Liên kết website

 

Số lượt truy cập
37343592
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Chạm vào nỗi nhớ

       Một ngày của tháng 9/1976, bàn giao công trình đào kênh xong, 2g30 chiều, chúng tôi háo hức vì được về sớm để tổng duyệt văn nghệ. Tối, mọi người sẽ tham gia chương trình đốt lửa trại và thi văn nghệ.

       Trước đó, Trung đội nữ chúng tôi được chia ra, tham gia vào hai nhóm cùng với nam, lập thành 2 đội văn nghệ. Tôi được phân vào đội 1. Cũng may đội 1 có 3 đồng chí: Hồng, Dũng, Cường giỏi về phong trào văn nghệ nên đảm nhận công tác chọn tiết mục, dàn dựng... Tôi thì được phân công ngâm thơ và phụ trách thêm phần trang điểm, hóa trang cho các diễn viên.

       Phần trang điểm, hóa trang đã làm tôi một phen đau đầu. Để có phấn trang điểm, trước đó, tôi phải lân la xuống hậu cần xin nhỏ Sương - chị nuôi nước vo gạo, chờ lắng, lấy phần cặn đặc, đem phơi khô để dành. Tôi nhặt vài mẩu than ở bếp, mài cho nhọn làm chì kẻ mày, kẻ mắt. Còn son, tôi phải bấm bụng, làm gan, mượn đồng chí Chính trị viên cây bút lông đỏ, dù lúc ấy tôi rất sợ đồng chí. Trang phục cho diễn viên múa và kịch, tôi bàn với nhóm tận dụng mền của cá nhân quấn làm xà rông, kết lá dừa với lá chuối làm áo cho nam. Còn áo cho nữ, tôi mượn áo thun rồi kết viền thêm lá vào cổ và tà áo cho đẹp. Các đồng chí nữ đi hái hoa sứ trắng về kết làm vòng cổ, vòng tay, vòng chân cho ra vẻ người dân tộc Tây Nguyên. Càng gần tới ngày thi, tôi càng quýnh lên vì chưa tìm được bộ bà ba nam cho nhân vật trong tiểu phẩm. Và chính bộ bà ba mà tôi suýt bị kỷ luật.


       Còn nhớ trước hôm diễn văn nghệ một ngày, trên đường ra hiện trường, mắt tôi chợt sáng lên khi nhận thấy có người bên kia kênh đang mặc đồ bà ba trắng. Càng mừng hơn, khi tôi nhận ra người đó chính là “Ông Tư quán chè” - chủ quán chè mà chúng tôi hay ghé ăn. Như sợ ông Tư biến mất, tôi quên cả hàng ngũ, vụt chạy đuổi ông Tư cho kịp. Tới hàng rào dâm bụt trước nhà, gặp được ông, tôi năn nỉ:

       - Dạ! Ông Tư ơi! Ông cho con mượn bộ bà ba ông đang mặc để tối mai tụi con mặc diễn kịch với ông Tư ơi! Tụi con tìm cả tuần rồi mà không có! Ông Tư giúp dùm con đi. Ông là cứu tinh của tụi con đó!

       Ông Tư chần chừ, ông bảo đấy là bộ bà ba con gái may tặng, chúc thọ bảy mươi của ông. Còn bà Tư thấy tôi năn nỉ tội nghiệp, với lại tụi tôi cũng là mối chè của bà nên bà nói thêm vào vài câu, cuối cùng ông Tư cũng xiêu lòng, đồng ý cho tôi mượn. Tôi hí hửng cầm bộ bà ba về Đội, và chắc mẩm rằng sẽ được chứng kiến sự ngạc nhiên của mọi người. Nhưng vừa bước tới cửa sam của Ban chỉ huy Đội, tôi bất ngờ khi bị đồng chí Đại đội trưởng mắng té tát:

       - Đồng chí có nhớ nội quy, điều lệnh đã học không? Tại sao đồng chí bỏ hàng ngũ lao động? Đồng chí đi đâu sao không báo cáo? Đúng là vô kỷ luật, làm kiểm điểm cho tôi.

       Tôi đứng chết lặng. Bộ bà ba tuột khỏi tay, rơi xuống đất. Tôi vừa sợ, vừa giận đến bầm gan tím mật. Không nói được nửa lời, nước mắt tôi cứ tuôn trào. Thấy tôi đứng khóc, đồng chí Phó Chính trị viên bước tới nhặt bộ bà ba lên rồi dắt tôi vào văn phòng Ban chỉ huy để tôi trình bày lý do vắng mặt. Tôi được dịp trút hết cơn giận và nỗi oan ức của mình cho đồng chí Phó Chính trị viên nghe. Đồng chí ôn tồn, nói:

       - Việc làm của đồng chí là đúng, là tốt, nếu như đồng chí có báo cáo cho Đại đội biết là đi công tác cho văn nghệ. Đằng này, lại đột xuất biến mất, không ai biết đồng chí đi đâu. Cả Đại đội từ sáng đến giờ đi tìm đồng chí mà bỏ cả lao động, sợ đồng chí bị chết đuối hay bị chuyện gì khác. Đồng chí về trễ một chút xíu, thì phải đi báo lên Liên Đội, có phải phiền phức không?

       Tôi nhận ra lỗi của mình, và bao nhiêu sự giận dỗi, tự ái trong lòng tiêu tan đâu hết. Thấy Đại đội trưởng bước vào, tôi vội đứng lên nhận khuyết điểm và hứa làm bản tự kiểm điểm. Tuy nhiên, giờ đây, nét mặt Đại đội trưởng trông thật hiền. Đồng chí dặn dò tôi cố gắng khắc phục, sửa sai, làm việc phải có kỷ luật, tôn trọng tập thể, và không bắt tôi viết kiểm điểm nữa.

       Đúng 19g00, sau một hồi còi tập hợp của Ban Chỉ huy Đại đội, các Tiểu đội đã tề tựu trước sân để điểm quân số. Lửa trại được nổi lên, tháp lửa hừng hực. Toàn Đại đội xếp thành vòng tròn xung quanh. Các bài hát cộng đồng cất lên theo nhịp vỗ tay, chương trình thi văn nghệ bắt đầu.

       Đội 1 mở màn với liên khúc “Hát cho dân tôi nghe” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập và “Ôi! Tổ quốc ta đã nghe” của nhạc sỹ La Hữu Vang. Tiếng ca hòa theo tiếng ghi ta thùng và tiếng trống (được làm từ thùng thiếc)vang vang trong đêm nghe hùng hồn làm sao. Đội 2 cũng hoành tráng với tốp ca biểu diễn bài “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sỹ Tạ Thanh Sơn . Họ cũng có tầm vông vát nhọn, chỉ tiếc là không có đồ bà ba đen để minh họa. Đội 2 còn sôi nổi với tiết mục đơn nữ “Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sỹ Huy Thục. Giọng cao vút, chắc khỏe đầy máu lửa của nhỏ Ái Phi nghe mà “nổi da gà”, làm tôi nao núng. Vì tiết mục ngâm thơ của tôi kế đó. Tôi sợ ngâm thơ buồn quá không ai nghe. Đồng chí Đào, Đội phó phụ trách công tác hậu cần, vừa sửa soạn lại khăn áo cho tôi, vừa động viên, trấn an tôi “Tự tin là chiến thắng”.

