Ai đi Phú Giáo, Bình Dương
Tới xã An Thái thăm Trường số 3
Những câu thơ ấy, chợt tuôn ra theo dòng cảm xúc nhớ rừng của tôi. Bởi đã bao năm rồi, tôi mới được trở về “chiến trường xưa”. Mấy ngày trước, cầm trong tay thư mời tham gia tập huấn nghiệp vụ báo chí của Lực lượng TNXP tại Trường 3, tôi đã thao thức không ngủ được. Chuyến đi này sẽ đầy ý nghĩa, bởi đây là lần đầu tiên tôi trở lại nơi đóng quân ngày xưa sau ba mươi tám năm dài xa cách.
8g30, ngày 21/9/2015, đoàn chúng tôi xuất phát từ Cơ quan Lực lượng. Tham gia chuyến đi tập huấn lần này, ngoài các cán bộ, nhân viên các đơn vị trực thuộc Lực lượng TNXP, chỉ có tôi và chị Cẩm Hồng là cựu TNXP. Sau hơn 2 giờ bon bon trên đường, chiếc xe đã đưa chúng tôi về đất Phú Giáo. Lòng tôi bỗng reo lên: “A! Đây rồi ngã ba Kỉnh Nhượng”. Mới ngày nào, ngã ba này còn như cánh cổng vào rừng mà bây giờ đã được bê tông hóa, trông thật hiện đại. Trong tôi bồi hồi xúc động, niềm vui, nỗi nhớ cứ dâng tràn. Lòng chợt bật lên mấy câu thơ:
Rừng ơi! Ta đã về đây
Dẫu bao xa cách đêm ngày nhớ trông
Ba mươi tám năm trước, mảnh đất này thuộc xã Dinh Điền, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé. Chúng tôi độ tuổi mười tám, đôi mươi mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lần đầu tiên đến với rừng. Con đường đất đỏ vào nơi đóng quân của đơn vị hai bên đầy cỏ dại, những chồi non chen chúc quanh những lùm cây to. Thi thoảng, gió nhẹ thoảng đưa hương rừng - mùi của cây lá, của đất rừng quyện hòa vào nhau - một đặc sản của miền Đông Nam bộ. Lán trại chúng tôi ở là những dãy nhà dựng sẵn, chỉ có mái tranh mà không có vách; xung quanh, cảnh vật tĩnh lặng… và những gian khó thiếu thốn, vất vả, đã bắt đầu... Còn bây giờ, tôi đang ở trên mảnh đất xưa đây, nhưng trước mắt tôi, cảnh vật thật khác. Đường đã được trải nhựa, hai bên nhà cửa khang trang ẩn mình trong những vườn cây xanh lá. Những vườn cây cao su rợp bóng mát khẽ rung rinh theo gió như vẫy chào đoàn chúng tôi về thăm.
Tác giả (thứ 2 từ phải qua) trong chuyến tập huấn
“Đến trường rồi các anh em ơi!”, một bạn trẻ trong đoàn chúng tôi hô to. Cánh cổng trường rộng mở, trước mắt tôi là một khung trời xanh mát, trong lành. Những ngôi nhà công vụ nhỏ nhắn, xinh xắn nằm ven hồ Bà Yên nên thơ, quyến rũ. Sau khi được đón tiếp, ổn định nơi nghỉ ngơi và ăn trưa, đầu giờ chiều, chúng tôi cùng vào lớp. Buổi học đầu tiên, nhà báo Quang Liêm, báo Người Lao Động hướng dẫn chúng tôi về kỹ thuật chụp ảnh báo chí. Đây là lần đầu tiên tôi được học chụp ảnh. Trước giờ, tôi không biết đến khái niệm về bố cục hình ảnh, cứ ngắm thấy đối tượng cần chụp hơi rõ rõ rồi là bấm máy thôi. Nhưng, hôm đó, nhà báo Quang Liêm đã chỉ rõ cho mọi người biết về cách sắp xếp bố cục hình ảnh, các góc chụp, cũng như cách để có được phông nền gọn gàng, để làm nổi bật đối tượng cần chụp. Tôi như vỡ lẽ ra. Lòng vui sướng, đột nhiên, tôi cảm thấy tự tin hơn khi cầm chiếc máy ảnh thường ngày của mình trên tay. Từ nay, khi đi dã ngoại, đi hội họp ở Cơ quan, chắc chắn tôi sẽ chụp được những bức hình đẹp hơn.
Những buổi học tiếp theo, nhà báo Hoàng Oanh, Đài Tiếng nói Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn chúng tôi cách viết tin, bài. Trước đây, vì nghĩ mình không có năng khiếu viết văn xuôi nên tôi không dám viết. Thành ra, các cháu ở Bản tin TNXP cứ bảo chú viết về chuyện TNXP ngày xưa là tôi từ chối, cố gắng lắm mới làm được mấy bài thơ thôi. Tuy vậy, qua buổi học với cô giáo Hoàng Oanh, tôi đã biết được nhiều điều. Tôi đã biết về cấu trúc của một tin báo chí, biết cách làm dàn bài trước khi viết để bài viết của mình không sót, thiếu ý…
Góc bình yên tại Trường GDĐT và GQVL số 3
Sau khi kết thúc chương trình học buổi sáng, giáo viên cùng cả lớp được Ban Giám đốc Trường 3 hướng dẫn đi tham quan thực tế các đội Quản lý học viên và vườn rau, khu chăn nuôi. Đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe, tôi mới cảm nhận được phần nào cuộc sống của các em học viên. Ngoài giờ lao động, học nghề, các em còn được Trường quan tâm, tổ chức cho tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao: Bóng đá, bóng chuyền… Đặc biệt, Trường còn có đội múa lân biểu diễn trong Trường vào các dịp lễ, Tết. Qua gặp gỡ, trò chuyện với các em học viên, tôi được biết rằng sự quan tâm của tập thể Ban giám đốc, cán bộ, viên chức, người lao động Trường là nguồn động lực rất lớn, giúp các em thêm niềm tin, phấn đấu rèn luyện, học tập tốt để sớm đoàn tụ với gia đình, hoà nhập với cộng đồng.
Sau giờ học, chúng tôi tham gia các môn thể thao như: bóng chuyền, đá banh… Tối đến, nhóm nữ hát karaoke, nhóm nam thì uống cà phê, đánh bida, một không khí thật hoà đồng và vui tươi. Tôi và Cẩm Hồng cùng các bạn trẻ TNXP trò chuyện. Chúng tôi - hai thế hệ TNXP như những người bạn thân thiết, nghĩa tình. Tôi kể về quá trình tham gia TNXP, về những năm tháng gian khó. Hồi ấy, đơn vị tôi làm rất nhiều việc: lúc thì làm rẫy, trồng trọt tăng gia sản xuất, tự túc lương thực; lúc thì vào rừng đốn cây, cắt tranh dựng nhà cho đồng bào đi xây dựng kinh tế mới. Những lúc thiếu lương thực, chúng tôi phải ăn độn thêm rau rừng để no. Dù gian khó, khổ sở nhưng đêm đến, cả đơn vị lại đốt lửa trại, ca hát thật vui tươi, đầm ấm, chan hòa.
Tạm biệt rừng thiêng, sông Bé xưa chỉ còn trong kí ức; tạm biệt Trường 3, Bình Dương hôm nay - ngôi trường sẽ luôn rộng mở cánh cửa cho những bước chân lầm lỡ. Đã đến lúc chúng tôi phải lên xe trở về Thành phố. Trên đường về, lòng tôi cứ nặng trĩu, thấy mấy ngày ở Trường 3 sao trôi qua nhanh quá! Tôi vẫn thấy còn nhiều luyến tiếc. Giờ đây, khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn nhớ về những khúc cua, triền dốc, hay những vườn cao su xanh mát trên suốt cuộc hành trình. Bởi cuộc hành trình này đã để lại trong tôi những cảm xúc bồi hồi. Những vết tích, dấu ấn của ngày xưa dù không còn trên mảnh đất này nữa nhưng vẫn còn mãi trong kí ức của tôi hôm nay và mai sau. “Sống trên đời ai cũng có một thời đẹp nhất, với chúng tôi là năm tháng Thanh niên xung phong” 1. Cảm ơn Lực lượng TNXP đã tổ chức cho chúng tôi tham gia một chuyến đi tập huấn nghiệp vụ báo chí đầy bổ ích, thú vị. Riêng tôi, chuyến đi này còn là một chuyến về nguồn ý nghĩa.
Đức Thọ
Chú thích:
1: Lời bài hát: “Một thời đẹp nhất” của nhạc sỹ Trương Quang Lục