Khoảng 1978, tôi được phân công tới đơn vị mới là Phân hiệu Thiếu Nhi (đóng tại Tân Phú, Đồng Nai) trực thuộc Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới, thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục cho các em thiếu nhi lỡ sa chân vào tệ nạn, giúp các em vươn lên, sống có ích cho gia đình xã hội. Dù chỉ quản lý các em trong một thời gian ngắn, nhưng đã có nhiều chuyện xảy ra khiến tôi cứ nhớ mãi về những học trò đặc biệt của mình.
Năm ấy, tôi được phân công dạy lớp vỡ lòng. Trời ạ! Hình như tất cả các em đều không biết chữ nào, mà đây lại là lớp đông nhất và chắc là lớp vô kỷ luật nhất. “Em không học, em không học, ứ là em không h…ọc…ọc…ọc! - Củn - thằng nhóc có tật ở tay, mới vô trường hơn tuần cứ “Không học” miết, đã thế lại còn giương đôi mắt xếch một mí nhìn càng làm cho tôi sôi máu. Thanh “quằm”- em học sinh có “sức ăn vô địch” luôn. Bé Gái dữ dằn nhất bọn, cứ như bà cụ non, bất cần, bạn mà động tý là lên gối và cứ cùi chỏ mà thúc. Kim Hà dáng người nhỏ bé, có nụ cười nhếch mép, trông có vẻ khinh khỉnh. Tân - biệt danh Cu Trời, đôi mắt lúc nào cũng liếc liếc, trừng trừng. Em từng tâm sự với tôi về hoàn cảnh, rằng: “Sống ở phường cầu Ông Lãnh (Q.1); ba bị bắt đi tù vì bán ma tuý; còn má lấy chú nào đó không biết; buồn tình em đi bụi đời làm đại ca cho sướng”… Đó là “chân dung” những học trò của tôi ngày ấy. Để giáo dục các em, chúng tôi không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em biết yêu lao động, và nhất là giúp hàn gắn, xoa dịu nỗi mất mát của các em bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của người Thanh niên xung phong. Chúng tôi trở thành thầy cô bất đắc dĩ như thế, bởi có qua trường lớp nào đâu. Khi ấy, quyển sách “Bài ca sư phạm” của nhà giáo dục, nhà văn Liên Xô Anton Semyonovich Makarenko là “cứu cánh” của chúng tôi.
Nghĩ lại, tôi vừa giận lại vừa thương các em. Hồi đó, cơ sở vật chất của Trường cực kỳ khó khăn, thiếu thốn: Bàn là mấy cây tre đập dập, lấy sợi mây luồn qua cột lại; ghế là hai cây tre ghép lại, chân cũng bằng tre nốt; bảng thì lấy mấy miếng ván sơn đen kết lại với nhau; các lớp cách nhau bằng vách tre, không có vách chung quanh. Tập thì càng thiếu thốn, hai đứa một cuốn, nghĩa là cuốn tập cắt đôi; viết chì cũng cắt đôi cho hai đứa. Thiếu thốn đồ dùng học tập là vậy, nhưng các em cũng đâu có biết quý trọng, cứ bực mình với nhau là tập với viết lập tức trở thành “vũ khí” chọi nhau trong giờ học. Nhưng tôi cũng thương mà hiểu cho các em, bởi trước tới giờ, các em muốn chơi thì chơi, muốn đánh lộn thì đánh, còn giờ phải ngồi trong lớp, làm quen với tập, viết, với giờ giấc nghiêm chỉnh thì làm sao các em ngồi học yên ổn được. Lớp gần ba chục đứa, mà theo tôi tìm hiểu thì lúc ngoài đời có nhiều em là “đại ca”. Như Kim Hà và Cu Trời, cùng ở phường cầu ông Lãnh nhưng lập hai “băng” phân chia lãnh địa riêng để “làm ăn”, tức là giựt đồ, chôm chỉa, cản địa... bây giờ lại ngồi chung một lớp. Người ta nói: “rừng không hai Chúa, ngai vàng không thể hai Vua”, bởi vậy tôi khổ sở lắm! Hễ quay lên bảng là dưới lớp ồn ào, thậm chí lấy dép chọi nhau, rồi: “Cô ơi! Bạn “kên” con”. “Cô ơi! Nó giựt tập con”. “Cô ới! Nó lấy viết con nó... nhai”. Định đánh chúng nhưng lại không nỡ, tôi chỉ biết đứng khóc tại chỗ. Thấy cô giáo khóc, tụi nó càng có cớ để làm giặc: “Tại mầy gây sự trước nên cô giận!”. “Tao có làm gì đâu, mà ai biểu mầy liếc tao”. Tức quá, tôi cho cả lớp chạy 10 vòng, quanh 4 lớp.
Tối đó, tôi cứ trằn trọc, đánh vật với câu hỏi làm sao cải thiện cái lớp này. “Chẳng lẽ tôi thua sao?” - câu hỏi ấy cứ văng vẳng mãi trong đầu. Tôi đi ra khỏi sam, lững thững bước vào cái lớp học ấy! Gió rừng cứ làm lá cây xào xạc, tôi nhớ tới ánh mắt của Kim Hà, của Cu Trời như ngầm nói: “Cô thua rồi!” Và cũng nhớ tới lời nói nấc nghẹn của bé Gái khi kể về hoàn cảnh gia đình mình trong một lần mình đến thăm em bệnh: “Hồi xưa ở nhà, con bệnh mà má cứ nói là con giả bộ, không như các thầy cô ở đây, thương con quá!”, rồi khóc ngất. Tôi ôm em vỗ về mà nước mắt chảy dài, khuyên em đừng giận má nữa, ráng học rồi viết thư về cho má vui. Bất chợt tôi nhớ đến những bài học trong quyển sách “Bài ca sư phạm” và thế là đã tìm ra giải pháp cho lớp học của mình.
Lớp học TNXP (ảnh tư liệu)
Ngày hôm sau, tôi cho lớp nghỉ học sớm. Tôi dõng dạc: “Cô mời tất cả những em có tên sau đây qua dãy bên phải”, tụi nhỏ nhao lên, không biết điều gì xảy ra nhưng cũng làm theo. Kế đó tôi nói: “Bên trái cô, Kim Hà là tổ trưởng còn bên phải cô là em Tân làm tổ trưởng. Từ đây về sau, cô giao hai Tổ trưởng chịu trách nhiệm quản lý tổ của mình”. Từ đó, hễ bên nào ồn là tôi cứ: “Tổ trưởng tổ gì ơi, em xem lại nào!”, vậy là tổ trưởng chỉ đứng lên nhìn một cái là im re, dạy rất thoải mái, tôi như trút đi gánh nặng. Cho đến một ngày, trong giờ tụi nhỏ lao động, tôi đang ngồi soạn giáo án thì... “Cô giáo ơi! Cu Trời với Kim Hà nó chém lộn đang trên Phòng Y tế kìa!”, anh bảo vệ Thanh Tâm thất thanh gọi. Hoảng hồn, tôi vội chạy đến thì thấy một cảnh hãi hùng: Kim Hà mặt tái xanh đang bóp chặt đùi, ngay đầu gối, máu cứ chảy ra lênh láng; bên cạnh là Cu Trời với nét mặt đanh lại và cũng tái xanh; trên bàn là cây rựa còn dính máu. Tôi bủn rủn tay chân. “Có gì thì báo cho các anh chị chứ sao lại vậy, em có biết bạn bị vậy đau lắm không?”, anh Thành “đen” lớn tiếng với Cu Trời. Cu Trời trả lời với một giọng làm tôi nhớ hoài tới giờ: “Em sẽ lấy máu trả nợ máu”, rồi nó cầm cái rựa phập luôn vào đầu gối. Tôi xỉu luôn tại chỗ. Khi tỉnh dậy thì được biết, hai đứa nhỏ đã được đưa lên bệnh xá, cũng may là chỉ bị thương phần mềm. Vài hôm sau, tôi đi tập huấn chuyên đề “Đồ dùng dạy học” tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 2 tuần. Vì đơn vị đóng tại huyện Tân Phú, cạnh sông Đồng Nai, nên tôi phải qua phà về Thành phố. Hôm xuống phà, tụi nhỏ đứng mãi ở bờ sông hét: “Cô đi mau dzìa nha, tụi em nhớ cô!”. Tôi đi mà cứ nặng trĩu lòng, không biết anh Dũng - người tôi giao đứng lớp có chịu nổi cái lớp của tôi không? Tập huấn xong, tôi trở lại Trường, phà vừa cập bến, chưa kịp bước lên bờ, lại thấy tụi nhỏ đã đứng đợi sẵn ở trên bờ, cả bọn la lên: “Cô Hồng về rồi, có gì cho tụi em không cô?”. Cu Trời và Kim Hà, mỗi đứa chống một cây gậy, đầu gối còn băng trắng, điều bất ngờ là chúng đang khoác vai nhau. Biết tôi thắc mắc, hai đứa đồng loạt: “Lấy tình thương xoá bỏ hận thù mà cô! Giờ tụi em sống hoà bình lắm, tứ hải giai huynh đệ cô ơi!”, nghe chúng nói vậy, tôi vui mừng lắm.
Tối đó, tôi nghe chị Đỗ Kim Nhụy (thành viên Ban Giám Hiệu Trường) kể nguyên nhân vì sao Cu Trời và Kim Hà lại kết nhau mà cười đau ruột, thầm phục mọi người sát đất. Chuyện là vầy: Hai đứa đều nằm ở trạm xá, dù hai giường mà vẫn còn hơn thua nhau, đứa này ho một tiếng, thì đứa kia cũng có liền hai tiếng khục khặc, thậm chí thay băng tụi nó còn kêu oẳn tù tỳ, ai thắng rửa vết thương trước… Một hôm, anh Hùng và chị Thuỷ y tá nói nhỏ với nhau nhưng cố tình để hai bệnh nhân nghe rằng: “Mấy người già sống ở đây lâu năm nói xưa rừng này cọp beo nhiều nên chúng ăn thịt người nhiều lắm”, “hèn gì, hôm nọ đào hố chôn bông băng, tui thấy có gì trăng trắng giống như xương người, sợ quá nên lấp lại”. Và còn thêm câu: “Mấy ngày qua, nước sông chảy xiết, phà không dám chở lương thực, có lẽ phải bớt khẩu phần ăn và tiết kiệm dầu hôi lại”. Để Cu Trời với Kim Hà tin những điều nghe thấy là thật, khẩu phần ăn của hai đứa bị giảm xuống. Tối đến, trong phòng cũng chỉ được thắp một cây đèn dầu nhỏ, trong lúc thường ngày là mấy cây. Đêm khuya gió rít, ánh sáng lờ mờ, cộng với câu chuyện của anh Hùng và chị Thủy hồi chiều đã làm cho hai thằng qua nằm chung giường hồi nào không hay. Thấy tụi nó như vậy, ai cũng vui lắm. Tôi đoán người vui nhất chắc là anh Dũng bởi vừa bàn giao lại cái lớp cho tôi, anh bảo: “Hai anh em mình hùn tiền nấu nồi chè khao cả lớp nghe em, mừng em lại dzìa làm cô giáo!”. Nhìn tụi nhỏ thanh toán nồi chè mà tôi thương quá! Thương các em không may sinh ra trong hoàn cảnh đầy… “hoàn cảnh”, lây lất giữa chợ đời, trong khi những đứa trẻ khác cùng trang lứa sống đủ đầy. Từ ngày hai “đại ca” bắt tay nhau huề thì cái lớp thay đổi rõ rệt, chăm ngoan hơn và không còn gây chuyện nữa. Mà đứa thay đổi nhiều nhất là Củn. Ban đầu, em không chịu học, nhưng sau đó lại rất siêng học, trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Động lực để em học là Kim Hà khuyên: “Ráng học đi, sau này thành ông chủ ký tên rẹt rẹt cho người ta lé mắt chơi! Với lại, mai mốt có bồ, viết thư cho nó, hổng lẽ mày nhờ người khác viết sao?”. Tay em có tật, không lao động nặng được nên em được giao những việc nhẹ hơn: ghi năng suất lao động, chùi rửa dụng cụ lao động, và việc nào em cũng làm rất tốt.
… Đó là những chuyện của gần 40 năm về trước, lúc ấy tôi 18 tuổi. Bây giờ mà gặp lại tụi nhỏ chắc tôi nhận không ra, chúng cũng xấp xỉ 50 rồi. Thời gian nhanh quá! Các em tôi, các học trò ngày ấy của tôi: Cu Trời, bé Gái, Thanh “quằm”, Kim Hà… giờ ở đâu?! Nhớ quá!
Cẩm Hồng