       Người dẫn chương trình phải mời tôi đến lần thứ 2, đồng chí Phó Chính trị viên phụ trách phong trào chạy lại chỗ tôi gào lên, chị Đào thì đẩy phía sau, tôi mới dám bước ra “sân khấu”. Một tràng dài vỗ tay lẫn những tiếng reo hò trỗi lên cổ vũ tôi. Tôi hít một hơi dài, mắt nhắm lại, cất giọng ngâm bài thơ “Quê Hương” của Giang Nam:

“Thuở còn thơ ngày hai buổi tới trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Ai bảo chăn trâu là khổ

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”

       Giọng ngâm của tôi hòa theo tiếng sáo của đồng chí Khải, tiếng ghi ta của đồng chí Tùng. Mọi người yên lặng lắng nghe. Giọng ngâm vừa dứt, âm thanh cổ động lại trỗi lên. Đồng đội ùa ra sân công kênh, tung hứng tôi như quả banh da. Những cành hoa dại hái ở bên đường cũng được mọi người cột thành bó đem lên tặng tôi. Phó Chính trị viên cũng tươi cười, bước tới tặng tôi một cành hoa và nói:

       - Chúc mừng đồng chí, ngâm rất hay, tiếp tục phát huy nhá!

       Tôi thẹn quá, lí nhí lời cảm ơn, rồi vội chạy vào trong để hóa trang cho đồng đội. Để hóa trang cho đồng chí Cường thành “ông ngoại” ở quê vừa sang, vừa giàu lên Thành phố thăm cháu đi TNXP trong tiểu phẩm “Lao động là vinh quang”, lúc đầu tưởng chỉ có bộ bà ba nam là xong, nào ngờ còn phát sinh thêm guốc mộc, khăn rằn, giỏ trái cây, bánh tét, bánh ú... Tôi phải cố gắng lắm mới có đủ mọi thứ. Đặc biệt, để chải mái tóc đen thui của đồng chí thành mái tóc bạc phơ kiểu “ông ngoại”, tôi phải hy sinh cả tuýp kem đánh răng. Khi tiểu phẩm bắt đầu, “ông ngoại” Cường khệ nệ, tay xách giỏ, tay xách guốc, nách cắp cặp dù… bước ra sân khiến mọi người cười nắc nẻ, vỗ tay rần rần.

       Và cuối cùng là tiết mục múa “Tiếng chày trên Sóc bom bo” (nhạc sĩ Xuân Hồng) của đội tôi. Các động tác do đồng chí Cường biên đạo vừa dẻo dai, vừa khỏe khoắn. Diễn viên lại được trang điểm, hóa trang trông rất giống đoàn múa từ Tây Nguyên. Mọi người bị cuốn hút theo bài múa, vỗ tay tán thưởng. Chúng tôi hứng khởi vì chương trình của đội mình đêm nay rất hay. Nhưng đến phút cuối cùng, lúc đội hình đẹp nhất thì bỗng một đồng chí nam dẫm lên xà rông của người kế bên làm chiếc xà rông bị tuột khỏi người, rơi xuống đất. Mọi người được một phen cười lăn ra đất. Đội văn nghệ chúng tôi xấu hổ, không biết giấu mặt đi đâu. Đồng chí Cường tức ra mặt, mắt đỏ hoe. Còn hai đồng chí nam kia thì sợ xanh cả mặt. Dù gặp sự cố trong biểu diễn nhưng các tiết mục đều rất hay nên kết quả, Đội 1 chúng tôi vẫn được giải nhất với 4 tiết mục được chọn đi thi cấp Liên đội, trong đó có cả tiết mục múa bị rớt xà rông nữa; Đội 2 giải nhì với 3 tiết mục được chọn.

       Văn nghệ kết thúc, Đại đội chúng tôi tiếp tục nhảy múa bên ánh lửa hồng. Nồi chè được khiêng ra. Đại đội quây quần bên nhau chờ thưởng thức. Tiếng rao chè của chị nuôi nghe ngọt lịm: “Ai ăn chè bà ba, bột khoai, bột bán, nước dừa, đường cát hôn…”. Mà nhắc tới bà ba, tôi mới nhớ, sáng mai phải giặt bộ bà ba trắng để trả cho ông Tư mới được.

                                                                            Hương Xuân

Cựu TNXP Liên đội Lê Minh Xuân

 

 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn