) -  nơi cách trung tâm Thành phố không bao xa, nhưng không có điện, nước ngọt còn phải mua từng thùng.
 
       Với những người tham gia công tác phục hồi rừng Sác nói chung và Lực lượng TNXP nói riêng, việc cải tạo một vùng đất sình lầy trở thành Khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận như hiện nay là một thành công rất lớn. Vì vậy, cán bộ, đội viên TNXP trực tiếp làm công tác bảo vệ rừng càng quyết tâm làm tốt công tác bảo vệ, để lá phổi của Thành phố mãi xanh, mãi là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
 
Trần Hạnh
CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn