
Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân
phát biểu tham luận tại Đại hội.
Phát triển kinh tế tri thức là một trong những mục tiêu của TPHCM trong giai đoạn 2020 – 2025. TP cũng tập trung các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ… Đó là những nội dung được các đại biểu trình bày tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tham gia phát triển kinh tế tri thức
Trình bày tham luận tại Đại hội, đồng chí Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG–HCM) cho biết, phát triển kinh tế tri thức là một trong những mục tiêu của TPHCM trong giai đoạn 2020 - 2025. Trong 4 chương trình phát triển TP giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030 thì cả 4 chương trình này đều gắn với 4 trụ cột của nền kinh tế tri thức. “Bám sát mục tiêu, giải pháp và các chương trình đột phá được trình bày trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ĐHQG-HCM tiếp tục đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xây dựng các giải pháp, các sản phẩm phát triển kinh tế tri thức ở TP là một trong những nhiệm vụ quan trọng”. – đồng chí Vũ Hải Quân cho biết.
Theo đồng chí Vũ Hải Quân, hệ thống giải pháp phát triển kinh tế tri thức tiếp tục được ĐHQG-HCM xây dựng xoay quanh 4 trụ cột chính. Cụ thể là về giáo dục – đào tạo, ĐHQG-HCM sẽ chủ động tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực. Sản phẩm dự kiến sẽ là các chương trình đào tạo trình độ quốc tế ở các lĩnh vực được giao như công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị. Các chương trình đào tạo này sẽ được thiết kế và xây dựng theo các chuẩn mực kiểm định quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của TP trong việc phát triển kinh tế tri thức. Cùng với đó là thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ, tạo ra nền tảng để các trường đại học trên địa bàn TP chia sẻ tài nguyên: tài liệu sách, giáo trình, hệ thống bài giảng… Các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông, y tế, tài chính…
Đối với việc nghiên cứu chuyển giao và đổi mới sáng tạo, đồng chí Vũ Hải Quân cho biết, ĐHQG-HCM sẽ chủ động tham gia Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM. Sản phẩm dự kiến sẽ là các chính sách tư vấn, các sản phẩm công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Khu Công nghệ Phần mềm, ĐHQG-HCM. Đặc biệt, trong chương trình liên kết phát triển du lịch, ĐHQG-HCM sẽ hợp tác với TP và các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, mang nét truyền thống đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.
Liên quan đến hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, ĐHQG-HCM chủ động tham gia thực hiện các đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM. Sản phẩm dự kiến sẽ là hệ thống các chính sách và giải pháp liên quan đến các đề án trên, trong đó Khu Công nghệ Phần mềm của ĐHQG-HCM sẽ trở thành một hạt nhân quan trọng trong mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.
Riêng về hệ thống thể chế chính sách, đồng chí Vũ Hải Quân chia sẻ, ĐHQG-HCM chủ động tham gia các đề án trong chương trình đột phá đổi mới quản lý TPHCM. Sản phẩm dự kiến sẽ là hệ thống các chính sách và giải pháp liên quan đến mô hình đô thị thông minh, phương pháp quản trị hiệu quả trong nền tảng hạ tầng số, các sản phẩm ứng dụng trong khu đô thị thông minh như: giám sát giao thông, đảm bảo an ninh mạng… Điểm nhấn trong chương trình này là ĐHQG-HCM sẽ trở thành một hạt nhân trong Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Lê Hồng Sơn trình bày tham luận tại Đại hội.
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, khuyến khích đại học chia sẻ
Đề cập đến nội dung đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ, đồng chí Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhấn mạnh, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 7 chương trình đột phá. Đại hội lần này tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, kết hợp với việc xây dựng mô hình “Đại học chia sẻ”, trong khoảng thời gian dài, mang tính chiến lược, giai đoạn 2020 - 2035.
Từ quy mô và thực tế của ngành giáo dục TP, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, TP đã xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Cụ thể là xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông, trong đó đã sớm đưa mục tiêu “hội nhập” vào các cấp học phổ thông. Những chương trình, đề án cũng được ngành giáo dục đào tạo TP đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường và đã được xã hội, các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, tham gia tích cực. Nội dung giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học,… cũng được đưa vào nhà trường ngày càng nhiều hơn. Công tác giao lưu, trao đổi các đoàn giáo viên, học sinh quốc tế được tổ chức thường xuyên, đa dạng, hiệu quả, giúp học sinh TP thêm hiểu biết về văn hóa các nước, tự tin và có thêm những kỹ năng giao tiếp với bạn bè thế giới.
Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Lê Hồng Sơn chia sẻ: Thời gian tới, bậc giáo dục phổ thông của TP sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, ngành giáo dục đào tạo TP đã xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục TP tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy – học trong nhà trường, mà bước đầu là mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh và Đề án mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai. Ngành giáo dục đào tạo TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM trong nhà trường, tạo điều kiện để các học sinh tham gia nghiên cứu khoa học; tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với học sinh các trường phổ thông; đưa các tiện ích ứng dụng từ những thành quả của khoa học và công nghệ vào nhà trường; đẩy mạnh hoạt động dạy học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số, xây dựng môi trường học tập trực tuyến, phục vụ việc tự học của học sinh, việc học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập thông minh…
Cùng với đó là triển khai Đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ”. Đề án đưa ra quan điểm, mục tiêu rất rõ ràng với 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, 3 mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 9 giải pháp có tính toàn diện. “Đó là cơ sở để các trường đại học được phân công xây dựng 9 Đề án thành phần nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trong điểm: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị và Đề án Đại học chia sẻ”. – đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Nhóm PV
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tap-trung-dao-tao-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-phat-trien-kinh-te-tri-thuc-1491870670